Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

DI NGÔN PHẬT SỐNG LƯU CÔNG DANH


Một sáng mùa hè năm 1958, chiếc xe com-măng-ca biển số đỏ chở hai người sĩ quan dừng trước doanh trại Sư đoàn 338 đi tìm Phật sống ! ...
 
Cuộc tìm kiếm Phật sống không khác nào mò kim đáy bể. Không thể tìm Ba Chà trong danh sách quân nhân vì đó là tên dân gian Nam Bộ. Ông này thứ ba nhưng người Chà Và (Ấn Ðộ) nên dân gian kêu là Ba Chà ! Cái tên Nam Bộ ấy chắc cũng để lại miền Nam mà không theo chủ đi tập kết ? Phải nhiều ngày mò mẫm qua từng đơn vị rồi một hôm 3 sĩ quan đến Ðại đội 19 công binh, Trung đoàn 3. Một tiểu đội trưởng tình cờ nghe thấy các sĩ quan bàn nhau việc kiếm Phật sống Ba Chà, anh nói :
 
- Tôi có biết một ông Phật sống nhưng không rõ ổng có phải Ba Chà không ?
 
Mừng như bắt được của, các phái viên hối dẫn đi tìm ngay. Tiểu đội trưởng tên là Trần Hữu Ðức dẫn họ tới Chợ Chuối xã Thăng Long huyện Nông Cống. Xe dừng lại trước khu lò gạch, chiến sĩ đang làm việc ì xèo. Hai Ðức dẫn mấy anh em ra hiện trường thì gặp đại đội trưởng lò gạch là ông già to cao đang gánh đất, chân tay lấm bê bết :
 
- Ðó, ổng đó !
 
Hai Ðức chỉ. Khi được hỏi về Phật sống Ba Chà, ông trả lời thủng thẳng :
 
- Ông nầy tôi có biết nhưng không biết giờ ông ở đâu, để rồi tôi kiếm giùm.
 
Lát sau ông hỏi lại :
 
- Nhưng mấy cậu kiếm ổng có chuyện gì ?
 
Viên trung uý nói :
 
- Bộ Ngoại giao mời ông ấy về Hà Nội để tiếp khách Ấn Ðộ. Việc này được báo cáo Bác Hồ, Bác yêu cầu bên quân đội tìm giúp. Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp giao nhiệm vụ cho chúng tôi…
 
Ông đại đội trưởng già vẫn giọng chậm rãi hỏi :
 
- Mời ra Hà Nội nhưng có gặp Bác Hồ được không ?
 
- Nếu ra thì sẽ gặp được. Viên thiếu tá đáp sau thoáng nghĩ ngợi.
 
Ông già nói tiếp, vẫn bằng giọng thủng thẳng :
 
- Ổng biểu, nếu được gặp Bác Hồ thì ổng ra, nếu không, ổng lội bộ về đó !
 
Mừng quá, mấy anh phái viên lôi từ trên ô tô xuống một thùng bia hơi để đãi Phật sống cùng anh em đơn vị rồi đưa trung uý Lưu Công Danh về Bộ Tư lệnh Sư đoàn.


 
Chuyện là thế này : Hiệp định Giơnevơ năm 1954 lập Uỷ ban Giám sát và Kiểm soát đình chiến tại Việt Nam do Ấn Ðộ làm chủ tịch, hai thành viên là Ba Lan và Canada. Ấn Ðộ là nước trung lập nhưng lúc đó chưa hiểu lắm về ta nên trong nhiều vụ việc cụ thể gây cho ta không ít khó khăn. Tranh thủ được Ấn Ðộ không chỉ có lợi lúc này mà còn là chiến lược lâu dài vì vai trò quan trọng của Ấn trong khu vực và thế giới. Thực hiện nhiệm vụ ngoại giao cấp bách này, Bác Hồ đã mời Tổng thống Ấn Ðộ Praxat và phu nhân sang thăm nước ta với danh nghĩa nước Chủ tịch Uỷ ban quốc tế. Trước chuyến thăm, qua con đường ngoại giao, ta biết có một số vấn đề về quan điểm bạn chưa đồng ý với ta. Nếu không thuyết phục được bạn, cuộc viếng thăm sẽ kém kết quả. Nhưng làm sao để thuyết phục ? Bộ Ngoại giao lúc đó tìm hết phương kế nhưng đành chịu. Thứ trưởng Ung Văn Khiêm chợt nhớ, trong kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ có ông Phật sống Ấn Ðộ tên Ba Chà làm Giám đốc Ðề lao binh. Nghe nói gia đình người vợ Ấn Ðộ của ông ta có họ hàng với Thủ tướng Ganđi. Tổng thống Praxat và phu nhân cũng là phật tử. Nếu có được ông Vua Phật Ấn Ðộ để giao thiệp với phái đoàn Ấn Ðộ thì quá ngon ! Ý kiến này được báo cáo lên Bác Hồ. Bác ủng hộ liền vì thấy là sáng kiến tốt. Công việc tìm Phật sống được giao cho bên Quân đội. Ðại tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh cử nhóm công tác đi Thanh Hoá là nơi hai sư đoàn bộ đội Nam Bộ đang đóng.
 
Ðầu năm 1955, ăn Tết xong, từ vàm Sông Ðốc một số cán bộ chiến sĩ miền Tây Nam Bộ lên chuyến tàu thứ hai, chiếc tàu Ba Lan Kilinxki vừa chở người vừa chở gạo ra cứu đói miền Bắc. Cũng đi chuyến này có Lưu Công Danh, nguyên là Phật sống Ấn Ðộ. Nhân viên người Ấn trong phái đoàn quốc tế nghe nói có Phật sống trên tàu nên đôn đáo đi tìm. Lo cho sự an toàn của ông, anh em dấu Lưu Công Danh xuống hầm tàu.
 
Tới Sầm Sơn, sau những tháng học tập, chỉnh huấn, đến tháng 10 biên chế lại đơn vị. Lính miền Tây thành Sư đoàn 338, lính miền Ðông thành Sư đoàn 330. Một số chiến sĩ miền Tây sang Sư miền Ðông, trong đó có Lưu Công Danh và Trần Hữu Ðức. Hai người cùng trong Tiểu đoàn 209 chuyên xây dựng doanh trại. Khi Hai Ðức về đại đội công binh 19 thì gặp Ba Danh (Từ khi Ðề lao binh giải thể, Lưu Công Danh không dùng tên Ba Chà nữa mà lấy lại tên thật Ba Danh, trong khi đó ông Ung Văn Khiêm lại nhớ tên cũ nên việc tìm kiếm khó khăn) cùng đóng quân trong khu vực chợ Chuối. Ðại đội do trung uý Ba Danh làm đại đội trưởng tiếp thu cái lò gạch của tư nhân bỏ hoang, chiến sĩ sửa lại để nung gạch. Cánh Hai Ðức thường sang lò gạch Ba Danh đá banh. Một bữa đang đá hăng thì một cậu bị thương gãy ngang ống quyển, đau quá la thét kinh hoàng. Anh em xúm quanh định khiêng đi bệnh xá. Ông Ba hỏi :
 
- Gì mà la dữ vậy bây ?
 
Nhìn thấy ông lính già dáng cao lớn, Hai Ðức buột miệng nói :
 
- Lính con nó gẫy giò ba ơi ! Ông Ba bước tới nhìn, nói :
 
- Ôi, tưởng gì, đem vô đây ! Anh em khênh người bị nạn vào lán lợp nứa dùng để chứa gạch mộc. Ông nắn lại xương gân cho ngay ngắn rồi lấy trong bọc đồ riêng của mình ra những loại bột gì đó ngào với đất sét, bó giò, lấy cây nứa nẹp lại cho khỏi cấn rồi dùng băng quấn xung quanh. Xong việc, ông nói :
 
- Về đi, vài bữa đá banh nữa.
 
Hai bữa sau ông tới tháo nẹp, nói :
 
- Mầy đứng tao coi !
 
Người lính do dự :
 
- Liệu có gẫy lại không ?
 
- Giỡn hoài, mầy. Gẫy tao thường ! Không đổi sắc mặt, ông lính già nói.
 
Run run, anh ta vịn vào thành giường đu mình đứng dậy.
 
- Mầy bước tao coi !
 
Khi cậu lính trẻ đứng vững trên đôi chân của mình, ông Ba nói tiếp.
 
Người lính dò dẫm bước một bước hai bước rồi đi một đoạn dài như chưa từng bị thương. Anh em ngạc nhiên hết sức, rối rít cảm ơn ông già. Tin về ông lính già Nam Bộ có tài bó xương gẫy lan nhanh trong đơn vị rồi ra ngoài dân. Nhiều người đến nhờ. Đại đội lò gạch của Ba Danh gần thành một trạm cứu thương.
 
Một bữa ngồi uống nước, ông Ba hỏi Hai Ðức :
 
-         Bữa đó sao mầy kêu tao là ba ?
 
-         Tôi thấy ông già gần như tía tôi nên kêu vậy thôi.
 
-         Mầy quê đâu ?
 
-         Tôi dân Phú Quốc !
 
-         Vậy sao ? Ông già mừng húm reo lớn :
 
-         Tao Rạch Giá nè, ở Mớp Giăng, Châu Thành đó.
 
Gặp người cùng xứ, chàng lính trẻ Hai Ðức mừng hết lớn :
 
- Vậy tôi kêu ông ba luôn nghe, ông là ba nuôi tôi vậy !
 
Họ nhận cha con như vậy đó.
 
Rồi cha con hủ hỷ. Ba Danh thủng thẳng từng chút một kể cho Hai Ðức nghe chuyện đời mình. Anh Hai Ðức nói thật tiếc vì lúc đó anh chỉ nghe cho vui mà không có ý thức khai thác ông già nhiều hơn.
 
Về Hà Nội, trung uý Lưu Công Danh được đưa tới gặp Phó Thủ tướng Phan Kế Toại bàn về việc tiếp phái đoàn Ấn Độ, sau đó được bố trí nghỉ tại Bộ Ngoại giao. Ở Hà Nội hơn một tháng không được gặp Bác Hồ, Ba Danh đòi trở về đơn vị. Trước khi đoàn tới ít ngày, Bác Hồ bố trí thời gian gặp Ba Danh. Bác nói :
 
-  Chính Phủ Ấn chưa hiểu mình nên trong công việc có gây cho Chính phủ ít nhiều khó khăn. Chú có thể giúp cho phái đoàn ta !
 
- Thưa Bác, cháu thì giúp được gì ạ ?
 
- Nếu biết cách thì chú giúp được đấy !
 
- Giúp thế nào, xin Bác chỉ cho cháu. Nếu làm được, cháu sẽ hết sức cố gắng !
 
- Thế này nhé, chú hút thuốc đi, Bác chỉ vào gói thuốc Ðại Tiền Môn trên bàn, mỉm cười, sau đó nói chậm rãi, có thể bà Tổng thống Praxat sẽ xin gặp chú. Nếu bà Praxat muốn gặp thì chú nên gặp.
 
- Nhưng thưa Bác, Ba Danh ấp úng, bà ta gặp cháu để làm gì ạ?
 
- Gặp chú vì chú là Phật sống Ấn Ðộ.
 
Ba Danh toát mồ hôi, không hiểu ông Cụ nhắc đến Phật sống với ý nghĩa gì. Anh lén ngước nhìn Bác, thấy nét mặc Bác nghiêm trang chân thành, anh cảm thấy yên tâm.
 
- Thưa Bác !
 
- Bà Praxat là phật tử, Bác Hồ nói tiếp bằng giọng nhỏ trầm tĩnh, nên rất ngưỡng mộ Phật sống Ấn Ðộ. Vậy nếu bà ấy gặp chú thì rất tốt cho công việc của phái đoàn.
 
Ba Danh láng máng hiểu ra vấn đề, anh hỏi :
 
- Thưa Bác, gặp bả cháu phải thế nào ạ ?
 
- Chú cứ xử sự như trước đây chú tiếp các phật tử. Còn trong câu chuyện, chú cứ nói thật về cuộc đời chú và nhất là vì sao chú lại đi kháng chiến. Nói tới đây Bác cười, chòm râu rung rung, điếu thuốc trên tay Người cũng rung theo. Chú đừng làm chính trị !
 
Ít ngày sau thì Tổng thống Praxát cùng phái đoàn Ấn Ðộ đến Hà Nội, theo chuyến bay đặc biệt từ Sài Gòn ra. Trong chuyến thăm ngoại giao này, chính phủ Việt Nam có phần bị thất thế so với chính quyền Sài Gòn. Đoàn của Tổng thống Praxat tới Sài Gòn trước rồi mới ra Hà Nội, là chỉ dấu cho thấy Ấn Ðộ nghiêng về phía Ngô Đình Diệm. Báo chí của chính quyền Sài Gòn làm rùm beng chuyện này, coi như thắng lợi lớn của “chính nghĩa quốc gia”. Quả như dự liệu lúc đầu, có một số vấn đề giữa ta và bạn khác quan điểm nên buổi hội đàm thứ nhất diễn ra không suôn sẻ. Trung ương rất lo. Qua câu chuyện hành lang, ta bóng gió cho người Ấn biết là Phật sống Ấn Ðộ Hăcxacôp Chanđra đang ở Hà Nội. Ông rất nhớ đất nước Ấn Ðộ, muốn biết tin tức gia đình. Biết tin này, phu nhân Tổng thống Praxat rất mừng, bà nhờ Đoàn Việt Nam xin tiếp kiến Phật sống.
 
Hai chiếc xe hơi sang trọng mang cờ Ấn Ðộ tiến vào biệt thự trên đường Quán Thánh bên bờ Hồ Tây. Chiếc xe màu đen dừng lại trên lối đi rải sỏi. Từ ghế đầu, người sĩ quan tuỳ tùng bước xuống mở cửa. Người đàn bà Ấn son sẻ nước da màu đồng hun mặc sary vàng bước ra khỏi xe. Chiếc túi xách nhỏ màu mận chín trong tay, bà nhìn bao quát ngôi biệt thự. Hạt kim cương từ chiếc nhẫn trên ngón tay thon dài phản quang loé sáng. Từ chiếc xe trắng đi sau mang cờ của Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Đông Dương, ba người đàn ông mang đồng phục trắng lần lượt xuống xe. Anh cán bộ lễ tân người Việt hướng dẫn phu nhân Tổng thống cùng các vị khách bước lên tam cấp, qua phòng khách lớn rồi lên cầu thang. Tới một căn phòng cửa mở, hai sĩ quan người Ấn nhanh nhẹn đứng lại hai bên cửa, còn hai người khác tháp tùng phu nhân tổng thống bước vào. Theo thường lệ, anh cán bộ người Việt đi trước dẫn đường. Vừa vào trong phòng, cả ba người khách nước ngoài bước vội lên trước rồi quỳ xuống tấm thảm Ba Tư trải trên sàn, đầu cả ba người cúi sát đất. Không xa trước mặt họ là cái sập gỗ mun khảm trai trải chiếu hoa. Trên đó Phật sống Ba Danh dáng cao lớn, nước da ngăm đen, mặc cà sa màu vàng trong tư thế tọa thiền, hai mắt nhắm lại. Trên cao phía sau ông là bàn thờ Phật với hình Quan Thế âm, những nén nhang cháy toả mùi trầm thơm sâu lắng. Sau khi lạy, cả ba người trong tư thế quỳ, hai tay chắp trước ngực, đầu cúi, mắt nhắm lại vẻ thành kính.
 
Lúc lâu sau Phật sống mở mắt, nhìn xuống ba phật tử, nói chậm rãi tiếng Hinđu bằng giọng Newdelhi trầm ấm :
 
- Mừng các con tới đất nước Việt Nam. Thầy ban phước cho các con.  Bữa nay thầy cho các con biết một phần của đời thầy. Chắc các con vẫn nhớ, theo quy định của người tu Phật, sau khi thành Phật, có thời gian hai năm để tế độ chúng sanh thì trở về trời trong giàn lửa. Nhưng năm ấy, thầy đã không về trời theo cách đó vì thầy còn có việc phải làm. Trong đêm thầy được chánh quả, Phật tổ có dạy rằng, sau thời gian ở Ấn Độ, thầy phải về nước Phật giáo sát bên đất nước của thầy để khi nước được độc lập thì về tế độ đồng bào mình. Vậy là theo lời Phật tổ, thầy đã về nước anh em là Miên quốc. Thầy tế độ chúng sinh ở đó. Khi Việt Nam được độc lập thì theo lời Phật tổ, thầy về nước. Nhưng đúng lúc đó thì giặc Pháp trở lại xâm lược. Không còn cách nào khác, thầy phải cùng Chính phủ đánh Pháp cứu chúng sinh, giữ vững nền độc lập cho Việt Nam. Cũng trong đêm thành chánh quả đó, Phật tổ có đem giáo lý đạo Phật truyền cho thầy. Trong những điều thầy được nghe thì chính Phật tổ nói : “Đạo Phật ưa sống hoà bình nhưng nếu có bọn ác tới tàn hại chúng sinh thì phải đánh đuổi chúng đi.” Khi thầy về thì đánh nhau rất ác liệt, Chính phủ Việt Nam lo cho an nguy của thầy nên khuyên thầy trở lại Pnômpênh vì chúng sinh nơi đâu cũng là con của Phật tổ, giúp cho dân Miên cũng là giúp dân Việt. Nhưng thầy xin ở lại để cùng đánh giặc với đồng bào. Đức Phật tổ dạy rằng, không được sát sanh nhưng nếu có kẻ ác muốn giết mình thì phải cùng mọi người đánh lại chúng. Hơn nữa thầy biết rằng, dắt dẫn dân tộc Việt Nam là Hồ Chủ tịch, một vị thánh nhân. Được chiến đấu dù có hy sinh dưới cờ của Bác Hồ cũng là làm tròn Phật sự.
 
Ba người quỳ nghe một cách thành kính. Im lặng một lúc lâu, ngài nói tiếp :
 
- Nay đất nước Việt Nam cũng như nước Ấn Độ cùng được độc lập. Thầy rất muốn về thăm lại Ấn Độ. Nhưng Việt Nam mới chỉ độc lập được một nửa. Đồng bào miền Nam còn sống trong áp bức, cho nên cả nước còn phải đấu tranh cho độc lập và thống nhất, đồng bào ai cũng được tự do hạnh phúc. Vì vậy công việc của thầy còn nặng… Nay các con sang Việt Nam cũng là làm công việc theo lời Phật dạy. Giúp người Việt Nam cũng là giúp cho nhân dân Ấn Độ. Rồi chúng sanh hai nước sẽ được sống hoà bình trong tình anh em…
 
Nói tới đây Phật sống dừng lại. Những vị khách im lặng chờ đợi. Lúc lâu sau không thấy ngài nói nữa, họ ngẩng nhìn lên thì nhận ra Phật sống ngồi im như pho tượng, hai mắt nhắm nghiền…
 
Lặng lẽ, cả ba người lết bằng đầu gối tới bên sập gụ. Họ khom người tới gần Phật sống, nâng vạt áo cà sa hôn một cách thành kính, sau đó vái ba vái rồi đi lùi ra cửa.
 
Cuộc hội đàm hôm sau diễn ra thuận lợi không ngờ, nhiều đề xuất của Việt Nam được chấp nhận, tuyên bố chung được ký kết, Tổng thống Praxat mời Bác Hồ sang thăm Ấn Ðộ, mở ra trang mới trong quan hệ Việt Ấn.
 
Ông Ba Danh rời khỏi đơn vị từ đó. Ít lâu sau anh Hai Ðức chuyển ngành, đi học Trung cấp thuỷ sản tại Hải Phòng. Lâu lâu anh có về Hà Nội thăm cha nuôi.
 
Năm 1958, sau khi công việc trong nước tạm ổn định, chính phủ Việt Nam tổ chức những chuyến thăm ngoại giao tới nhiều nước trên thế giới do Hồ Chủ tịch dẫn đầu. Lưu Công Danh được tham gia phái đoàn. Tại những nước Phật giáo, Phật sống Lưu Công Danh được quốc vương, chính quyền, giới chính khách và đông đảo phật tử hân hoan chào đón, đem lại uý tín cho chính phủ Việt Nam. Sau chuyến đi nước ngoài trở về, Lưu Công Danh được mời lên gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
 
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hỏi :
 
- Anh có muốn đi học không ?
 
Không cần suy nghĩ, anh trả lời luôn:
 
- Dạ muốn.
 
Anh có nguyện vọng đó vì khi còn nhỏ chỉ được cắp sách tới trường làng. Lớn lên đi tu thì học kinh. Như vậy là anh nhận thức được trình độ anh còn kém. Nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì nghĩ theo hướng khác. Vì theo cấp đại uý, lúc đó đối với quân đội là hiếm, phải là người lãnh đạo trung đoàn, ít nhứt cũng là tiểu đoàn trưởng. Vậy cần phải đào tạo cho xứng đáng vói cấp bậc của anh.
 
Chẳng bao lâu sau anh được cấp hộ chiếu đi Liên Xô tu nghiệp tại Học viện quân sự và chính trị của Quân đội Xô-viết. Nhưng gần một năm rồi việc họ tập của anh không tiến bộ đựơc chút nào. Đại sứ quán Việt Nam tại Matxcơva được thông báo về người sinh viên đặc biệt này. Đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh đã e ngại rằng vì đồng bào quê hương bị đàn áp khốc liệt nên anh nóng ruột mà không học được. Khi gặp anh, đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh đã hết sức đông viên anh cố gắng học tập thành tài rồi trở về Việt Nam chiến đấu giải phóng miền Nam, giành lại độc lập thống nhất cho nước nhà. Anh không cãi điều gì nhưng một học kỳ nữa đã qua, trong các buổi tập thì anh chưa bao giờ bắn đạn thật đựơc trúng mục tiêu. Cho anh thi lại lần thứ hai thì viên đạn của anh bay đi đâu chớ không hề dính được vào bia. Trước sa bàn anh cũng không hề trình bày được các thế trận, không thuyết trình được về các trận đánh dù đã có giáo trình chuẩn bị trước. Anh phải về nước để có hướng đào tạo khác.

DI NGÔN PHẬT SỐNG LƯU CÔNG DANH  của Hà Văn Thùy, mời cả nhà đọc trên http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=437462&mpage=1&key=&#437480.

12 nhận xét:

  1. Chữ nhỏ quá anh ơi ! Em hơi có tuổi nên mắt kém...

    Trả lờiXóa
  2. Em copy ra Word đọc, cũng đọc được 3 trang rồi ! hihi...

    Trả lờiXóa
  3. Phải chi ngày trước em bị gãy chân có người lính già này bó dùm cũng đỡ, làm phải nghỉ dưỡng hết gần 2 tháng...hihi...

    Trả lờiXóa
  4. Những chi tiết trên không được Phật sống kẻ cho nhà báo nữ, đến nay bu mới biết.
    Đã lâu bu nghe tin Hà Văn Thùy viết cái gì đó về Phật Sống. Sách có bán ở Hà Nội Không?

    (vợ Phật sống cháu Gandi mà bu nhớ ra Nê ru hihhuu)

    Trả lờiXóa
  5. Đọc lâu quá nay nhớ lại dần dần
    Nơi ở của Phật là Nghĩa Đô! Nơi ấy nay có đường Hoàng Quốc Việt, có ông bạn thân của bu ở nên nhớ ra HQV luôn, cho đính chính lại

    Trả lờiXóa
  6. Bài này em cũng xin để lúc khác đọc cho thoải mái.

    Trả lờiXóa
  7. Dạo này phổ biến nhiều sách hay ghê anh

    Trả lờiXóa
  8. 2500 truoc, Phat thiet Khong can quan cao
    Tai Sao di quang cao Khong cong cho Phat doi
    Nay ???
    Chan TU ???
    Hui xa TU nhien huong
    Phat song ????? Who told you so

    Trả lờiXóa
  9. Chackadao: Đây là câu chuyện đời lận đận, ly kỳ của một nhân vật lịch sử. Chính cụ Lưu Công Danh khi được đưa về tu ở chùa Quán Sứ, với ngụ ý sau này sẽ lãnh đạo giáo hội cũng cũng từ chối, làm một dân thường, đâu có chuyện quảng cáo gì...

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter