Thứ Ba, 3 tháng 3, 2009

Con sít hay con nhít?!

Theo yêu cầu của bạn Catul, trong khi chờ đợi blogger uyên bác Bulukhin lên tiếng, tớ post bài này sưu tầm (và biên tập lại) từ trên mạng, của một tác giả ở bên Pháp, chúng ta cùng đọc cho vui...

Con sít, con nít và con nhít

" Quan họ " có bài Trống cơm :

Trống cơm khéo vỗ nên vông,
Một bầy con sít lội sông đi tìm.
Thương ai con mắt lim dim,
Một bầy con nhện đi tìm chăng tơ.
Thương ai duyên nợ tang bồng.
(
Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Văn Hóa, 1962, tr. 182).
Trong Nam, vào những năm 1960 cũng có bài Trống cơm, lời ca đại khái là :

Tình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ (ớ mấy bông mà) nên bông...
Một bầy tang tình con nít ( ớ mấy lội, lội) lội sông
Đôi con mắt (ớ mấy là) lim dim...
Lời hát hơi khác nhau. Đặc biệt là một bên có con Sít, bên kia có con Nít.
Trong Nam ca con nít là... đúng điệu quá trời rồi, phải không tía ? Nhưng phiền một điều là Trống cơm là Dân ca Quan họ. Tại sao con nít trong Nam lại chạy tuốt ra Bắc Ninh lội sông làm chi vậy à?

" Quan họ " Bắc không chơi với con nít, hát con sít cho xong chuyện, khỏi thắc mắc. Khoan khoan hò ơi... Có người hỏi con sít là con gì thế nhỉ?

Tiếng Việt có con bọ xít và con sít.

Bọ xít là một loài bọ cánh nửa, thân hình năm góc, có vòi châm hút nhựa cây, tiết chất rất hôi.

Con sít là một loài chim cỡ bằng con gà, chân cao, mỏ đỏ, lông đen ánh xanh, hay phá hoại lúa (Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê).

Con sít

Bọ xít và sít bay trên trời, đỗ trên cây, thỉnh thoảng đáp xuống đất hay xuống ruộng nước để kiếm ăn.

Bọ xít và sít không có khả năng kéo bầy lội sông. Hát rằng " Một bầy con sít lội sông đi tìm " là sai.

Rốt cuộc cả hai lời hát đều... có vấn đề à?

***

Con nít rủ nhau lội sông nô đùa, nghe rất hợp lí, nhưng không đúng đất dụng võ.

Tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) định nghĩa chữ Nít (chữ Nôm) là trẻ con.

Tự điển Génibrel (1898) có từ Nhít (từ địa phương miền Bắc) nghĩa là trẻ con. Từ Nhít (trẻ con) này không có trong các từ điển khác.

Chữ Nít được Huỳnh Tịnh Của viết bằng chữ Niết (Niết bàn).

Chữ Nhít được Génibrel viết bằng chữ Niết + chữ Tiểu (nghĩa là nhỏ).

Nít và Nhít có nghĩa giống nhau, có âm (Niết) giống nhau.

Nhít (miền Bắc) hay Nít (miền Nam) là một, tương đương với chữ Nhi (chữ Hán, nghĩa là trẻ con).

Chúng ta còn giữ được một dấu vết hiếm hoi của chữ Nhít.

Bộ tranh Oger (1909) có một tấm vẽ cái tiểu sành đựng hài cốt trẻ con. Tên tranh được nghệ nhân dân gian ghi là Cái tiểu " nhị ". Chữ Nhị có kí hiệu của chữ Nôm. Nếu đọc chữ Nhị theo nghĩa (nhì hoặc hai) thì tên tranh không có nghĩa. Chữ Nhị phải được đọc theo âm thành Nhít. Tên tranh là Cái tiểu nhít, tức là Cái tiểu trẻ con.

Trở lại bài dân ca quan họ Trống cơm.

Ngoài hai chữ Nhít và Nít nghĩa là trẻ con, chữ Lội cũng cần được phân biệt.

Lội của miền Bắc nghĩa là đi trên mặt nền ngập nước (Từ điển tiếng Việt). Trẻ con (xắn quần) lội qua chỗ sông cạn nước. Giống như ngày xưa, lúc mực nước sông Hồng xuống thấp, trẻ con rủ nhau lội sang bãi Phúc Xá mót khoai lang !

Lội của miền Nam nghĩa là bơi. Con nít lội sông là trẻ con bơi qua sông. Trò chơi này nguy hiểm quá.

Nói tóm lại, lời của bài dân ca quan họ Trống cơm đúng ra phải là Một bầy con nhítlội sông đi tìm. Lâu nay, chữ nhít đã bị nhầm thành sít, bị đổi thành nít.

Ngày nay, nhiều ông dửng mỡ có bồ nhí, nhiều căn hộ lụp xụp có chuột nhắt. Có lẽ nhí và nhắtcó bà con với nhít (nghĩa rộng là nhỏ, bé) chăng ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter