Thứ Năm, 19 tháng 6, 2008

Thái bút mạc tà-21.6

Ông là một nhà báo lớn, tên tuổi ông gắn với những sự kiện lớn và nhất là những vụ chống tham nhũng tiêu cực. Mấy chục năm tiên phong trong một mảng đề tài chông gai, đầy cạm bẫy nhưng ông đã vượt qua với nhiều thắng lợi mà không hề bị trầy xước. Ông quả là một nhà báo bậc thầy. Mãi cho đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu, tinh thần “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” trong ông vẫn đầy ăm ắp. Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21-6 năm nay, tôi muốn tặng ông một bức thư pháp với nội dung toát lên được tính cách và khí phách của ông, cũng như của đội ngũ những người làm báo chân chính. “Bút trực, tâm thanh”- bút thẳng lòng trong chăng?! Đúng nhưng đơn giản quá. “Thiết thạch can trường”- kiên trinh như sắt đá chăng?! Khô khan quá, cũng không hợp với tính cách rất nghệ sĩ của ông…

Mang tất cả tâm sự ấy đến nhà cụ Nguyễn Văn Bách- nhà nho thâm hậu, đại thư pháp gia của Hà Nội, tôi xin cụ cho mấy chữ. “Để bác nghĩ thêm nhé”- bàn mãi rồi cụ hẹn đến chiều. Buổi chiều, cụ viết mấy chữ tuyệt hay “Thái bút mạc tà”. “Thái bút” là chữ của Đỗ Phủ (712-770) viết trong bài Thu hứng, cụ Nguyễn Văn Bách giải thích:

Thái bút tích tằng can khí tượng

Bạch đầu ngâm vọng khổ đê thùy

Xưa từng vẫy bút vua kinh động

Đầu bạc ngâm thơ não khổ đa.

Những câu trước Đỗ Phủ nhớ lại những gì bút ông đã từng viết lên, nào là Đất cũ Côn Ngô vua ngự qua/ Mĩ Bi Tử Các bóng non sa/ Phụng hoàng đậu mãi cành ngô biếc/ Anh vũ mổ hoài hạt nếp hoa/ Người đẹp mừng xuân gom cánh trả/ Quần tiên thuyền lướt ngắm chiều tà.

Mà không chỉ Đỗ Phủ, trong văn chương chữ “Thái bút” xuất hiện không ít: Phong phi phi / Vũ phi phi/ Phong vũ tần thôi thái bút huy - Mưa trôi đi/ Gió trôi đi / Mưa gió giục hoài cầm bút thơ…

Hay trong một bài từ, Hạ Chú (1063- 1120) có câu :” Thái bút tân đề đoạn trường cú / Thí vấn nhàn sầu đô kỷ hử? Thái bút đoạn trường mới đề câu/ Thử hỏi nhàn sầu chừng mấy hả?!

“Thái bút” còn có điển cố nói là “cây bút năm màu” thần diệu. Ngày xưa các cụ không làm báo, bút chủ yếu để sáng tác thơ văn, rồi ghi chép từ chương tấu sớ, và để lại nhiều giai thoại nhất là những người làm sử. Không ít người đã mang cả mạng sống của mình ra để cây bút được viết đúng sự thật, đúng nỗi lòng mình đang chất chứa, bất chấp cả uy quyền của vua chúa.

Nhà báo hôm nay cũng đang có “thái bút” trong tay, không chỉ bút bi, bút sắt mà cả bút điện tử, với những cú di chuột trên bàn là cây bút của họ kết nối với cả thế giới.

“Mạc tà” nghĩa là không thay đổi, không bị uốn cong, nhưng nó còn là tên một bảo kiếm lừng danh. Truyền thuyết kể rằng, Can Tướng phụng mệnh Ngô Vương Hạp Lư đúc kiếm, nung đã lâu mà kim loại không dung hợp được với nhau, sau cùng người vợ ông là Mạc Tà phải nhảy vào lò (để tế thần lửa). Hai thanh kiếm đúc thành công, một dương một âm tên gọi là Can Tướng và Mạc Tà, trở thành cặp song kiếm nổi danh của nước Trung Hoa xưa.

Nói đến kiếm, lại nhớ “thái bút hoa my” là một thế võ tuyệt chiêu mà Tiểu Long Nữ và Dương Quá đấu với lão già Công Tôn trong “ Thần điêu đại hiệp” của Kim Dung.

“Thái bút mạc tà”, dùng bút như dùng kiếm. Ngày xưa Nguyễn Đình Chiểu đã viết “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, tức là cụ cũng coi bút như kiếm vậy.

Đã dùng kiếm để thi đấu thì kiếm thuật phải tinh thông, khi công khi thủ phải khéo léo để không bị hở sườn, không bị thua cuộc. Đó là sự nhanh nhạy, sắc bén trong kỹ thuật, dũng cảm trong ý chí… Hơn nữa, nội lực phải cao mới bền sức và đường kiếm mới mạnh mẽ. Mạnh mẽ để bảo vệ được lẽ phải, bảo vệ được công lý và để đấu tranh có hiệu quả trước tham nhũng, tiêu cực, bất công. Nhờ những thanh kiếm mạnh mẽ và ngay thẳng như thế mà người ta biết đến “sức mạnh của báo chí”, sức mạnh có sức công phá và lan truyền ghê gớm, nhất là trong thời buổi của thông tin hiện nay.

Nếu không có đủ những phẩm chất đó thì có kiếm đấy mà chả làm gì được ai, như ngày xưa Hàn Tín đeo kiếm mà phải chui qua háng con nhà bán thịt. Đeo kiếm đấy mà bị làm nhục như chơi. Chưa kể, không khéo “chơi dao dễ đứt tay”…

Sự giám sát của công chúng và báo chí là con đường tốt nhất để toàn xã hội hợp sức xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh”- nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng nói như thế. Các Mác kỳ vọng “báo chí là tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình”… “là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước. Để hoàn thành được nhiệm vụ này thì báo chí lại càng phải mạnh.

Hơn nữa, cũng phải có một hành lang pháp lý thật tốt để báo chí được phát huy sức mạnh của mình, để bảo vệ được các nhà báo. Đấu kiếm mà không có luật, hay có nhưng "lờ mờ" thì cao thủ cũng thua kẻ tiểu nhân…

“Thái bút mạc tà”- với mục tiêu cụ thể là những tác phẩm báo chí hay, có tác động thiết thực, có ý nghĩa với đời sống xã hội, ngòi bút không bị bẻ cong là một khát vọng của mỗi nhà báo và cũng là kỳ vọng của nhân dân…

Ảnh: Bức thư pháp “Thái bút mạc tà”- Bút hay và không thay đổi. Thủ bút của cụ Lỗ Công Nguyễn Văn Bách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter