Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Xôi trắng chè kho

Bác PNH viết một bài về bánh mỳ, món Tây nhập rất hay, tôi nhân đấy viết về một món dân dã, mời cả nhà thưởng thức.

Hồi còn nhỏ, khi được một tý xôi trắng và thỏi chè kho bằng cái bật lửa mà ăn thì ngon vô cùng. Vị ngọt của chè kho, có thảo quả, quế chi thơm quện lẫn xôi trắng khiến đứa nào cũng ăn thật chậm.

Mỗi đứa có một chút thế thôi vì đó là lộc ông bà đi việc họ hay tế lễ về, chia cho nhiều đứa.

Một trong những nguồn chè kho là "cỗ lễ đám cưới". Quê tôi có tục lệ khi có con cháu cưới, người ta mang lễ đến cúng ông bà nội , ông bà ngoại cô dâu chú rể và cả ông bà nội ngoại của cha mẹ cô dâu chú rể nữa. Một đám cưới có thể dăm ba cỗ lễ như thế... Ngày xưa có thể bưng cả mâm cỗ đến nhưng sau này để cho giản tiện, người ta chỉ mang một đĩa xôi to, một miếng chè kho vuông 20, dày chừng 5 cm, mấy quả cau, chén rượu đến thôi. Người chủ nhà nhận được lễ ấy sau khi cúng thì mang chia lộc cho con cháu của cụ được cúng. Vì thế mà không có nhiều.

Hôm nọ về quê, lại thấy có xôi trắng chè kho, hôm đó nhà bà cô tôi có con cưới vợ.

Tôi nghĩ thầm, cưới con ăn hàng trăm mâm mà cúng bố mẹ lại cúng chay, chán thật. Hii, ngày đẻ thằng chú rể bây giờ, bà nội tôi, bà ngoại nó vất vả trông nom hàng tháng... Các cụ bây giờ có ăn đâu, nhưng đơn bạc quá, nghĩ thế cũng thấy chạnh buồn.

Chè kho là đỗ xanh đồ chín, cho đường hay mật vào đánh kỹ, đun đến khi khô mới đổ ra khay, rắc quế chi, thảo quả lên trên. Món này có thể để cả tuần không ôi thiu.

Bây giờ ăn chè kho cũng không thấy ngon như xưa vì ngọt quá... Dù tết nào về quê cũng phải ăn dăm ba miếng, các gia đình truyền thống vẫn không quên món này.

11 nhận xét:

  1. Tình hình xem như anh TORO thắng bác PNH 4-1 (giống trận tối qua chả hạn). Hàhà.

    Trả lờiXóa
  2. Sao không bàn biển đảo, biên cương, lại lo nói chuyện ẩm thực vậy bác?

    Trả lờiXóa
  3. Cũng chè như thế trong Huế gọi là chè đậu nhừ. Để quên trên bàn thờ cả tháng trên mặt mọc rêu mà lớp dưới vẫn không thiu.

    Trả lờiXóa
  4. món này hình như quê mình gọi là xôi đậu đường... nửa xôi, nửa chè ngọt để khô cắt lát ra ăn rất ngon.

    Trả lờiXóa
  5. Món chè kho ngon lắm. Nó nấu rất khó và lâu. Quyấy được nồi chè mỏi rã cánh tay. Bởi thế nên Tết mới dám bày vẽ.

    Có lẽ mỗi vùng miền làm món chè kho theo cách khác nhau. Nhà GR không cho quế chi mà cho chút nước hoa bưởi. Đặc trưng mùi thảo quả thì không thể thiếu được. Nhưng cho vào để lấy mùi thôi, ít lắm. Mỗi nồi chỉ hết gần một thảo quả, nấu lẫn vào chè chứ không rắc lên trên cùng quế chi như ở quê TR. Thay vào đó là rắc ít vừng xát màu trắng vàng.

    Giờ ở HN người ta làm bán khá nhạt có lẽ để bán được nhiều hơn.

    Trả lờiXóa
  6. hanggraphic nói đúng, ngày xưa khi tôi còn bé, nhà hay cuới mấy ông chú, phải quấy chè. đây là một công việc cực nhọc, hai ông bác rể khoẻ mạnh làm nhiệm vụ đánh nồi chè to tướng. Đũa là một đoạn cây tre non dài chừng 1m, đường kính khoảng 3cm. Nhiệm vụ của người đánh chè là quấy liên tục cho đến khi khô hết nước, vạch một đường giữa nồi chè mà trông thấy đáy nồi mới OK. Vì vậy mà hai bác phải thay nhau... Bọn trẻ con thì mỗi đưa thủ sẵc một cái thìa, có khi là muôi đề khi đổ chè ra mâm xong thì lao vào vét nồi. Nếu có muôi thì chỉ cạo vài đường là ăn xả láng... Vui lắm...( Bây gìơ thì họ làm kiểu mới không cực nhọc như vậy nữa đâu)

    Trả lờiXóa
  7. Nói lại nhớ cảnh vét nồi và cơm trộn chảo. :)
    Giờ nhà bếp nấu chè cốm cho học sinh ăn, chia hết xong nhìn cái đáy nồi thích lắm mà sĩ diện không dám cầm thìa xông vào. :)

    Trả lờiXóa
  8. hồi giờ em chưa nếm thử chè kho

    Trả lờiXóa
  9. Món ăn nào gắn với kỷ niệm cũng thường đặc biệt ngon!

    Trả lờiXóa
  10. Sang xin chủ nhà một nắm xôi và một miếng chè kho đây. Một miếng khi đói nào...

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter