Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ

Theo chỉ đạo của bác Bu, xin post hai bài thơ trong tập thơ Cửa mở của nhà thơ Việt Phương, phản ánh hai đề tài trong tập thơ này là thế sự và tình yêu.

Cuộc Đời Như Vợ Của Ta Ơi

Năm xưa ta nói rất nhiều “cực kỳ” và “hết sức”
Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực
Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”
Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình.
Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa
Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường.
Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ


Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao
Một phần tư thế kỷ đã qua đi và có lẽ bây giờ ta đã biết
Thế nào là yêu thương thế nào là chém giết
Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao


Sức ta tăng bội phần khi ta say đến trở thành rất tỉnh
Ta đã có thể nói với quân thù những lời bình tĩnh:
“Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày
Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao”
Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin
Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả
Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ


Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn.
Ta đã gặp những điều không hề chờ gặp
Nào đâu phải chỉ là rắn phục giữa vườn hoa
Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách
Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta


Ta suy nghĩ 8000 đêm đánh giặc
Nghiền tâm tư cùng những hạt ngô bung
Giữa đạn bom ta lọc ra hạnh phúc
Tim dần trong sáng mãi đến vô cùng
Ta đã sống những phút giờ sự thật
Tầm dân tộc ta và kích tấc loài người
Bừng vẻ đẹp chắc và bền của đất
Thung lũng đau xưa vàng rực những mùa vui...


Ta hiểu được những ai đã sai và có thể còn sai
Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa
Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người
Phía trước đằng sau bên ngoài và chính giữa
Như Quảng Bình, Vĩnh Linh càng yêu trong khói lửa
Ta nhìn hết sự xấu xa và bỗng nở nụ cười
Mở đài địch như mở toang cánh cửa
Nghe nó chửi mà tin ở ngày mai


Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở
Cuộc đời thân như hơi thở ta ơi
Ta vui lắm những niềm vui cởi mở
Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi...

Trên đường Thanh Niên

Ta đi yêu người ta yêu nhau
Người ta cũng là ta khác đâu
Ta yêu tình yêu người ta lắm
Say đắm bao nhiêu cái hôn đầu.

Ta đi yêu người ta yêu nhau
Đêm trở về khuya sương đượm lâu
Gió ơi gió hãy vừa đủ lạnh
Cho những lứa đôi chụm mái đầu.

Ta rủ sông hồ im thật im
Thảm cỏ ven hồ êm thật êm
Trời sao mở hết miền sâu thẳm
Hàng liễu thiết tha thả tóc mềm .

Đừng có bao giờ dứt bỏ nhau
Yêu nữa người ơi chưa đủ đâu
Những lứa đôi nào còn dang dở
Đây trái tim tôi hiến nhịp cầu.

 

7 nhận xét:

  1. trang trung quoc lon wa....... vi dai wa..... heeeeeeeeeeee

    Trả lờiXóa
  2. Trăn trở , vật lộn rồi đau đáu chín muồi trong những nỗi niềm thế sự . Nâng niu và nồng nàn , say đắm cùng những yêu thương !

    Quả là một hồn thơ tha thiết với Đời , với Người !

    Trả lờiXóa
  3. Ở ta, ngày nay có thêm hội đồng lý luận trung ương. Thấy nhiều ông trán hói tóc bạc ra điều uyên bác lắm. Nhưng rồi cái sự lý luận của các ông không biết sẽ dẫn văn chương và lịch sử nước nhà đi về đâu. Cũng cái ông Việt Phương ấy khi viết:
    "Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
    Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao"
    thì bị các nhà lý luận thời ấy chụp cho cái mủ quan điểm lập trường không vững. Trên cao mà có bùn là ám chỉ lãnh đạo tồi. Sau mấy mươi năm lý luận thì bây giờ lại in thơ Việt Phương. Vậy thì giữa ông Việt Phương và các nhà lý luận có kẻ đúng kẻ sai chứ. Đâu cứ lẳng lặng in thơ ông ra là hòa cả làng. Lại ông Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam bị ông Hải Triều đánh cho liểng xiểng. Nhưng rồi quyển sách ấy của Hoài Thanh đến nay tái bản hàng chục lần. Trái lại các tuyển tập làm theo quan điểm chính thống của ông Hải Triều thì không mấy ai hào hứng đọc dù chỉ mới in ra một lần. Một thời các nhà lý luận đưa ông Nguyễn Khải lên mây, nhưng chính ông ta trước khi qua đời viết "đi tìm cái tôi đã mất" phủ nhận các tác phẩm của ông, phủ nhận nốt cái xã hội và thể chế thời ông sống. Trong sử học cũng thế, nhà Nguyễn bị các nhà lý luận cho là phản động, cõng rắn cắn gà nhà, công lao thống nhất đất nước là của vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Nay cũng các nhà lý luận ấy nói ngược lại hết thảy. Thống nhất đất nước phải là Nguyễn Ánh Gia Long...Cho nên học trò ta dốt văn dốt sử kể cũng phải.

    Trả lờiXóa
  4. Ở ta, ngày nay có thêm hội đồng lý luận trung ương. Thấy nhiều ông trán hói tóc bạc ra điều uyên bác lắm. Nhưng rồi cái sự lý luận của các ông không biết sẽ dẫn văn chương và lịch sử nước nhà đi về đâu. Cũng cái ông Việt Phương ấy khi viết:
    "Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
    Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao"
    thì bị các nhà lý luận thời ấy chụp cho cái mủ quan điểm lập trường không vững. Trên cao mà có bùn là ám chỉ lãnh đạo tồi. Sau mấy mươi năm lý luận thì bây giờ lại in thơ Việt Phương. Vậy thì giữa ông Việt Phương và các nhà lý luận có kẻ đúng kẻ sai chứ. Đâu cứ lẳng lặng in thơ ông ra là hòa cả làng. Lại ông Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam bị ông Hải Triều đánh cho liểng xiểng. Nhưng rồi quyển sách ấy của Hoài Thanh đến nay tái bản hàng chục lần. Trái lại các tuyển tập làm theo quan điểm chính thống của ông Hải Triều thì không mấy ai hào hứng đọc dù chỉ mới in ra một lần. Một thời các nhà lý luận đưa ông Nguyễn Khải lên mây, nhưng chính ông ta trước khi qua đời viết "đi tìm cái tôi đã mất" phủ nhận các tác phẩm của ông, phủ nhận nốt cái xã hội và thể chế thời ông sống. Trong sử học cũng thế, nhà Nguyễn bị các nhà lý luận cho là phản động, cõng rắn cắn gà nhà, công lao thống nhất đất nước là của vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Nay cũng các nhà lý luận ấy nói ngược lại hết thảy. Thống nhất đất nước phải là Nguyễn Ánh Gia Long...Cho nên học trò ta dốt văn dốt sử kể cũng phải.

    Trả lờiXóa
  5. @Bác Bulukhin, chân lý cũng giống như cái chén cổ quý giá, có bị chôn dưới bùn sình, dưới đáy biển thì khi mang lên vẫn là hàng quý, còn hàng dỏm có đặt trong tủ kính bóng nhoáng thế nào đi nữa, khi nhìn cũng vẫn biết hàng dỏm. Phải nói dân ta thế mà giỏi lắm, khôn lắm, mà không giỏi và khôn sao được khi từ thời lập quốc Hùng Vương đến giờ bao nhiêu thế hệ phải vất vả để tồn tại, cho nên chỉ nhìn thoáng qua thôi, cái gì dân cũng biết hết...

    Trả lờiXóa
  6. Đúng là ngày xưa người dân cứ bị sống trong sự bưng bít, bóp méo thông tin và tự huyễn hoặc mình. Nhà thơ dường như đã trải nghiệm qua những nỗi niềm thế sự và nhìn lại với sự điềm tĩnh và thấu hiểu trong bài thơ của mình.

    "ta đi yêu người ta yêu nhau..." sao lại có người có trái tim mênh mang thế nhỉ? :D

    Trả lờiXóa
  7. Các vị huynh đệ nói rất hay. Thời gian là sự đánh giá khách quan và vô tư nhất. Sự giả dối thì dù sơn phết đến đâu cũng sẽ tróc vỏ, bay màu thôi, còn vàng thật thì mãi sáng trưng.

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter