Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Chuyện đi học

Tôi bỗng nhớ lại hồi học trung học, thầy giáo có tổ chức cho chúng tôi học tập tấm gương Lại Ninh.
Chuyện Lại Ninh như sau: Ngày 13 tháng 3 năm 1988, thiếu niên Lại Ninh 14 tuổi bỗng phát hiện thấy có đám cháy trong rừng, anh liền tức tốc chạy tới chỗ cháy và cầm lấy một cành cây hăng hái quên mình dập lửa. Tuy các đội viên đội chữa cháy từng khuyên mọi người chớ chạy đến gần đám lửa, nhưng vì không đành lòng nhìn thấy tài sản của Nhà nước bị thiệt hại, Lại Ninh vẫn tiếp tục dập lửa. Sau cùng đám cháy rừng bị dập tắt, hơn 3500 mẫu rừng được cứu thoát, trạm vệ tinh chuyển tiếp truyền hình trong rừng và nhà kho của công ty dầu lửa cũng bình yên vô sự. Sáng hôm 14, người ta tìm thấy xác Lại Ninh trong đống tro rừng. Tay phải anh vẫn còn nắm chặt cành cây, mặt hướng lên đồi, cặp kính cận thị văng đâu mất, tay trái bám lấy mặt đất, chân phải ở tư thế leo lên đồi. Lại Ninh đã vĩnh biệt chúng ta nhưng tinh thần của anh mãi mãi còn sống với chúng ta. Anh là tấm gương để chúng ta học tập noi theo! Anh mãi mãi là niềm kiêu hãnh của chúng ta!
Lại Ninh là một thiếu niên tốt và có tinh thần quý trọng của công rất cao. Thế nhưng tại sao chúng ta không dạy dỗ trẻ em cách phòng tránh khi có cháy rừng mà lại khuyến khích các em chạy tới đám cháy? Có “tài sản Nhà nước” nào quý hơn tính mạng con người chăng ? Những người thân của Lại Ninh sẽ phải chịu đựng nỗi đau như thế nào vì chuyện ấy ? Còn có cách giáo dục nào thiếu đạo đức hơn lối dạy trẻ em như thế không ? Nhất là ngày nay, trong khi một lũ quan tham ra sức chiếm đoạt “tài sản Nhà nước” thì ta vẫn tiếp tục dạy dỗ các em hy sinh thân mình để bảo vệ một loại tài sản nào đó, thử hỏi đạo trời ở đâu?
Tại nước Mỹ, khi xảy ra nguy hiểm, các thầy cô giáo bao giờ cũng khuyên răn học trò rời xa ngay nơi đó và hướng dẫn chúng rất tường tận cách tránh né. Họ hiểu rằng tính mạng giữ được thì lại có thể làm ra tài sản… Cách giáo dục của chúng ta thì có thể đưa bao nhiêu thanh thiếu niên ưu tú đi tới chỗ chết!
Thế nhưng trước đây tôi đâu có biết đạo lý ấy. Tôi từng mong muốn mình cũng được như Lại Ninh liều thân chữa cháy, dẫu có hy sinh trong đám lửa thì cũng không quản ngại. Cho tới năm học lớp 12, tôi được một thầy giáo trẻ dạy môn sử có lương tri bảo ban cho dần dần hiểu rõ thực chất của nhiều vấn đề, từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ sâu sắc. Sau khi trở thành nhà báo, đi nhiều thấy nhiều, tôi dần dần hiểu ra rằng tính mạng con người, tình thương yêu, lòng khoan dung và niềm tin mới là thứ đáng quý nhất.
Kiểu giáo dục khuyên bảo lũ trẻ con ấu trĩ xông vào cứu cái gọi là “tài sản Nhà nước” ấy thật đáng trách, ngay cả loài cầm thú cũng chẳng làm thế. Tất cả mọi thứ vật chất đều có thể làm lại, riêng sinh mạng thì không thể.
Cách giáo dục ấy hủy hoại lũ trẻ từ nhỏ, xóa bỏ thiên tính của chúng, ươm trồng hạt giống tính nô lệ. Ngay từ ở nhà trẻ, có cô giáo đã quyết định thái độ đối xử với từng cháu tùy theo bố mẹ cháu chức vụ cao hay thấp, giàu hay nghèo; ngay từ tuổi ấy chúng đã dần dần học được cách lấy lòng cô giáo. “Nô tính” ấy thâm căn cố đế tới mức sau này có người leo lên địa vị lãnh đạo rồi mà vẫn còn giữ thói cũ, thậm chí còn nặng hơn. Thấy khách nước ngoài thì cung kính vâng vâng dạ dạ; thấy quần chúng bình thường thì nạt nộ ra oai … Thật là đáng buồn làm sao !
Chế độ giáo dục xóa bỏ lương tri, tính người, hủy hoại tình thương yêu, trau dồi nô tính và tính phục tùng, gạt người nghèo ra khỏi ghế nhà trường chẳng những chỉ đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo mà còn hủy hoại tiền đồ của một dân tộc. Nếu không thấy rõ sự khác biệt giữa chúng ta với người Mỹ ngay từ cách giáo dục trẻ em, nếu không cải tổ nền giáo dục mà cứ phát triển theo kiểu giết gà lấy trứng như thế này thì chúng ta sẽ mãi mãi chẳng đuổi kịp người Mỹ và con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả giá đau khổ cho cách tăng trưởng kinh tế này.
Huy Đường  (Lược dịch theo báo Trung Quốc)

14 nhận xét:

  1. Nếu chịu cắt bỏ cái đoạn "Nếu không thấy rõ sự khác biệt giữa chúng ta với người Mỹ ngay từ cách giáo dục trẻ em, nếu không cải tổ nền giáo dục mà cứ phát triển theo kiểu giết gà lấy trứng như thế này thì chúng ta sẽ mãi mãi chẳng đuổi kịp người Mỹ và con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả giá đau khổ cho cách tăng trưởng kinh tế này" thì entry này hay cực!

    Trả lờiXóa
  2. VN mình còn tệ hơn TQ vì bài dạng như thế này e là chẳng TBT nào dám cho đăng đâu.

    Trả lờiXóa
  3. - Đọc gần hết bài, thầm khen anh TORO này dũng cảm quá, đến cuối bài mới biết là báo Tàu. Hóa ra báo chí Tàu tự do ngôn luận hơn báo chí ta.
    - Đương nhiên giáo dục các em "tự thiêu" kiểu Lại Ninh là thiếu nhân tính rồi. Ở ta còn tệ hơn, tự dưng hư cấu ra "cây đuốc sống" Lê Văn Tám. Đời thuở nào tẩm xăng vào người thành cây đuốc rừng rực, lại còn chạy được mấy chục mét để đốt cháy kho xăng địch. Bu đảm bảo cậu ta tắt thở sau vài giây khi ngọn lửa bùng lên. Ấy vậy mà ngành giáo dục nước nhà vẫn tin, lại còn đặt một số tên trường LÊ VĂ TÁM để động viên học trò học tập! Lạ.
    - Dẫu sao TORO cũng nên học bơi, để tự cứu mình và cứu người một khi Hà Nội thành Hà Lội.

    Trả lờiXóa
  4. Tớ có quen 1 giảng viên đại học. Thời sinh viên, anh này đỗ tốt nghiệp thủ khoa nên nhà trường mời phát biểu trong lễ trao bằng, anh ta nói (đại ý): Người có khả năng như tôi mà về vùng sâu vùng xa công tác thì thật là lãng phí; nhà trường nên giữ tôi lại hoặc gửi tôi qua 1 cơ quan nào đó để tôi phát huy hết khả năng, phục vụ đất nước.

    Người ta liền cho rằng, anh ta láo, ko khiêm tốn.

    Có một thời, bọn ta được giáo dục rập khuôn như Lại Ninh nên ai làm ngược, đều bị phê phán.

    Trả lờiXóa
  5. Chuyện ở Tàu cũng y chuyện ở ta.

    Trả lờiXóa
  6. Bây giờ còn phân biệt Tàu..ta..
    Mai mốt khó phân biệt ta...Tàu..

    Trả lờiXóa
  7. Nước Nam ta chân đạp biển dông, đầu đội một ông bạn quá nặng, đến nỗi thân hình cong lại như cái lò xo. Nhưng cong đến một độ giới hạn nào đó thì nó bật lên. Không làm bay ông bạn to xác thì chí ít cùng còn hai phía TA TÀU. Lạy trời lạy Phật cho được thế.

    Trả lờiXóa
  8. Mới đây có một câu chuyện, có thể coi là "Tiếu lâm thời đại" được, ấy là ở cái xứ Tourane có ông bí thư tỉnh ủy đích thân tập họp cái đám đàn ông chuyên bạo hành vợ con để trực tiếp dạy dỗ, khuyên bảo, giải quyết... báo chí đưa tin tung hô quá xá. Trời thần ạ, thế thì những cơ quan chuyên ngành xã hội và bảo vệ luật pháp ở cái xứ đó đâu, ngủ quên hết rồi ư, mà phải để đích thân bí thư tỉnh ủy phải làm chuyện đó. Cũng sực nhớ đến một chuyện khác, ấy là cái toilette trong trường học, nó khủng khiếp quá đến nỗi học sinh không dám vào, nín sinh cả bệnh, bao nhiêu năm không sao giải quyết được, nghe đâu ngành giáo dục đã báo cáo lên... Thủ tướng. Khôi hài, mà không sao cười nổi!

    Trả lờiXóa
  9. Bao giờ con người cũng là vốn quý nhưng cũng biết bao nhiêu chuyện đồi bại, xấu xa cũng từ con người mà ra. Nghe câu "giết gà lấy trứng" mà xót xa quá nhỉ.

    Trả lờiXóa
  10. Không đúng sao? Mà tại sao lại phải giấu giếm cái sự thực là cả Tầu lẫn Ta đều đang cố gắng cho bằng Mỹ về mọi mặt, kể cả mặt phá thai, đồng tính luyến ái, du đãng côn đồ và xì ke ma túy.

    Trả lờiXóa
  11. Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền đọc lập
    Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương...

    Trả lờiXóa
  12. Một góc nhìn không mới, nhưng gợi nên nhiều suy nghĩ. Thói quen làm mất sự lạ. Những con đường mòn trong suy nghĩ của nhiều người.

    Trả lờiXóa
  13. Hóa ra nước VN ta có hình chữ S là như vậy! Ý tưỡng ngộ nghĩnh, tức cười quá!

    À mà chữ S hay cái lo xo khi bung ra thì cũng kinh khủng lắm đấy!

    Trả lờiXóa
  14. Việt Nam ta luôn noi gương đàn anh Trung Quốc vĩ đại nên cái gì Trung Quốc có VN cũng ráng bắt chước theo không cần biết hay hay dở.

    Cây đuốc sống Lê Văn Tám của VN còn hơn Lại Ninh của Trung Quốc một bậc là còn chạy biểu diển được cho mọi người thấy gương hy sinh trước khi chết chứ không phải chết không ai thấy như Lại Ninh. Có thế, tấm gương Lê Văn Tám mới "khích động" lòng dân nhiều hơn chứ.

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter