Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Ai được xây lăng?

Báo chí đã nói nhiều đến hiện tượng đua nhau xây mộ bạc tỷ ở nhiều nơi, nhất là miền Trung gió Lào cát trắng. Hôm nay báo chí đưa tin về  thôn Tân Mỹ (Thừa Thiên Huế) có mấy chục nóc nhà nhưng lại có cả trăm ngôi mộ được xây dựng công phu, hoành tráng như một thành phố ma với chi phí lên tới vài ba tỷ đồng cho một ngôi.





Nhìn những ngôi mộ này ta thấy một vấn đề lớn đó là sự khủng hoảng hệ giá trị hiện nay. Hay nói cách khác là không có chuẩn mực nào cả, nên địa phương hay cơ quan chức năng cũng không biết nên can thiệp thế nào.

Xưa kia, mộ của Vua mới được gọi là Lăng như Lăng Vua Hùng, Lăng Ngô Quyền, Lăng Tự Đức...; mộ của thánh nhân gọi là Lâm như Khổng lâm bên Tàu; chỗ chôn của dân thường là Mộ thôi. Vì thế mới có Mộ chí và nội dung mộ chí ghi, ví dụ " Tiên mẫu Nguyễn Thị A chi mộ"... ( Chỗ này mời bác Bu tra cứu thêm giúp).

Tuy nhiên trong thực tế, những ngôi mộ quan chức lớn người ta cũng có thể gọi là lăng mộ, nhưng không phải cứ xây to thì được gọi là lăng.

Lăng Hùng Vương ở Đền Hùng, Phú Thọ

Họa tiết trang trí cũng có chuẩn mực như thế, chỉ có lăng vua, đền thờ vua hay thần thánh mới dùng Rồng, chi tiết hơn thì còn quy định Vua rồng 5 móng, quan lại 4 móng... Còn thường dân, thậm chí Từ đường gia tộc cũng chỉ được dùng rồng hóa, tức là cây mai, cây trúc tạo dáng rồng để trang trí.

Ở quê tôi cho đến giờ vẫn giữ chuẩn mực đó và nhà thờ tư nhân không được dùng hoành phi câu đối nền đỏ, mà chỉ nền đen chữ vàng hay ngược lại mà thôi. Cách đây hai năm, nhà anh bạn tôi ở quê có ông bố lên lão 80, con cháu làm mấy đôi câu đối treo cho đẹp, vì có nhà cổ khá to. Sát tết, anh bạn tôi hốt hoảng gọi ra hỏi: Có người nói không được treo câu đôi nền đỏ, có đúng không anh, nếu đúng để khắc phục ngay không có thì nguy. Tôi bảo đúng đấy, thế là gia đình lập tức xử lý, lấy sơn Nhật phủ đen lên nền đỏ ngay...

Nhưng nếu họ không tôn trọng quy định đó thì sao, dân làng ở đó không coi trọng chuyện đó thì sao? Vậy là không có chuẩn mực. Chuẩn cũ là phong kiến suy tàn, bây giờ ai muốn vẽ rồng chả được. Nói thế thì ai dám bảo không được...


Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm, Sơn Tây

Hiện nay những lăng mộ của bà con thôn Tân Mỹ lớn hơn nhiều so với lăng Hùng Vương, Ngô Quyền, lăng Phùng Hưng... Nếu bên cạnh những lăng cổ này mọc lên những lăng "khủng long" như thế thì thật vô lễ, phản cảm và vô văn hóa. Do đó, tôi nghĩ rằng quy định về chuẩn mực xây lăng mộ, dù ở dạng cứng,  bắt buộc hay vận động, nhưng không thể không có...

Ở khía cạnh tâm linh , có lẽ linh hồn người chết, vốn là một ông ngư dân, nông dân chất phác Lê Văn Kèo, Đào Văn Cột, giản dị, như ông đang đánh xe bò qua công trình lăng mộ trên đây ... cũng khó thanh thản mà "ngự" trong cái lăng đồ sộ kia.

16 nhận xét:

  1. Ối, mộ mà hoành tráng thế này hả anh Toro? Em ngạc nhiên vô cùng.

    Trả lờiXóa
  2. Còn hoành tráng hơn cả lăng vua Hùng trên đền Hùng.

    Trả lờiXóa
  3. Tiếng Việt mình bị bệnh của những người đại ngôn lạm dụng. Lăng là ám chỉ mồ mả của hạng vua chúa, còn dân thường thì cứ bảo mồ hay mả thôi. Hứ lăng với chả đền...

    Trả lờiXóa
  4. tudinhuong: Thấy bác Bu nhắc khi nào có bài mới nên anh lượt web chọn ra đề tài này. anh tưởng em biết về các thành phó ma này lâu rồi chứ... Trông phi lý về mọi mặt em nhỉ....
    bacthanhrau: Không phải chỉ là đại ngôn mà cả đại hành động nữa đấy chứ bác....

    Trả lờiXóa
  5. Em đâu có biết anh à.
    Anh nói em mới hay đó.

    Trả lờiXóa
  6. Cũng không biết gọi chuyện này là gì???!!!

    Trả lờiXóa
  7. Vì ko có quy định của Bộ VH TT&DL nên dân có cớ vượt rào. Ngày xưa có câu "to như cái mả bố thằng ăn mày" cũng ám chỉ những việc như thế này đấy phải ko Toro?

    Trả lờiXóa
  8. Ngày nay, có rất nhiều giá trị ảo. Ngày hôm qua, một người khách khoe: em vừa mua được cái túi hàng hiệu. He he, túi hiệu của người ta mấy ngàn đô mà chị ta mua chỉ có triệu hai hèn chi khen rẽ!

    Trả lờiXóa
  9. Ở ta các giá trị đang bị đảo lộn và có thứ thì lộn tùng phèo luôn.

    Trả lờiXóa
  10. @ Nhà TẦN gọi mả vua là SƠN nhà Hán gọi là Lăng, ở ta hiện có Lăng cụ Hồ ngoài Hà Nội
    @Xứ ta không có lăng luật, mộ luật, nên dân tình mần tùm lum. Nơi yên nghỉ các lãnh tụ ở Mai Dịch đâu có kêu bằng lăng, mà chỉ là nghĩa trang. Có lẽ lăng chỉ ưu tiên cho cụ Hồ thôi
    @ Tân Mỹ là một làng chài nghèo. Năm 1975 Mỹ cút thì dân cút theo, đến thời "Thuyền nhân vượt biên": thì họ lại ồ ạt "Quy mã" (qua Mỹ). Sang đó họ làm ngư dân, làm Ô sin, làm vườn gửi tiền về xây lăng. Đến Tân Mỹ nhiều khi thấy chuyện lạ, nhà cửa lèo tèo nhưng lăng tẩm vô cùng hoành tráng.
    @ Người ta xây lăng to để vui lòng tổ tiên đã phù hộ cho họ có lắm vàng và lắm đô la, đấy là một các đền ơn đáp nghĩa. Lăng càng to thì sự đền ơn càng nhiều
    @ Đạo Phật nói không có linh hồn vĩnh cửu nhưng ở Tân Mỹ phật tử cũng xây lăng vì nghĩ là linh hồn tổ tiên thiêng liêng. Đô la và vàng làm họ đến chùa mà không tin vào giáo lý nhà Phật nữa
    Nói ngắn gọn lầ cái chi ở xứ mình cũng lộn ngược hết thảy

    Trả lờiXóa
  11. chết rồi có mần ăn gì được nữa đâu mà làm cái mộ to đùng

    Trả lờiXóa
  12. Những nhà mồ này kiểu nhà bá hộ mới , lòe loẹt , đâu có giá trị gì của một Lăng
    Toro thấy sao nếu chị nói đặt cái nhà mồ "khủng long" đủ màu này bên cạnh Lăng cổ khiêm nhường của các bậc Công thần với đất nước chị vẫn phân biệt rõ giá trị của Lăng cổ (((-:
    Cái áo không làm nên thầy tu , hì hì ...

    Trả lờiXóa
  13. Tui hổng được chắc luôn á. Bị hiến mẹ nó cho ĐHYD roài. :)

    Trả lờiXóa
  14. Những giá trị thực như chị bangtam nói thì rõ rồi, thật giả, mới cũ dễ phân định nhưng nếu những ngôi mộ này không được kiềm chế mà hung hăng xây bao quanh lăng mộ cổ thì sẽ phá hỏng cảnh quan, phá vỡ sự hài hòa với thiên nhiên của lăng mộ danh nhân. Đây không phải là lo quá xa mà đã có phong trào mua đất làm nghĩa trang ở Đường Lâm, vì nơi đây địa linh, đã sinh ra hai vua...
    Nếu không có sự điều chỉnh thì hỏng hết đấy các bác ạ!!

    Trả lờiXóa
  15. Có hình ảnh khá bi hài, đó là tấm hình chiếc xe bò có lẽ của người trong thôn đi ngang qua khu "lăng mộ". Có 2 điều khá lạ lùng:
    - Thứ nhất là cái lạ lùng về phía người dân, họ là người địa phương, tức là con dân xứ Huế, nơi có những đền đài, lăng tẩm, nơi lưu giữ những ký ức đáng kính của một thời... Thế mà họ lại nỡ lòng nào cố tình xây dựng những cái... quái thai mới gần bên cái đáng kính cũ.
    - Thứ nhì là cái lạ lùng về phía nhà cầm quyền, những người có trách nhiệm khi để cho những công trình kỳ quặc này tồn tại và phát triển, nó cũng kiểu như 3.000 người hát Quan họ để được ghi vào Ghi nét, biết đâu mai mốt người ta cũng sẽ xin ghi mấy cái lăng dỏm này vào sách kỷ lục, và giới thiệu trong tour du lịch Huế?!

    Trả lờiXóa
  16. Bác H nói đúng, cứ đà này họ sẽ xây lăng mộ to hơn, hoành tráng hơn Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức?!

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter