Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Gióng hay Dóng?

-Anh à, đọc báo thấy chưa thống nhất một danh xưng từ ngàn xưa là “Gióng” hay “Dóng” khi gọi Phù Đổng Thiên Vương, chuyện này kỳ quá à...

-Vì chưa thống nhất nên phải bàn, có gì mà kỳ, em!

-Tại sao bỗng dưng lại lôi vấn đề này ra bàn hả anh?

- Vì Bộ Văn hóa Thể thao &Du lịch đề nghị và được Chính phủ chuẩn y, trình lên UNESCO đưa Lễ hội Thánh Gióng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Đã trình lên UNESCO là phải chuẩn em ạ.

-Không ngờ một chữ đã in vào đầu óc bao nhiêu thế hệ người Việt Nam là Thánh Gióng cũng bị xem lại, bị cạnh tranh bởi một từ lạ - Thánh Dóng.

- Không phải cái gì tồn tại lâu, theo thói quen đã là đúng, em công nhận không?! Việc của các nhà khoa học là phải minh định lại.

-Thế theo anh vụ này minh định cái gì ạ?

- Cụ GS Cao Huy Đỉnh, chuyên gia số 1 với các công trình về Phù Đổng Thiên Vương, nhất là  công trình “Người anh hùng làng Dóng” cho rằng “Dóng” là con ông Đổng (ông Đùng, bà Đà). Tuy “Dóng” là một từ không có nghĩa nhưng là sự biến âm, gợi lại chữ Đổng.

- Ý kiến của GS khả kính như thế thì đúng là phải trân trọng nhưng tại sao từ xưa đến nay người ta vẫn gọi là Gióng. Gióng có nghĩa là cái nôi nuôi cậu bé lên ba chưa biết nói biết cười vụt lên thành Phù Đổng; gióng còn là gióng tre, khi đánh giặc Ân cậu bé này đã nhổ tre làm vũ khí...

-Em nói đúng, mà cũng nhiều nhà khoa học bảo vệ quan điểm này. Nhưng thế nào là chuẩn thì chưa có ai dám khẳng định.

- Em là người ngoại đạo nhưng xin lạm bàn nhé. Các nhà khoa học nên xem thư tịch, văn bản cổ của làng Phù Đổng, nhất là những hương ước, hồ sơ địa chính, văn tế, văn tự... đã sử dụng chữ quốc ngữ xem các cụ dùng chữ nào. Vì chữ quốc ngữ có sau chữ hán, chữ Nôm, còn âm Gióng hay Dóng thì phát âm như nhau.

-Em gợi ý rất hay, đáng suy nghĩ. Nếu theo cách đó thì anh chắc là đa phần dùng chữ “Gióng”.

-Nếu đã thế thì theo em, nên thống nhất một chữ, còn trong nghiên cứu thì cứ tiếp tục bàn, không sao cả. Tại sao lễ hội này lại được đề cử lên UNESCO mà không phải lễ hội đền Hùng hay Cổ Loa, Chùa Hương... bảo tồn hả anh?

-Vì đây là một lễ hội đậm đặc tính truyền thống nhất, từ lễ nghi, đến trang phục, tế khí... tiêu biểu nhất trong các lễ hội của ta. Còn các lễ hội em nói thì tính truyền thống không đạm đặc bằng, thậm chí có lễ hội liên tục biến đổi.

- Biến đổi sao anh?

- Ví dụ lễ hội quan trọng nhất là Đền Hùng nhé, trình tự tế lễ khác xa với ngày xưa, trang phục cũng mới, tế theo kiểu mới. Mấy năm trước ông chủ tế lại mặc comple, có dải băng thắt chéo như hoa hậu. Lễ hội lại có vòng hoa như viếng đám tang để viếng mộ tổ; lại có quân đội mang cờ đi đều như đón khách quốc tế ...

-Thế ra những chi tiết cổ xưa, nguyên bản mới được đánh giá cao. Theo tiêu chí này liệu ta còn được mấy lễ hội như thế hả anh?

- Chắc là hiếm lắm, ngay cả Lễ hội làng Gióng cũng đang bị biến dạng từng bước em ạ...

6 nhận xét:

  1. Vẫn biết đó là một sự kiện rất lớn vào mùa xuân. Nhưng quả là GR chưa có dịp nào đến. Nếu có dịp rủ tụi GR đi với nhá.

    Trả lờiXóa
  2. Có 1 chữ mà các giáo sư cũng tốn nhiều bút mực ghê.
    Chẳng biết gọi thế nào là ...chính xác .Nhưng mà cả làng gọi là Thánh Gióng vậy có nghĩa là Thánh Gióng rồi.Có ai nhầm sang thánh Tản đâu nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. “Dóng” là con ông Đổng (ông Đùng, bà Đà). Tuy “Dóng” là một từ không có nghĩa nhưng là sự biến âm, gợi lại chữ Đổng. => Cái này là lại theo kiểu nhìn mặt chữ mà đoán mò.

    Trong tiếng Việt âm Đ chẳng liên quan gì đến âm D. (Dóng thì có thế giống với "giống" hay "dứng" hay "dính" hay "giọng", "dựng" gì đó chứ chả bao giờ giống với "đống" hay "đóng", "đính", "đánh" gì gì sất.

    - Nhược điểm lớn nhất là khi quốc tế hóa, "thánh Dóng" sẽ bị tất cả thế giới gọi là "Thánh Đong" và người Việt nghe xong bèn... ngơ ngác, chả hiểu thánh nào. Nếu viết "Thánh Gióng" thì đa số người nước ngoài sẽ đọc được na ná chữ Dóng.

    Lạy trời cho mấy bậc "trí giả" đó đừng có cái gì khác với "trí thật".

    Trả lờiXóa
  4. "Ví dụ lễ hội quan trọng nhất là Đền Húng nhé" => "Húng" hay "Hùng" vậy bác. Tôi người miền Nam, chưa nghe nói đến đền Húng.

    Trả lờiXóa
  5. Cứ để cái lỗi đó để nay mà các nhà khoa học lại tranh luận tiếp Húng hay Hung hay Hùng... cũng vui.( Đã đc)

    Trả lờiXóa
  6. - Đại từ điển tiếng Việt trang 427 giải thích từ dóng thế này: đgt Ngắm nhìn để điều chỉnh cho thẳng với hàng, thẳng hướng chuẩn: dóng hàng.
    - Đây là chuyện còn bàn luận dài dài. Tuy nhiên cần xét đến nó có gây phản cảm với người nước ngoài hay không. Thực tế nhiều tên doanh nghiệp đã phải đặt lại.

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter