Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Không đói cũng ăn vụng

-Em vừa đọc trên báo một câu chuyện thật có hậu anh ạ. Ước gì ở ta cũng có nhiều chuyện như vầy..

-Chuyện gì em?

- Một tên trộm đột nhập vào một cửa hàng tiện lợi ở Long Island (Mỹ). Tên trộm đã bị ông chủ cửa hàng Mohammad Sohail bắt quả tang. Tên trộm khóc sướt mướt, bảo rằng nhà hắn quá nghèo nên buộc phải làm thế để vợ con không bị đói. Ông chủ cửa hàng mủi lòng đưa cho tên trộm một ít bánh mì và 40 USD sau khi buộc anh ta hứa sẽ không đi chôm chỉa nữa. Trong khi Sohail quay vào trong để lấy thêm cho hắn một ít sữa thì kẻ trộm đã lủi đi mất.

-Chắc nó lại cuỗm thêm món đồ?!  

- Dạ không. Ha ha… Chuyện xảy ra từ hồi tháng 5 và có lẽ ông Sohail không còn nhớ gì tới nó nữa nếu như không vừa nhận được 50 USD gởi qua đường bưu điện cộng một lá thư. Người gởi chính là kẻ đã bị bắt quả tang ăn trộm. Anh ta hồ hởi khoe rằng đã có việc làm mới, có thêm một đứa con và không còn gặp khó khăn nữa. 50 USD là để trả lại món nợ ngày nào! Có điều ông ta không ký tên. Ông chủ cửa hàng cho biết sẽ dùng 50 USD này để làm từ thiện.

-Như chuyện cổ tích em nhỉ. Trường hợp bên Mỹ này đúng với nhận định của các cụ nhà ta ” Đói ăn vụng, túng làm càn” chứ họ không muốn như vậy. Khi người ta đói nghèo quá dễ làm bậy để sinh tồn. Như Giăng Vangiăng trong “Những người khốn khổ” đi ăn trộm bánh…

-Đấy là lẽ thông thường thôi nhưng nhiều người quyết “Đói cho sạch, rách cho thơm “ anh ạ. Ngược lại có người không đói, thậm chí giàu ních đố đổ vách vẫn ăn vụng, vẫn làm càn.

-Anh biết ý em rồi. Quan tham không nghèo mà vẫn tham nhũng… Đúng không!?  Lòng tham có tính bản năng mà em.

- Dạ, anh nói đúng. Người nghèo đói khó giữ được sự trong sạch, nhưng dường như quan chức cũng khó giữ được thanh liêm khi nhận quà quá dễ…

-Chính vì thế mà tại Hội nghị các nhà tài trợ CG 2009, người ta bày tỏ mối quan tâm đến tham nhũng và nâng cao tính minh bạch ở Việt Nam. Đây cũng là chủ đề “truyền thống” của các kỳ CG.  Đại sứ Thụy Điển Rofl Bergman nhận định tham nhũng tiếp tục là “một trong những tai họa lớn của xã hội Việt Nam”.

-Muốn chống tham nhũng thì phải minh bạch, minh bạch trong quy định của pháp luật, trong chính sách và dư luận nữa.

- Đúng thế. Đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh đến vai trò của người dân, của báo chí  trong việc chống lại tham nhũng. Nếu quy định chặt chẽ, minh bạch thì quan chức cũng thận trọng, cũng dễ dưỡng liêm hơn.

8 nhận xét:

  1. Còn ở nhân cách nữa, phải biết xấu hổ khi ăn cắp. Khi mà ăn họ ăn cắp họ cảm thấy bình thường, k thấy xấu hổ thì ... mãi mãi vẫn có tham những.

    Trả lờiXóa
  2. Hình như XHVN hiện nay quá nặng về đồng tiền.Nhân cách giống như thứ xa xỉ!

    Trả lờiXóa
  3. Hồi đi học, nghe thày nói "Đạo đức mang tính lịch sử và địa phương".
    Với thời điểm này, ở chỗ này... việc ĂN CĂP có thể không bị gọi là vô đạo đức, nhất là ăn cắp của ngân sách quốc gia.
    Hìhì, làm quan thanh liêm quá còn bị gia đình, họ hàng, thiên hạ bảo là.... hâm ấy chứ.

    Trả lờiXóa
  4. Liệu ai sẽ đứng ra làm chuyện chống tham nhũng này khi mà ai cũng tham nhũng ? Nhắc thì nhớ Nguyễn Việt Tiến nha, giờ đồng chí ấy làm gì ta ?

    Trả lờiXóa
  5. Hồi Bu trọ học cấp 3 ở Hà Tĩnh, con trai ông bà chủ nhà trúng tuyển lên đường đi bộ đội. Cu câu sang vườn nhà hàng xóm chặt trộm một buồng chuối bán lấy tiền đi đường rồi cắm vào gốc chuối bức thư xin lỗi, hứa sau này về sẽ trả lại tiền. Chú bộ đội ấy vào chiến đấu trong nam bị thương nặng, gửi thư về bảo người mất buồng chuối: Giặc Mỹ đang còn, nợ hai bác cháu chưa trả được, nhất định cháu không chết....Từ ngày Bu xa Hà Tĩnh đến nay không hiểu câu chuyện ấy kết thúc ra sao.

    Trả lờiXóa
  6. nếu ở vn hết tham nhũng chắc ngoài phố cũng bớt xe hơi chạy hơn hehe

    Trả lờiXóa
  7. Không gì tệ hại hơn tham nhũng & không gì khó diệt bằng tham nhũng. Haizzzzz

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter