Thứ Ba, 4 tháng 12, 2007

Ba nhà thơ rủ nhau về cõi mộng

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, tác giả của những vần thơ gắn liền với thời lửa đạn chống Mỹ, với Trường Sơn, đã trút hơi thở cuối cùng sáng 4-12. Trước đó dăm ngày nhà thơ Vũ Cao của bài Núi đôi “Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/ Xuân Dục- Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì anh tới bữa em sang” và nhà thơ Chính Hữu, tác giả của những bài thơ chắt lọc như Đồng chí “ Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không để mặc gió đông lay/ Giếng nước gốc đa nhớ người trai làng ra lính” , như Ngọn đèn đứng gác “Nhưng ngọn đèn không bao giờ tắt/ Như những tâm hồn không bao giờ nhắm mắt”... cũng rủ nhau về cõi mộng.

Phạm Tiến Duật đại diện tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ chống Mỹ đã mang cái hào sảng từ thế hệ các nhà thơ chống Pháp như Quang Dũng, Hữu Loan, Chính Hữu, Vũ Cao... vào cuộc chiến với hơi thở mới mẻ, mạnh mẽ:” Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn / Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm / Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây...

Trong bài "Phạm Tiến Duật : Người đi lạc trong hòa bình" nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: "Tôi nhớ mãi một câu chuyện về những người lính giữ chốt trên một quả đồi ven đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Họ bị bao vây. Những đơn vị ở bên ngoài không thể nào tìm cách tiếp cận được họ ngoài hệ thống liên lạc bằng điện đài. Khi cấp trên hỏi họ cần gì thì họ trả lời: "Chúng tôi cần thơ Phạm Tiến Duật" Những người lính trên điểm chốt ấy biết rằng có thể tất cả họ sẽ hy sinh. Cái cần nhất lúc đó đối với họ không phải là thức ăn, nước uống. Cái cần nhất đối với họ trước cái chết là một bài ca của sự sống vang lên đôi lúc như một bản thánh kinh. Thơ của Phạm Tiến Duật không phải là thánh kinh. Nhưng nó là một điều gì đó kì lạ của thời điểm ấy. Một bộ phận được phân công chuyển thơ Phạm Tiến Duật lên điểm chốt đó. Bộ phận này đã tháo thuốc nổ trong một đầu đạn súng cối và cho thơ Phạm Tiến Duật vào rồi bắn lên chốt. Đấy là một chuyện có thật. Nhưng khi được kể lại, nó đã trở thành huyền thoại. Câu chuyện đó là một hiện thực huyền thoại. Đấy là một hiện thực chứa đựng sự kì diệu lộng lẫy của thi ca và đời sống của tinh thần con người ở bất cứ nơi nào trên thế gian này".

Xin được nghiêng mình tiễn đưa các nhà thơ:

"Đầu súng trăng treo"

"Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo"

Các thi sĩ mang pháo thơ lên "đỉnh núi"

"Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm"...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter