Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Hành trình đi tu của Phật sống LCD

Thoáng cái đã đến ngày tôi phải lên đường. Bữa đó, từ sớm người ta đã vây lấy cổng nhà tôi ở rồi sau đó chia làm hai hàng quỳ dọc theo lối đi. Khoảng 7 giờ, một đoàn người rước kiệu cùng cờ quạt chiêng trống thì thùng tiến vô sân. Vị sãi cả cúi đầu mời tôi lên kiệu. Tôi quay lại xá mọi người trong nhà rồi lên kiệu. Ông sãi cả chậm rãi lần tràng hạt bước phía trước, người đi đường nối theo thành đám rước dài. Tới chùa, tôi được dẫn tới trước bàn thờ Phật tổ, một lễ cầu nguyện diễn ra, vị sãi cả làm lễ chúc phúc cho tôi. Tôi ở lại chùa ít ngày vừa học kinh vừa nghe hướng dẫn về con đường đến Tây Phương. Ngày lên đường, các vị tăng đưa tôi ra cổng. Tại cổng chùa, hai hàng người quỳ lạy, trong tiếng chiêng trống rộn ràng tiễn tôi đi. Vị sãi cả đưa tôi đi một quãng xa thì dừng lại. Chiếc xe hơi quen thuộc của gia đình đón sẵn. Ông Ibrahim mời tôi lên xe ngồi ghế trên, còn bà Ibrahim ngồi sau với Mary. Ông Ibrahim lên xe sau cùng, ngồi sau tay lái. Theo con đường quốc lộ, xe đi về phía tây. Ðến chiều, khi không còn đường đi nữa, tôi xuống xe, chia tay gia đình. Cả ba người quỳ xuống trước mặt tôi. Tôi bước lùi lại. Mary tay vẫn để trước ngực, mắt nhìn tôi đăm đắm như người mất hồn. Cầm lòng không đặng, tôi quay người lại, bước vội. Một nhà sư đã chờ sẵn, dắt tới con ngựa màu lông hung hung rồi tôi cùng nhà sư lên ngựa đi vào rừng. Ngoái lại tôi thấy vợ tôi cùng cha mẹ vợ vẫn quỳ, nhìn hướng về tôi…

Phải qua nhiều đèo suối, nửa đêm tôi mới tới một cảnh chùa nằm trong hang núi.


Sáng ra vị sãi cả trong chùa nói rằng tôi phải ở lại chùa một thời gian vừa học kinh vừa học thuốc và luyện tập, khi nào thành thục mọi thứ sẽ lên đường đi Tây Phương. Ðầu tiên tôi được cho ngồi thiền và nhìn mặt trời buổi sáng. Vừa cầu kinh, tôi vừa lần bấm ngón tay, từ ngón trỏ tới ngón út. Lúc đầu nhìn mặt trời mới lên còn êm nhưng sau đó thì chói quá, muốn nổ tung con mắt. Ðúng lúc đó người ta kêu vô. Tôi được dạy kinh Phật, không có quyển sách nào, chỉ học truyền miệng. Buổi chiều một vị hoà thượng cao niên dạy các môn thuốc toàn bằng cây cỏ : lá nào trị cảm cúm, nhức đầu, lá nào trị đau bụng tháo dạ, rồi dần dần những thuốc trị rắn cắn, gẫy xương. Do biết chữ Hin-đu, tôi ghi chép những lời thầy giảng để học lại nên mau thuộc. Chiều xế lại được hướng dẫn ra ngồi thiền cầu kinh nhìn mặt trời lặn. Ban đêm tôi được cho nằm trên phiến đá rất lạnh. Không hiểu sao lại có phiến đá lạnh đến vậy, lạnh hơn mọi vật chung quanh, như có ai ướp nước đá. Ban đầu lạnh quá không ngủ được nhưng về sau mệt ngủ thiếp đi. Cứ đêm đêm nằm thế riết rồi quen. Tôi còn được tập luyện Yôga, mà nhìn mặt trời cũng là một môn luyện Yôga. Tiếp đó học khí công, luyện cách điều hoà nhịp tim. Trong cái hang tôi ở còn có phiến đá nữa, nóng hơn bình thường, dường như được người ta nung lên vậy. Sau thời gian ngủ trên đá lạnh, tôi được chỉ cho ngủ trên tảng đá nóng. Lúc đầu nóng quá không ngủ được nhưng mãi rồi quen. Nhờ vậy quen dần với nóng với lạnh. Thời gian trong ngôi chùa hang trôi đi chậm chạp, không có việc gì phải gấp gáp. Học không thuộc thì học lại, học nữa, chỉ khi nào thật thuộc thật nhuyễn mới thôi. Khi thấy tôi đã học đủ có thể lên đường được rồi, vị sãi cả cho người đưa tôi đi bộ trở lại con đường mấy tháng trước, đến bịnh viện gần nhất. Ở đấy tôi nằm lại một tuần cho người ta cắt ruột dư. Trong những ngày đó, tôi càng nhận ra người ta chuẩn bị cho người đi tu Phật thật chu đáo. Cắt ruột dư xong, tôi trở về chùa. Ngày lên đường, vị sãi cả đưa cho một ít thuốc, một ít trái cây làm thức ăn rồi tất cả cùng quỳ xuống đọc kinh tiễn tôi lên đường. Trước khi đi, tôi được dặn kỹ đường đi cách sao cho khỏi lạc và cần phải làm gì khi đến nơi tiếp.

Ba người đi tu Phật bọn tôi ra khỏi chùa, quay lại xá mọi người rồi chân trần bước trên sỏi đá. Mỗi người là một thế giới riêng câm lặng nên chỉ mấy ngày sau mỗi người một ngả. Sau này tôi không bao giờ gặp lại những bạn tu đó nữa. Tôi đi theo những con đường mòn ngoằn ngoèo khi lên đèo khi băng suối trong ánh sáng u u minh minh ban ngày và mịt mùng tối trong đêm. Không hề có bóng người nhưng lâu lâu lại bắt gặp cái am nhỏ, có nhang đèn có trái cây cúng. Của ai ? Tôi tự hỏi rồi đoán chừng, phải chăng có người của nhà Phật vẫn theo dõi và giúp mình trong những ngày đầu tiên? Nghĩ thế, tôi yên tâm, thắp nhang, khấn vái rồi ăn một mớ, còn lại cho hết vô bọc mang theo. Quả thật, nếu không có những trái cây đó, không biết tôi có qua được không ? Mình to con, làm khoẻ nhưng cũng mau đói nên lúc đầu ăn lá cây chịu sao thấu, nhiều khi đói muốn ngất xỉu, mắt đổ hào quang. Những trái cây ngon lành từ các am đó trợ sức nhiều lắm. Buổi đầu tập ăn lá cây cũng cả là một chuyện khổ ải. Ðói khát thì phải ăn nhưng ăn rồi bụng đau cồn cào, ói ra mật xanh mật vàng. Nhưng không ăn thì chịu chết sao? Những bận gặp tổ ong thì mừng thiệt lớn. Ăn một mớ rồi lấy mật, lấy sáp mang theo. Tôi cũng chú ý kiếm củ sâm rừng, mang theo ăn dần.

- Vậy trong rừng không khi nào ba gặp tổ chim rồi sóc hay thỏ sao? Ba có bắt nó ăn thịt không ?

- Thằng nầy hỏi coi bộ gắt ta ! Ăn chớ sao không ? Biết là giới răn cấm sát sanh nhưng đói quá chịu sao thấu. Một lần gặp tổ chim gì đó trong bộng cây, tôi mò tay vô thấy bốn cái trứng bằng trứng gà con so. Mút vô, thấy tỉnh táo hẳn. Có bận gặp con nhái bên bờ suối, mình bắt, lột da rồi ăn sống từ từ từng chút một, vừa ăn vừa coi chừng xem bụng dạ có sao không. Cũng nghĩ là mình làm bậy, phạm điều răn. Nhưng lại nghĩ, mình mới đi tu mà, đã thành Phật được đâu, cũng phải từ từ. Càng đi lâu càng quen với trái với lá cây rừng không còn bị cái đói hành hạ nữa, lúc đó tôi thấy tổ chim, hay sanh vật ngay trước mắt cũng dửng dưng không còn thèm khát ! Tôi tự hỏi : phải chăng như thế mình đã thành Phật ? Từ đó tôi không còn bao giờ sát sanh nữa.

Sống lâu trong rừng tức là sống trong đêm và hoàng hôn, mắt người thường sẽ nhìn kém đi nhưng tôi nhờ tập nhìn mặt trời nên mắt vẫn tinh, có thể nhìn khá xa trong bóng tối. Tuy vậy nhưng mắt không ngon bằng tai. Trong rừng tai thành giác quan chủ yếu. Nhờ nghe tiếng rừng, mình biết nơi có thác nước là có vực sâu, phải thận trọng tránh xa, nếu không sa xuống vực thì bỏ mạng. Nhưng cái chính là nhờ tai mà kiếm được thức ăn. Trong rừng chủ yếu ăn trái cây mà chim rừng là loại thày dạy kiếm trái cây thần sầu. Do theo dõi hoạt động của chim, mình biết, nếu có con nào phát hiện ra trái chín, chúng gọi nhau, báo cho nhau nên lũ chim lần lượt bay về một hướng, vừa bay vừa kêu. Mình đi theo hướng đó. Khi thấy bầy chim vừa ăn vừa hót huyên náo là đã đến gần cây có trái chín. Lúc đó chỉ còn việc leo cây hái trái, còn nếu cây cao quá thì mót lại những trái mà bầy chim làm rớt, nhưng thường thì tôi ráng leo cây vì gặp những bữa liên hoan như vậy chẳng dễ dàng gì. Những trái cây chim ăn vừa ngon ngọt lại không độc.

Ði mãi lâu, chừng khoảng nửa năm, mới tới cảnh chùa thứ hai. Mầy có biết tao mừng cỡ sao không ? Mừng vì nhìn thấy con người, mừng vì được nghe tiếng người. Khi đi trong rừng, tôi chỉ lầm rầm đọc kinh, nói một mình, nghe cũng một mình. Giờ được nghe tiếng người, tôi hiểu mình không cô độc. Ðâu đâu trong rừng tối mênh mông vẫn có đồng loại đồng đạo của mình. Thấy người thấy cảnh chùa là vui nhưng cũng không phải là chuyện nghỉ ngơi. Lại học những bài kinh mới do vị sãi cả truyền cho, lại ngồi thiền, lại tập Yôga. Các vị hoà thượng dạy thêm cho những môn thuốc quý cùng những biện pháp chống thú dữ, rắn độc. Những gì học được khi ở ngôi chùa đầu tiên cộng với kinh nghiệm trên đường đi, lại được nâng lên một chút. Khi kiểm tra những bài kinh đã dạy, thấy tôi thuộc rồi, vị sãi cả hướng dẫn đường đi đến ngôi chùa tiếp. Sau đó cho tôi ít thuốc cùng trái cây, họ cầu kinh chúc phước tiễn lên đường.

- Vậy có khi nào ba gặp thú dữ không ba, nghe nói rừng Ấn Ðộ dễ sợ lắm mà ba ?

- Dễ sợ là với cái khác, còn thú dữ tôi không gặp gấu, chỉ một lần gặp cọp. Bữa ấy tôi đang đi thì thấy bầy khỉ nháo nhác chuyền cành chạy trối chết. Tôi đoán chừng có cọp nên chuẩn bị đề phòng. Lát sau thì mùi hôi xốc lên và con cọp lớn bước tới. Trước khi vô rừng, tôi được dạy, nếu gặp thú dữ thì ngồi xuống tụng kinh, Phật sẽ độ. Tôi nghĩ ngồi tụng kinh hổng chắc ăn nên vội ngồi thụp xuống, lấy cái cây vẫn mang bên mình chõi ngược lên. Chúa sơn lâm dừng lại nhìn trừng mình, mình nhìn lại. Hai bên đang đấu trí nhau như vậy, mình lấy hết hơi sức bất ngờ thét lớn, vang như tiếng sấm. Cọp giật mình dông tuốt vô rừng.

- Ði trong rừng hoài vậy, ba có nhớ nhà không ?

- Thằng nầy hỏi kỳ, nhớ chớ sao không ? Nhớ ba má ở Mốp Giăng, nhớ vợ con không biết sống ra sao. Từ ngày ra đi nào có tin tức gì đâu. Tôi cũng nhớ ông bà Ibrahim và Mary. Thương Mary muốn thắt ruột. Tôi không trách nàng. Lúc đầu nàng không thương mình cũng có lý của nàng bởi mình có ra gì đâu. Khi hiểu và thương tôi thì nàng thương hết lòng. Nhưng tới lúc đó mọi thứ đã rồi, không thể hồi được nữa. Càng thương họ, tôi càng muốn sống để về gặp lại. Mà tôi mang máng tin là sắp có con với Mary.

Công việc của tôi trong rừng chỉ là đi. Muốn mau tới đích, tôi tận dụng mọi thời gian, lần hồi rồi đi được ngay cả khi ngủ, việc kiếm thức ăn cũng ít mất thời gian hơn vì nhu cầu của cơ thể giảm đi, mà cũng làm quen với lá rừng, củ rừng nên không phải tìm kiếm mất công như trước nữa. Khi bị bịnh, tôi tự chữa bằng những vị thuốc mang theo hoặc ngắt những lá cây chung quanh. Có bận tôi bị hòn đá chuồi lăn trúng bàn chân trái, đau quá, ngất đi. Ðêm xuống tỉnh lại thấy bàn chân còn bị đá đè, tôi lấy cái cây luôn mang theo bên mình bẩy hòn đá rút chân ra rồi lấy thuốc trong bọc bôi, lấy lá rừng bọc lại. Hai bữa sau chân khỏi, lại đi tiếp.

Ðến một cảnh chùa khác, tôi lại được học kinh, ngồi thiền. Nhưng ở đây nhung nhúc những rắn nên mọi người phải học cách sống chung với rắn. Họ dạy tôi cách dùng một loại lá rừng thoa khắp cơ thể, lúc đó rắn không cắn nữa. Lúc đầu cũng hoảng nhưng rồi thấy ai sao mình vậy, quen dần. Có bữa ngủ dậy thấy chú hổ mang cuộn tròn ngủ ngon lành trong áo cà sa. Thấy động, chú ác xà dương cái đầu ba cạnh bành mang nhìn rồi lặng lẽ bò đi.

Cứ thế, tôi đi qua nhiều cảnh chùa. Có ngôi chùa làm trong hang núi. Tận dụng cái hang, người ta đục đá làm thành bệ thờ, tu sửa những ngách hang thành tăng phòng. Kỳ công hơn là những ngôi chùa do con người tự tạo. Ở đây ngoài xã hội loài người, con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, hầu như không có chút gì của thế giới văn minh. Chỉ bằng bàn tay, họ xếp đá thành những bức tường, lấy cây làm cột, làm mái che mưa chắn gió. Các tăng sĩ sống lặng lẽ nhưng tự giác. Họ là những con người của thế giới thoát trần với những khuôn mặt ưu nhã, những vầng trán thanh cao không chút vẩn đục vì dục vọng. Trong số họ có những người cũng đi tu Phật như mình nhưng không thể đi tiếp mà ở lại đây. Họ không ghen tỵ mà hết sức giúp những người đi xa hơn họ. Có những người vì muốn được ghi nhớ, muốn được người sau thờ nên kỳ công khoét núi làm thành cái am nhỏ rồi cũng lập ban thờ, nhang đèn thờ Phật. Khi người đó viên tịch, đồng đạo đem thiêu rồi đặt xá lỵ trong am. Những người đến sau thừa hưởng cái am nên thờ họ. Cùng nén nhang cúng Phật có nén nhang thắp cho vị bồ tát quá cố. Nhìn những cảnh ấy, nghe những câu chuyện ấy, tôi thật cảm động, thấy kính trọng họ. Không biết việc tu hành của họ có thành chánh quả không nhưng họ là những con người đáng trọng.

- Ðường xa như vậy, gian nan vậy, có khi nào ba muốn bỏ về ngang xương không ba ?

- Làm sao bỏ ? Có ai bắt mình đi tu đâu, tình nguyện cơ mà. Dù cực chẳng đã mới đi nhưng mình hiểu, nếu không thành Phật thì ít nhất cũng là đền được ơn ông bà Ibrahim và cả Mary nữa. Tôi không có đường trở về. Tôi không sợ chết vì biết rằng người đi tu Phật mà bỏ trốn sẽ bị phỉ nhổ thậm chí bị giết chết vì bị cho là ma quỷ, thần phật không cho phép đi tu nên đuổi về. Cái chính là nếu bỏ trốn sẽ không còn mặt mũi nào nhìn mọi người nữa. Chính việc không có đường lui càng khiến tôi thêm nghị lực đi đến cùng để được trở về với người thân. Nói thực lúc đó tôi chả biết là Phật rồi thì sẽ làm gì mà chỉ nghĩ đi cho tới nơi để được trở về với mọi người.

Suốt những năm đi trong rừng, quá nhiều hiểm nguy nhưng có lẽ thử thách gay go nhất với tôi là hai lần vượt sông. Mùa mưa, con sông cuồn cuộn chảy như thác, nước lao ầm ầm. Sông rộng chỉ khoảng nửa cây số nhưng việc vượt qua là quá sức người. Hàng tuần dừng lại bên bờ sông, vừa ngồi thiền vừa suy tính. Tôi thử cho cành cây xuống nước, dòng nước hung dữ cuốn mất tăm. Tôi thử đẩy cả một cây lớn xuống. Cây cũng bị cuốn đi nhưng trôi chậm hơn, ngụp lặn trong xoáy nước. Mừng thầm, tôi nghĩ là có cách rồi. Tôi lấy dây rừng kết lại thành một cái dây thiệt dài. Cột một đầu dây vô gốc cây trên bờ, mình ngồi lên cái cây lớn làm bè, chất đống dây lên đó rồi thả từ từ. Nước dữ quá, cuốn cây đi băng băng tưởng chết. Ðành bỏ cây, bám vô dây lội vào bờ. Lần sau tìm cái cây lớn hơn, tôi lên cây, rị dây cho cây từ từ trôi qua phần sông bên kia. Thả riết cho tới khi cây cách bờ bên không bao xa. Nhưng nước vẫn xiết nên phải ngồi rình cả buổi tới một giây phút dòng nước có vẻ bớt hung hãn hơn, tôi nhảy đại xuống nước lội sang bờ bên. Lần sau có kinh nghiệm, tôi vượt sông nhanh hơn nhưng cũng thuộc về may mắn. Biết bao bất trắc có thể xảy ra : dây đứt hoặc bất thần có một cái cây lớn trôi ngang qua, cuốn luôn mình đi. Cũng thiệt phiêu lưu khi nhảy xuống nước, biết đâu lúc đang lội, dòng nước tưởng là yên ổn bỗng nổi hứng bất tử chảy mạnh nhấn chìm mình luôn...

- Tôi đi riết trong rừng không biết bao nhiêu năm nữa, có chừng ngót cả chục năm thì đến cảnh chùa thứ chín. Cũng như ở các chùa trước, vị sãi cả cùng chư tăng đón mình không vồ vập nhưng chân tình. Còn mình thì mừng hết lớn vì biết không lạc đường, lại được gặp người, được nói tiếng người. Vị sãi cả dạy những bài kinh mới. Khi nghe tôi đọc lại, biết rằng tôi đã thuộc, vị đó bảo có thể lên đường đến cảnh chùa cuối cùng là Tây Phương. Vị đó nói, đường tới chùa sẽ gặp thử thách lớn nhất là phải đi qua cây cầu độc mộc bắc ngang một khe núi nước chảy xiết. Khi đi ngang qua không được mở mắt. Một buổi chiều, các vị bồ tát trong chùa tụng kinh chúc phước cho tôi, sau đó tôi lại tiếp bước vô rừng.

Ði miết, tôi thấy trời ngày một lạnh thêm, khí trời hình như cũng loãng hơn, phải thở nhiều hơn. Lúc này, bàn chân đã dạn dày, không còn ngán sỏi đá gai góc, cái bao tử cũng teo lại, hầu như không thấy đói nữa, một ngày chỉ ăn mấy trái cây, thậm chí nhấm mấy hạt mè cũng xong. Nhìn phương hướng, tôi biết mình đang đi lên phía Bắc. Gặp một khe núi sâu, nước chảy sôi sục, tôi men theo khe đi ngược dòng nước chảy để tìm lối sang bờ bên kia. Ði mãi thì đúng như vị sãi cả ở ngôi chùa thứ chín nói, gặp một cái cây đổ vắt ngang khe, làm thành cây cầu độc mộc dài hun hút mà phía dưới nước chảy cuồn cuộn sôi sục gầm réo như thác đổ. Làm cách nào để qua cầu ? Tôi tự hỏi trong khi ngồi thiền vừa lần tràng hạt vừa tụng niệm. Tôi phân vân, tại sao vị sãi lại nói qua cầu không được mở mắt ? Cố nhiên vị bồ tát không nói dỡn, lại càng không lừa mình. Nhưng nhắm mắt làm sao qua cầu ? Tuy ngủ trong khi đi đường đã quen nhưng đó là trên đất. Làm sao có thể nhắm mắt khi qua cây cầu như vầy ? Suy nghĩ mãi, rồi nhìn dòng nước tôi chợt hiểu, vị sãi cả nói đúng : mở mắt nhìn dòng nước sẽ bị chóng mặt rớt xuống liền ! Hiểu ra vậy, tôi nghĩ : mở mắt nhìn dòng nước sẽ bị chóng mặt té. Nhưng nhắm mắt thì còn dễ té hơn vì làm sao mà bước đi ? Như vậy phải mở mắt mà không nhìn dòng nước và giữ sao cho không bị chóng mặt. Nghĩ vậy, tôi bước lên gốc cây trên bờ vực, giữ nhịp tim đập chậm, đồng thời he hé mắt nhìn thẳng phía trước, tai quên tiếng nước gầm, tìm những chỗ sẽ đặt chân mà không nhìn xuống vực. Và tôi lần từng bước qua cầu. Sang tới bờ bên, tôi quỵ xuống, người xỉu đi.

Qua cầu, đi không bao lâu nữa theo hướng vị sãi cả ngôi chùa thứ chín kể thì tới chùa Tây Phương, ngôi chùa lớn nhất trong tất cả những cảnh chùa tôi đã đi qua. Chùa cũng khá đông người. Vị sãi cả vẻ người phương phi quắc thước rất già nhưng không biết là bao nhiêu tuổi, dường như biết trước là tôi sẽ đến nên đã chuẩn bị những thứ cần thiết. Khi tôi bước tới, một người dẫn tôi đi tắm bằng nước thơm, thay bộ cà sa mới vì áo của tôi đã rách bươm. Sau đó tôi lại tiếp tục ngồi thiền học kinh, học theo những câu kinh vị sãi cả truyền dạy. Ðến khi tôi đọc lại cho ông toàn bộ bản kinh ông đã dạy thì sãi cả nói : Học vậy là đủ, không còn kinh để dạy nữa. Cần ôn lại những kinh đã học trong những ngày qua. Tôi lại ngồi thiền, tự mình nhẩm đọc lại toàn bộ những bài kinh học được từ ngày vô chùa, mấy tháng trời cần mẫn ngày nào cũng như ngày nào. Một bữa tôi đang đọc như mọi ngày thì vị sãi cả đến nói: đã đắc đạo trở thành Phật rồi, không đọc nữa mà trở về giúp ích cho đời.

11 nhận xét:

  1. Đây là Phật kể chuyện với con nuôi chứ không phải trich từ sách Phật sống Lưu công Danh của nữ nhà báo...??

    Trả lờiXóa
  2. Có một chi tiết từ bài trước về chữ nghĩa, đó là từ "Chà Và", người miền Nam đọc là "Chà Dà", hồi xưa ở Saigon lúc tôi còn nhỏ thường gọi mấy người có nước da đen đen khuôn mặt có nét Châu Âu là như thế, và coi họ là người Ấn Độ, những người này xưa thường làm nghề cho vay lãi, kinh doanh địa ốc, có tiệm bán vải, tiêm ăn chuyên món Cà ri cay xé lưỡi, giới bình dân của họ hay nuôi dê và giao sữa dê... lại có những ông Chà Và về già làm "Gác dan" (một kiểu như bảo vệ) tại các chung cư có người ngoại quốc ở trung tâm Saigon, hay mấy khách sạn lớn. Họ không chỉ là người Ấn, mà cả người Pakistan hay Thổ Nhĩ Kỳ...
    Còn từ Chà Và (Chà Dà) thì lại không liên quan gì đến người Ấn Độ hoạc Pakistan, mà là âm tiếng Việt của chữ Java, một hòn đảo lớn của Indonesia... Riêng những người có nước da đen mà có khuôn mặt Châu Á, miền Nam xưa gộp chung gọi là người Thổ, thường để chỉ người Miên, nhưng thực ra họ cũng gồm nhiều sắc dân, Miên, Nam Dương, Mã lai... trong đó người Miên chiếm số đông.

    Trả lờiXóa
  3. Nhưng trước giải phóng, người mình vẫn dùng chữ người Chà Và để chỉ người Ấn độ đó anh H ơi!

    Trả lờiXóa
  4. Hihi, thì tôi có nói là như thế mà, nhưng chỉ nói thêm là thực ra những người được gọi là Chà Và không phải là chỉ có người Ấn Độ, mà có cả người Pakistan, người Thổ Nhĩ Kỳ (số ít hơn người Ấn), những người này đều được gọi chung là Chà Và.

    Trả lờiXóa
  5. Từ Chà Và là âm tiếng Việt của của đảo Java, như chị M. cũng biết nó là hòn đảo của Indonesia, đảo Indo về địa lý thì hẳn là không liên quan đến người Ấn rồi. Trong một cuốn sách viết về miền Nam (tôi không nhớ sách nào) học giả Vương Hồng Sển có giải thích như thế, đây là một cái lầm lẫn trong tên gọi.

    Trả lờiXóa
  6. Đây là chép từ cuốn "Di ngôn phật sống LCD" của Hà Văn thùy đấy bác Bu ạ.
    Chiều nay, nắng như đổ lửa, em đã lặn lội lên khu chợ sách Đinh Lễ tìm mau mấy cuốn về cụ LCD, định bụng gửi biếu các bác "khế hữu" ở trỏng, nhưng rất tiếc là không có, hay trước hết là chưa tìm ra ạ.
    Nếu các bác hứng thú thì em sẽ mò trên mạng, copy về cả nhà đọc chơi.

    Ở HN xưa, phố Hàng Ngang, Hàng Đào cũng có những tiệm vải lớn của người Ấn như vậy các bác ạ.

    Trả lờiXóa
  7. Đọc thì thích mỗi tội hơi dài cho mỗi entry blog anh à :)

    Trả lờiXóa
  8. Char: Vi kho kiem nen anh copy ve, ai quan tam thi doc...

    Trả lờiXóa
  9. Đọc là vì quan tâm nhưng khi trên máy thì hơi mệt cho kẻ phải đeo kính như em nên mới la dài đó ạ . Người khác thì ok mà

    Trả lờiXóa
  10. Đến hét đời MTV cũng ko thể qua được thử thách nhẹ nhất như đẫ được Phật kể ở đây. Bái phục!

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter