Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

Tiếc cho núi Thuý sông Vân

Mỗi lần đi đường sắt Bắc Nam, qua thị xã Ninh Bình, nhìn thấy ngọn núi Dục Thuý Sơn như con chim chả xanh thắm tắm bên dòng sông Vân ai mà không mong ước có một mong ước có dịp bước chân nên chốn danh thắng này, nơi in dấu chân của biết bao danh nhân đất nước.

Theo sử sách, từ thời Lý Nhân Tông vào năm Quảng Hựu thứ 7 (1091) đã tháp Linh Tế trên núi. Trải qua thời gian, tháp bị hư hại, đến thời Trần Hiển Tông, nhà sư Trí Nhu đã xây lại tháp Linh Tế ở trên đỉnh núi, sáu năm mới xong (1337 - 1342). Trương Hán Siêu, một danh sĩ thời Trần đã có nhiều kỷ niệm với núi Non Nước. Trong bài "Dục Thuý Sơn Linh Tế tháp ký", Trương Hán Siêu đã cho biết "Tháp cao bốn tầng, đêm toả hào quang, người ở xa, gần đều trông thấy rõ". Trương Hán Siêu cũng là người đổi tên núi từ Băng Sơn thành Dục Thuý Sơn (Chim trả tắm). Quả là con mắt của một nghệ sĩ đã khiến cho núi có tên rất hay, ngọn núi nhỏ xinh như con chim đậu bên dòng nước biếc để rỉa lông, đập cánh. Núi tĩnh mà cái tên thì động. Nghe đâu Trương Hán Siêu không ở quê mà ở ngay chốn thanh nhã này. Trong một bài thơ, Trương Hán Siêu gửi gắm tâm tư:” Sắc núi còn xanh ngắt/ Lâu rồi người vẫn đi/ Lòng sông in bóng tháp/ Tầng thẳm cửa thôi che/ Từ cách xa đời tục/ Mới hay điều thị phi/ Năm Hồ trời đất rộng/ Bến cũ nơi nào về? ( Băng Thanh dịch).

Các vua Lê cũng đặt hành cung ở trên núi Thuý để thường đến chơi thăm. Trong một lần viếng Vĩnh Lăng trở ra, Lê Thánh Tông dừng thuyền lên núi Dục Thuý, đã làm bài thơ Đề núi Dục Thuý, khắc ở vách đá nhô cao về phía đông. Vua Tự Đức cũng từng đến thăm và đề thơ trên núi này.

Mới đây nhân có Hội thảo tại Ninh Bình, chúng tôi mới có dịp đến thăm nơi in đậm dấu ấn của lịch sử và văn hoá, biểu tượng của Ninh Bình này. Tiếc rằng, chuyến thăm đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ không vui.

Chân núi có chùa, tên chữ là Sơn Thuỷ Tự, sát nghĩa dân gian là chùa Non Nước. Đáng tiếc là chùa cổ đã bị phá, thay vào đó là một ngôi chùa bê tông, trong chùa vàng son sáng choé. Ngoài sân pho tượng Quan Âm Nam Hải bằng đá trắng Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng khiến cho ngôi chùa không còn dáng vẻ của chùa Bắc. Lại thêm con rồng mới đắp chạy quanh làm lan can kiểu du lịch Suối Tiên nữa khiến cho cảnh trí bị phá vỡ hoàn toàn. Con Rồng biểu tượng quân chủ thường gắn với đình đền, ít khi ( hay không bao giờ) xuất hiện tại các ngồi chùa truyền thống ( trừ trang trí bát hương hay chạm trên ngai, trên hương án) lại hiện hữu nơi đây. Một nữ nhà báo đi cùng than: Trông thấy con rồng Suối Tiên em không còn cảm hứng nữa… Sự lại tạp đã khiến cho ngôi chùa không còn bản sắc.

Lên núi nhỏ, cây cối xanh biếc, chỉ chừng dăm chục bậc đá là lên đến đỉnh núi. Đây rồi, núi Thuý “ thơ phú anh hoa đầy vách” ghi dấu ấn của biết bao tao nhân mặc khách, trở thành một tuyển tập thơ có một không hai. Trên núi còn trên 30 bài thơ văn khắc vào đá, ngoài ra còn đến hàng trăm bài thơ còn lưu trong sách vở của các danh nhân từ Trần Anh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phạm Huy ích, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ninh Tốn, Phạm Văn Nghị, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Bùi Dị ...

Tôi đi tìm ngày mấy tấm bia ma nhai, mong tìm thấy chữ của Trương Hán Siêu mà không còn. Bà cụ bán nước nói, bia đó mất lâu rồi. Nhiều tấm bia rêu phong, sứt vỡ. Có bia đá trắng cao trên 1m, chữ rất tốt, lại vứt chỏng trơ, bia sứt một góc trên, góc vỡ vứt đó không xa. Đây là tấm bia ghi công đức những ngừơi cúng ruộng cho chùa. Một tấm bia thập phương công đức khác bị chôn ngập một nửa bên vỉa hè dưới chân núi.

Có thể nói, ngoài cảnh trí thiên nhiên, tài sản vô giá của di tích này chính là những tấm bia đá. Ngoài những bia khắc thơ có giá trị nghệ thuật về thư pháp, thi ca còn có những tấm bia có thể khai thác về các dòng họ địa phương, về địa danh, về phong tục… Tiếc rằng những thứ vàng ròng đó lại không được ngành văn hoá Ninh Bình chú trọng.

Trên đỉnh núi nhỏ, ngoài đình nghinh phong tám mái duyên dáng là một lô cốt thực dân Pháp xây từ những năm chiến tranh. Cái lô cốt đen sì, to tướng đã phá hỏng hoàn toàn cảnh quan Núi Thuý. Không hiểu vì lý do gì mà người ta không phá nó đi để trả lại vẻ đẹp nguyên bản cho danh thắng này. Bên cạnh lô cốt laị đặt một tượng bán thân hiện đại của một liệt sĩ Ninh Bình, có chiến công gắn với ngọn núi này. Có vẻ tượng đặt không đúng chỗ, ba công trình chen chúc nhau, không biết cái nào là chính thể hiện sự lúng túng của những người làm văn hoá nơi đây.

Xuống núi tôi tự an ủi rằng, nay mai khi nhận thức của người Ninh Bình khác đi, hẳn họ sẽ phá lô cốt của giặc, thay vào đó là phục dựng tháp Linh Tế, những tấm bia được dựng lên trang trọng. Có như thế thì ngọn núi nhỏ này mới thực sự là địa chỉ văn hoá lớn, tô điểm cho vùng đất Ninh Bình huyền thoại bên cạnh cố đô Hoa Lư, Tam Cốc Bích Động, nhà thờ Phát Diệm, rừng Cúc Phương nổi tiếng.

Ảnh 1: Lô cốt nơi dựng tháp Linh Tế xưa

2: Bia vứt chỏng trơ

3. Bia vùi ngập bên vỉa hè.

5. Nghinh phong đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter