Thứ Hai, 3 tháng 12, 2007

Chỉ số phát triển con người của ta tăng 4 bậc?!

Báo cáo “Phát triển con người” 2007-2008 của UNDP công bố chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta tăng 4 bậc, ở vào vị trí 105/177. Từ năm 1990, khi Báo cáo Phát triển con người ra đời đến nay, vị trí của Việt Nam vể chỉ số HDI liên tục được cải thiện, đó là một cố gắng lớn của chúng ta. Những tiến bộ được “chỉ số hóa” dễ tạo ra được những động viên kịp thời. Những con số luôn biết nói, đó là thành tựu của công nghệ tính toán, một công cụ của thời đại “số hóa”, thời đại @.

Trước thềm của Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra từ 3 đến 14.12.2007 tại Bali (Indonesia), Báo cáo của UNDP tập trung vào chủ đề về hiểm họa của sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Với nước ta, báo cáo cho rằng “trong 15 năm qua, Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc về phát triển con người... Tuy vậy, biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa thật sự đối với những thành tựu này...”. Báo cáo của UNDP nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu làm xói mòn thành tựu của Việt Nam: “Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu khi mực nước biển dâng”. Báo cáo cho rằng, mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu tùy vào việc nó gây nguy hiểm cho ai và ở đâu. “Viễn cảnh biến đổi khí hậu làm tăng mực nước biển có thể được người dân London hoặc vùng hạ Manhattan bình thản đón nhận do họ có hệ thống đê bao kiên cố, nhưng đối với những nơi như Bangladesh, đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam, hoàn toàn có cơ sở cho rằng đây là mối hiểm họa đáng lo ngại”.


Cảnh báo ấy có thể tính ra bằng những thống kê, chuyển thành những chỉ số rất sống động. Quả thật đây là một cảnh báo có ý nghĩa chiến lược sống còn với đất nước ta, một bán đảo với hơn 3.260km bờ biển. Để chống lại sự xói mòn những thành tựu của phát triển con người do biến đổi khí hậu, UNDP đã khuyến cáo việc xây dựng một chiến lược toàn diện, huy động mọi nguồn lực tài chính từ ODA tới vốn trong nước để đáp ứng nhu cầu đối phó với biến đổi khí hậu. Quả thật, nếu không ngay từ bây giờ, với một nhận thức đầy đủ về hiểm họa nước biển dâng cao do sự biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra có tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục triệu người, để kịp thời vạch ra một chiến lược quốc gia nhằm chủ động đối phó với hiểm họa nhỡn tiền đó thì sẽ là quá muộn.


Đồng thời cũng sẽ là quá muộn đối với một hiểm họa khác có sức xói mòn thành tựu về “Phát triển con người Việt Nam trong thế kỷ XXI”. Những tác động xói mòn này không thể quy thành con số để hiện hình lên thành chỉ số như chỉ số HDI, mặc dầu chúng liên quan hết sức mật thiết đến cuộc sống con người, đến mối quan hệ giữa người và người. Thậm chí, lại là nhân tố quyết định sự phát triển con người, đó là đạo lý xã hội, lương tâm con người. Chỉ xin gợi lên vài sự kiện:


... Chẳng hạn chuyện vừa có quyết định khởi tố bắt tạm giam bốn tháng chờ ngày xét xử nguyên chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự phường và các dân quân trong vụ dùng nhục hình tra tấn các cháu học sinh lớp 9, theo đơn đặt hàng của Hiệu phó Trường PTTH Trần Phú, quận 10, TP Hồ Chí Minh. ..

Cũng như vậy, những hành vi của “mẹ nuôi” dùng búa để dạy con ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; Vợ chồng chủ quán phở tra tấn, đánh vào chỗ kín của cô gái suốt bao nhiêu năm tại phường Nhân Chính ở Thủ đô Hà Nội; Rồi hành vi bạo liệt, nhục hình của bọn “xã hội đen” gây ra cho 2 cô gái nhưng lại được bao che ở Quảng Ninh; Và lá thư tuyệt mệnh xin lỗi bố mẹ của cháu học sinh 9 tuổi nọ ở Đăk Lăk đã tự tử vì bị truy bức là ăn cắp... thì làm sao “số hóa” được trong thời đại @ này, để chuyển thành chỉ số góp vào thống kê về sự “phát triển con người” đây.


Càng không thể chỉ số hóa lời giải thích tỉnh queo về nỗi nhục hình học trò phải chịu của thầy giáo Hiệu phó Trường THCS Trần Phú ở Quận 10 TP Hồ Chí Minh: “Đơn giản thôi, có một dân quân báo cho tôi biết là các học sinh này hay đánh nhau”. Chỉ số hóa làm sao được sự “đơn giản” này! Cũng như chỉ số hóa thế nào đây sự vô lương tâm của vợ chồng thầy thuốc chữa bệnh trẻ con bằng thuốc gây hại cho trẻ, nhưng lại thản nhiên trả lời cho thân nhân người bệnh rằng đó là “hội chứng búp bê”! “Hội chứng vì tiền” đã vứt bỏ lương tâm, mà rồi chiểu theo quy định thì tội trạng vô lương tâm đó cũng chỉ bị phạt 13 triệu đồng! Trong đạo lý dân tộc, có 2 người được xã hội tôn làm thầy, đó là thầy giáothầy thuốc, không thể nào chỉ số hóa được sự tha hóa, thất nhân tâm trong 2 sự kiện về 2 “người thầy” vừa nêu!


... Đạo lý xã hội là một khái niệm vừa đủ trừu tượng để không quy ra thành con số được, song lại cũng đủ cụ thể để có thể hiển hiện thành những ánh mắt thương cảm, những cử chỉ an ủi, những đồng quà tấm bánh sẻ chia. Nhưng tất cả những cái đó chưa đủ tạo thành một sức mạnh cộng đồng để cứu giúp một cô gái đang sống trong địa ngục, địa ngục ấy nằm ngay giữa phố! Vì, những ánh mắt ấy, cử chỉ ấy, sự sẻ chia ấy vẫn còn bị chi phối bởi cách ứng xử của bộ máy quyền lực ở cơ sở. Cũng có thể nói, bị lây nhiễm bởi sự bất lực và vô trách nhiệm của bộ máy ấy. Đấy là chưa nói đến những nghi vấn về sự thông đồng và bao che cho tội ác. Sức hút của cái thiện, trong trường hợp này, chưa đủ để thắng được lực đẩy của cái ác.


... Trở lại với khuyến cáo về hiểm họa mặt nước biển dâng sẽ xói mòn mọi thành tựu có được, phải chủ động ngay từ bây giờ vạch ra một chiến lược quốc gia để đối phó có hiệu quả với những hệ lụy của sự biến đổi khí hậu toàn cầu không thì quá muộn, đòi hỏi một tầm nhìn. Một hiểm họa khác cũng sẽ gây nên sự xói mòn đáng sợ hơn, xói mònnền tảng tinh thần của đời sống xã hội”, xói mòn văn hóa!


Có thể thống kê những tấm panô, những “băngrôn” lớn với dòng chữ “Khu phố Văn hóa” treo ngang lối vào một khu phố, chuyển thành những “chỉ số” về thành tích xây dựng văn hóa, song không thể nào chỉ số hóa sự xuống cấp về đạo lý xã hội, về sự sa sút của lương tâm con người, những cái sẽ xói mòn nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Trong sự xói mòn này thì thời gian là một yếu tố nghiệt ngã, càng nghiệt ngã hơn với sự xây đắp, vì văn hóa không thể là “mì ăn liền”.


Không có một chiến lược quốc gia thật chủ động như chiến lược đối phó với “hiểm họa mặt nước biển dâng” trong việc chấn hưng văn hóa, ngăn chặn một cách hữu hiệu và có bài bản sự xuống cấp về đạo lý xã hội cũng sẽ là quá muộn.

GS.Tương Lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter