Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

Tên phố, tên làng

 Hà Nội vừa đặt tên cho 30 đường phố, vườn hoa. Trong đó có  Tôn Thất Thuyết bây giờ mới được đặt tên là quá muộn. Ông là linh hồn phe chủ chiến, giúp vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương và ra Tân Sở kháng Pháp ở TK 19.

Trần Thủ Độ, lập lên nhà Trần với những chiến công hiển hách, ông cũng là người anh hùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất mà cũng vừa mới được Hà Nội đặt tên phố mấy tháng trước... Do tiểu sử phức tạp , có nhiều ý kiến khác nhau nên đến bây giở những danh nhân này mới được tôn vinh tại Thủ đô.

Có lẽ chúng ta phải nghĩ đến nội dung quan trọng nhất là họ đóng góp gì cho nhân dân, cho đất nước làm yếu tố quyết định, chứ cầu toàn quá thì cũng khó.

Cho đến giờ này Hà Nội chưa có phố mang tên Lê Văn Thịnh- vị đại khoa đầu tiên của lịch sử khoa bảng nước nhà, gắn với 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Ông là người đã dùng kiến thức uyên bác của mình, không một đạo binh mà tranh biện với sứ nhà Tống, đòi lại được châu Quảng Nguyên là Cao Bằng và Lạng Sơn ngày nay. Vụ án oan khuất của ông cũng đã được minh giải.

 Hà Nội bỏ mất tên phố Huyền Trân Công Chúa cũng xót xa. Công chúa đã vì đại sự quốc gia mà hy sinh tình riêng, nhờ sự hy sinh đó mà nhà Trần có  châu Ô, châu Lý. Hay bỏ phố Bùi Viện cũng thế, từ thế kỷ XIX, ông đã hai lần vượt biển sang gặp Tổng thống Hoa Kỳ để đặt quan hệ bang giao. Con người kiệt xuất, trí dũng hơn người ấy đáng được tôn vinh.

Tôi thấy việc lấy tên danh nhân đặt tên phố, theo phong cách phương Tây hiện nay là rất hay. Chắc không mấy ai thích tên phố mình đang ở là một con số thứ tự như một số quốc gia.

Tuy nhiên, nếu phát huy được tinh hoa của tổ tiên, của truyền thống thì phong phú và giàu bản sắc hơn. Người xưa thường lấy mỹ tự, lấy những danh từ có ý nghĩa tốt đẹp để làm tên đất. Ví dụ tên các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Quảng Ninh, Quảng Bình, BÌnh Định, Phú Yên... là những khát vọng muôn đời của con người về giàu có, sống lâu, bình yên, hạnh phúc. Hay Điện Biên nghĩa là vùng biên ải ổn định, vững vàng. Hay Hà Nội khi còn nhà Lê có tên là phủ Phụng Thiên, khi nhà Nguyễn lên chuyển kinh đô về Huế thì Phụng Thiên được đổi tên là Hoài Đức- nhớ đức của nhà vua... Tên làng xã cũng đều được đặt theo nguyên tắc như vậy, nên tên xã, tên huyện nào cũng có ý nghĩa sâu sắc.

Bây giờ chúng ta có thể đặt những tên phố, tên đường bằng những danh từ chỉ khát vọng của người dân, những từ chỉ đức tính con người, vv... như Công Lý, Công Bằng, Bình Yên, Hòa Hiếu, Nhân Hậu, Dân Chủ... như thế thì tên địa danh cũng phong phú hơn mà tránh được việc phải đặt tên danh nhân một cách gượng ép.

6 nhận xét:

  1. Rất tán thành ! Không biết những nhà quản lý họ có blog và đọc blog k nhờ ?

    Trả lờiXóa
  2. Những cái tên tưởng giản đơn, mà đầy ý nghĩa anh nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Đặt tên phố theo tên các danh nhân đất nước hay quá đi chứ, đường Lạc Long Quân lại giáp đường Âu Cơ, đến Nguyễn Du lại gặp Hồ Xuân Hương... nhưng đúng là nhiều đường phố mình đi qua mà vẫn chưa hiểu hết về thân thế của vị danh nhân mang tên đường đó (hơi bị xấu hổ!). Nhà báo có cách nào để cho những kiến thức lịch sử phong phú về tên đường, tên phố được phổ biến rộng rãi cho mọi người được không?

    Trả lờiXóa
  4. Vấn đề thuthuy đặt ra rất thực tế. Vì thế các địa phương nên phát hành cuốn giới thiệu tên đường phố; có tỉnh ở phía Nam, duói mỗi biển tên phố có thêm một bảng giới thiệu tóm tắt danh nhân mà con phố đó mang tên.
    Tuy nhiên, có lẽ có những danh nhân không mấy người biết đến nên tôi mới đặt vấn đề có thêm quỹ tên bằng các danh từ có ý nghĩa tốt đẹp nữa.

    Trả lờiXóa
  5. Đặt tên đường phố một thời không phải do các nhà văn hóa, các nhà sử học quyết định mà do các chính khách. Cách nhìn nhận một danh nhân của các chính khách này nhiều khi cực đoan, giáo điều, ấu trỉ. Thậm chí đưa lập trường giai cấp vô sản vào xét các danh nhân sống cách ta hàng thế kỉ. Do việc cho nhà Nguyễn phản động người ta sổ toẹt luôn ông Nguyễn Hoàng. Đây là cách làm của những phường vong ân bội nghĩa. May ra hậu thế mới thay đổi được.

    Trả lờiXóa
  6. Cái bài Đêm qua, rộng quá, phải dịch chuyển mới đọc được, khi kích vào số com thì gặp một cửa sổ lằng nhằng, không thể com được.

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter