Thứ Năm, 13 tháng 12, 2007

Phải mềm dẻo với Trung Quốc

Tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung, người đã đại phá 20 vạn quân Thanh

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong báo Tiếng Dân, xuất bản ngày 23-7-1938 đã ghi lại các tài liệu, các dấu tích về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có đoạn viết "Vấn đề "quốc tịch đảo Tây Sa" này, nếu trên sân khấu quốc tế, nhận chủ quyền sở hữu của những ai chiếm trước và có tài liệu làm chứng hẳn hoi, như luật điền thổ, khai tài, khai lập nghiệp ở xa, bằng theo lộ tịch và phân thư chúc từ của tiền nhân để lại, tưởng không có nước nào có chứng cứ đầy đủ như nước ta."

Ngay tài liệu của chính người Trung Quốc như Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán đã cho biết Chúa Nguyễn sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời: từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long), Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.

Như vậy, Hoàng Sa và Trường Sa đã được tổ tiên chúng ta khẳng định chủ quyền. Việc Trung Quốc coi đó là lãnh thổ của họ khiến mỗi người dân Việt Nam đều cảm thấy bị xúc phạm, nhiều blogger đã bày tỏ nhiệt tình sẵn sàng nhập ngũ để bảo vệ Tổ Quốc; có người nhắc đến chiến tranh; có người kể những mối thù lâu đời giữa ta và phong kiến phương Bắc…Thật là những bầu máu nóng của con Hồng cháu Lạc!

Tuy vậy, bình tĩnh xét lại mới thấy, gây ra cuộc chiến thì hiểm hoạ khôn lường, mà ta là nước nhỏ chắc chắn sẽ chịu thiệt thòi. Dẫu có chiến thắng nhất thời thì về lâu dài vẫn thua thiệt.

Có người nói vui, giả sử đánh nhau họ xin thua, hôm đầu họ dẫn một trung đoàn sang hàng; hôm sau một sư đoàn, hôm sau nữa một Quân đoàn sang hàng thì ta có lo nổi cơm ăn , nước uống cho đám hàng binh khổng lồ ấy không?! Đông người có thế mạnh đặc biệt như vậy đấy.

Ta tự hào đánh thắng nhiều đế quốc, nhưng Thái Lan tự hào là không phải đánh nhau với đế quốc nào cả. Ta có thể học được bài học nào từ Thái Lan chăng?!

Trở lại vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, trước hết chúng ta phải đấu tranh bằng con đường đàm phán, có lý lẽ vì “khôn không qua lẽ, khoẻ không qua lời”. Thứ hai là tìm ngay một đối tác đủ mạnh làm đối trọng với Trung Quốc, có thể qua hợp đồng khai thác thềm lục địa để họ giúp ta bảo vệ lãnh thổ. Thứ ba là tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế…Làm được như vậy thì hay hơn việc phải cầm súng.

Người Việt chúng ta có truyền thống anh hùng, không sợ hy sinh để chống giặc ngoại xâm, nhưng chúng ta cũng là dân tộc mềm dẻo, “lạt mềm buộc chặt”, xin hãy phát huy tính mềm dẻo ấy và biết kiềm chế.

“Quốc gia hưng vong sất phu hữu trách” nên lạm bàn vài lời, mong các bạn bàn bạc xem sao…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter