Thứ Hai, 11 tháng 2, 2008

Đầu năm suy ngẫm về "kẻ sĩ"

GS Tương Lai vừa có bài viết rất hay về "kẻ sỹ" và người trí thức. Ông viết:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, đừng bảo xuân tàn, hoa cũng rụng hết. Đêm hôm qua, trước sân rộ nở một cành mai! Liệu việc tìm cảm hứng từ tứ thơ của Mãn Giác Thiền sư mười thế kỷ trước đây để dẫn nhịp cho bài báo Tết mở đầu năm Đinh Hợi có đem lại hanh thông sau một năm nhìn lại?

Năm Đinh Hợi đi qua để lại những âm vang của thành tựu, của khởi sắc, đồng thời cũng để lại những dư vị đắng cay. Nhưng cho dù còn có những dư vị đó, thì nét chủ đạo vẫn là sức cuộn chảy bất tận của sự sống không gì cản được.
Sự sống của con người, sự sống của tự nhiên. Xuân tàn, hoa rụng không có nghĩa sự sống dừng lại. Hoa tàn để nụ nẩy mầm rồi hoa lại nở, con người vẫn đi tới. Trong sự sống Việt Nam, trong triết lý Việt Nam “người ta là hoa của đất”. Người là vốn quý nhất, “một mặt người, hơn mười mặt của”. Vì thế, vẫn trong cảm hứng “nhất chi mai” ấy, bài báo Tết năm Mậu Tí này xin vẫn bàn về chuyện con người, tập trung vào chủ đề hiền tài, về “nguyên khí quốc gia” như ông cha ta từng trân trọng, để thử suy ngẫm về kẻ sĩ, về người trí thức xưa và nay.
Trong “Bình Ngô Đại Cáo”, Nguyễn Trãi giải thích nguyên nhân dẫn đến thắng lợi cuộc kháng chiến mười năm chống xâm lược ở thế kỷ XV là do Lê Lợi đã biết “cỗ xe cầu hiền, thường chăm chăm còn dành phía tả”?
Dành phía tả” là lấy tích của chuyện Tín Lăng Quân nước Nguỵ nghe tiếng Hầu Doanh là hiền sĩ, bèn đem xe đến cầu, mình ngồi phía hữu, để trống phía tả, biểu tỏ sự trọng thị người hiền, mời ngồi trên.“Dành phía tả” diễn đạt theo ngôn ngữ hiện đại, phải chăng là chiến lược con người của ông cha ta, đặt “hiền sĩ trong thiên hạ”, ngày nay gọi là người trí thức, ở vị trí xứng đáng nhất.
Nhưng “hiền sĩ trong thiên hạ” của đời nay là những ai đây? Là giáo sư, tiến sĩ ư? Thì hẵng! Đương nhiên phải là của thật, tránh đồ rởm. Nhưng rồi có còn ai nữa không? Đấy là chưa nói đến chuyện có bằng cấp này nọ đã hẳn là trí thức chưa, cũng như người xưa gọi những ai là kẻ sĩ, cũng phải thật tường minh. Chuyện này quả thật không dễ.
Cao Bá Quát, con người “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (suốt cuộc đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai mà thôi), đã từng chia kẻ sĩ, nay ta gọi là trí thức, thành ba loại, ứng với ba loài chim. Loại thứ nhất là hồng hộc bay giữa trời xanh. Loại thứ hai là hạc đen ẩn bên sườn núi. Loại thứ ba là hoàng yến luẩn quẩn ở chốn lâu đài của kẻ quyền quý. Con người “những muốn vin mây mà lên cao mãi” như Cao Bá Quát tất nhiên muốn được là loại chim gì, và khinh loại chim gì rồi. Đấy là chỉ lẩy ra từ một bài thơ làm khi uống ruợu ở nhà bạn, trong những bài thơ khác của ông, còn bao hình ảnh những kiểu loại chim khác nữa. Khi thì là cánh cò trắng giữa sông hồ trong cảnh sắc mùa xuân: “Xuân tĩnh giang hồ nhất bạch âu”. Có khi đó là “con hạc ốm kêu ở đền cổ”. Có khi chua chát, thảm hại như con sáo “chỉ vì có thể nói được tiếng người, để đến nỗi cụt mất đầu lưỡi”.
Chao ôi, chỉ để nói được tiếng người, đúng hơn, nhại được vài âm thanh vô hồn theo đúng tiếng người để rồi bị giam trong lồng và rồi không bao giờ còn véo von được tiếng của chính mình nữa, cái thân phận con sáo nói được tiếng người sao mà khốn khổ làm vậy. Giá mà con sáo cũng biết suy nghĩ như con người thì liệu nó có cam chịu phận cụt mất đầu lưỡi như vậy không? Ấy thế nhưng, vào thời ông, lắm kẻ sĩ tuy không bị cụt đầu lưỡi nhưng nào có nói được chính tiếng của mình đâu, họ “...phải nói khẽ, sợ nói to trái ý trời, trời ghét”! Đâu phải là ý trời mà là ý người đấy thôi, người có quyền! Đâu phải là trời ghét mà là người ấy ghét đấy. Mà ghét, là vì lời của kẻ sĩ không thuận tai. “Trung ngôn nghịch nhĩ”, đó là một khái quát xuyên thời gian! Kẻ sĩ, người trí thức mà không nói được tiếng nói của chính mình, không nghĩ được điều mình cần nghĩ và muốn nghĩ, thì suy cho cùng, nào có khác gì con sáo bị cụt mất đầu lưỡi đâu?
Ấy vậy mà làm con “hồng hộc” bay giữa trời xanh thật quả là khó lắm lắm. Còn chọn được cách thế của con “hạc đen” ẩn bên sườn núi đâu có dễ? Vả chăng, cho dù không khẳng định rằng “lập thân tối hạ thị văn chương” như cụ Phan Bội Châu từng chua chát nhắc đến thì “trì thân vị tất độc thư đa” (lập thân chưa hẳn do đọc nhiều sách) mà Nguyễn Trãi đã sâu sắc nêu lên. Tuy nhiên, điều mà người đứng số một trong đội hình trí thức của dân tộc, là “kẻ sĩ” xứng đáng là “danh nhân văn hoá thế giới của Việt Nam”, Nguyễn Trãi đã chiêm nghiệm và đúc kết lại là: “cổ lai thức tự đa ưu hoạn”, xưa nay người biết chữ thường lắm lo âu, hoạn nạn.
Sự khái quát đó đương nhiên là nói về “người biết chữ” có nhân cách! Chứ loại “biết chữ” do mua được bằng nhờ “cái giá khoa danh ấy mới hời” mà Nguyễn Khuyến đã dè bỉu thì chẳng hề “đa ưu hoạn” chút nào! Cũng không hề có chuyện phải ưu hoạn đối với những người cốt kiếm dăm ba chữ chỉ để vênh váo với đời như nhà thơ tài hoa ấy từng tạc vào câu đối “giàu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm” vì đã có mấy dòng sang trọng ghi vào “cạc vi dít”. Thảm thương hơn, người ta không chỉ “vểnh râu tôm” vì cái chức danh rởm ghi trong danh thiếp, lâu dần “lộng giả thành chân”, lại cứ tưởng của giả là của thật, cứ thế bò dần lên trên các bậc thang danh vọng “trăm năm mặc kệ tiếng chê khen” của những ông “tiến sĩ giấy” mà nhà thơ ấy đã đóng đinh trên đài dư luận.
Phải có cốt cách như Chu Văn An thì mới có được sự “đa ưu hoạn” mà Nguyễn Trãi nói đến. Tất cả tư tưởng và thơ văn của nhà trí thức lớn này còn giữ lại được chỉ vỏn vẹn có mười hai bài thơ. Thời kỳ ông đi ở ẩn, mở trường dạy học dài hơn rất nhiều thời ông tại triều. Ấy vậy mà hơn sáu trăm năm qua, tên tuổi và nhân cách của ông khó bậc “hiền sĩ” nào sánh kịp. Giới trí giả đương thời cho rằng: “Huân Hoa chỉ thị thuỳ thường trị, Tranh đắc Sào Do tác nội thần” (được ông, Nghiêu Thuấn buông rèm trị nước, còn hơn được Sào Phủ, Hứa Do làm cận thần). Nỗi “ưu hoạn”của ông thể hiện khá tiêu biểu trong "thất trảm sớ”, “Lôi đình bất toả cô trung phẫn, Quỷ mỵ do kinh thất trảm chương”, Cô trung sấm sét không chồn chí, Thất trảm yêu ma phải rợn lòng” như Cao Bá Quát đã viết về ông.
Bụi thời gian đã phủ mờ bao trang sử sách, ấy vậy mà, tên tuổi của nhà trí thức Chu Văn An, một kẻ sĩ của đầu thế kỷ XIV vẫn ngời ngời sáng chói: “Hạo khí dĩ bằng thiên địa bạch, Cao phong do đối thuỷ sơn trường”, Trời đất soi chung vầng hào khí, Nước non còn mãi nếp cao phong. Và rồi, cũng theo cách ứng xử quen thuộc của bậc chân nho “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng”, sau bài sớ đòi chém bảy tên gian thần, Chu Văn An từ quan về ở ẩn ở núi Chí Linh, nêu một tấm gương cho hậu thế: “Thanh tu khổ tiết cao thiên cổ, Sĩ vọng nham nham ngưỡng Thái San”, Khí tiết thanh cao nêu thiên cổ, Sĩ phu ngưỡng vọng tựa Thái San. Không phải ngẫu nhiên mà trong “Kiến văn tiểu lục”, Lê Quý Đôn đánh giá Chu Văn An “đấy là bậc thanh cao nhất”.
Nhưng cũng chính Lê Quý Đôn vẫn thường trực với mối băn khoăn: “Nếu tài sức chưa làm nổi thì cũng thành một người biết bồi bổ nguyên khí cho nước. Còn nếu dùng chút ít hiểu biết riêng của mình thì dù bằng hình danh pháp thuật có thỏa mãn được một thời, nhưng rồi sẽ để độc hại đến đời sau”. Cùng thời với nhà bác học thế kỷ XVIII ấy, Ngô Thì Sĩ cũng từng lo âu về sự đào luyện nhân tài: “Văn thể ngày một kém, nhân tài ngày một mòn mỏi. Nếu không một phen chấn chỉnh, thay đổi hẳn nếp cũ, e rằng trong vài chục năm nữa, sẽ rơi vào con đường ti tiện không còn văn chương nữa”. Cái “độc hại đến đời sau” mà nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII nói đến. “Con đường ti tiện không còn văn chương nữa” mà danh sĩ thế kỷ ấy lo âu, cũng là mối lo âu của chúng ta hôm nay về những cái “ti tiện không còn văn chương” của lối nhồi sọ, áp đặt tư tưởng nhằm cổ vũ cho sự vâng chịu không dám tranh luận để làm rõ đúng sai, chỉ khuyến khích đi theo một lối mòn, người đi sau giẫm lên dấu chân của người đi trước, không bứt phá, không sáng tạo.
Xem thế đủ hiểu, làm được người trí thức đúng nghĩa, kẻ sĩ đích thực như ông cha ta quan niệm, thật là khó. Nhưng cũng vì thế, “đó là của quý không gì thay thế đựơc của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá” như Phạm Văn Đồng khẳng định. Vậy thì hiện nay chúng ta đang “có nó” hay đang “thiếu nó”? Câu hỏi ấy không dễ trả lời nếu không thật sự tường minh trong sự nhận thức về nhân tài, về kẻ sĩ trong thời đại mới, những trí thức chân chính.
Xin chỉ dẫn ra một gương mặt trí thức, cụ Nguyễn Văn Tố, mà khi ông hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rơi lệ viết rằng: “Than ôi! Sương bay nghi ngút, sao Đẩu ám mờ. Mây phủ mê man, Thái sơn ngừng biếc. Nhớ cụ xưa. Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu. Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết. Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng. Phú quý, công danh, cụ nào có thiết. Đến ngày dân tộc giải phóng thành công, thì cụ sẵn sàng ra tay giúp việc. Giữ chức bộ trưởng thì cụ ngày càng gần gũi nhân dân. Đại biểu Quốc hội thì cụ luôn luôn tính bàn kiến thiết... Cụ dù hy sinh, tinh thần ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt. Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ, thế giới mất một người danh nho...”. Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố chỉ đậu bằng thành chung, nhưng Cụ đích thực là một đại trí thức, một “kẻ sĩ” chân chính của thời hiện đại.
Và rồi, hình ảnh người trí thức chân chính càng làm nổi bất sự thảm hại diện mạo của một người mạo danh trí thức đang làm xôn xao dư luận hôm nay. Vì chỉ để hoàn thiện hồ sơ xin phong tặng chức danh giáo sư mà một vị chức sắc nọ, đã từng leo dần lên những cái ghế lãnh đạo cấp thứ trưởng để hôm nay trở thành người đứng đầu một học viện đào tạo công chức cao cấp của nhà nước, đã phạm tội “đạo văn”, biến công trình tập thể thành sách nghiên cứu cá nhân”. Chao ôi, giả thử chuyện này mà ỉm đi được, vị quan chức kia vẫn đường đường dẫn dắt sự nghiệp đào tạo những viên chức cao cấp để rồi đây sẽ ngồi vào những cái ghế quan trọng trong bộ máy “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” ở trung ương và ở địa phương, thì không hiểu sự việc sẽ được dẫn dắt về đâu đây?.
Cứ nhớ lại lời bình của học giả Phan Khôi cách đây ba phần tư thế kỷ, mà thấy thật thấm thía một nỗi đau: “Dường như con ma Việt nào cũng sợ nhất lá bùa, còn người Việt đang sống nào cũng bái phục nhất trước những tấm bằng”! Thật ra, trước đó khá lâu, cụ Tam nguyên Yên Đổ đã từng chỉ rõ “mảnh giấy làm nên thân giáp bảng” và lột trần chân tướng vị “tiến sĩ giấy” của mọi thời kỳ “ngỡ rằng đồ thật hóa đồ chơi”.
Trước đó hai trăm năm, đầu thế kỷ XVIII, Vũ Khâm Lâm đã nghiêm khắc cảnh báo: “năm sáu mươi năm gần đây, kẻ trên thì dạy nó, kẻ dưới thì học nó, đua nhau theo đòi cái ngọn của từ chương... nhưng tìm xem có điều gì quan hệ tới quốc kế dân sinh thì tuyệt nhiên vắng bóng. Lề thói thì ưa chuộng sự là lướt, theo đó sẽ dân dần đi tới sự mất nước, mà kẻ sĩ chuộng nghĩa tử tiết cũng chẳng thấy bao nhiêu”.
May thay, như mong muốn của Nguyễn Hành đầu thế kỷ XIX, một trong “năm người tài giỏi” thời bấy giờ: “mơ tưởng về người xưa, sao bằng mắt thấy tai nghe về đời này”, và “đời này” đã có những trí thức mà tên tuổi và sự nghiệp của họ đã ghi những dấu ấn đậm nét trong tâm tưởng của nhân dân, những Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Trần Đức Thảo, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ, Đào Duy Anh... và biết bao tên tuổi khác nữa.
Trong họ, có những người được phong anh hùng, song cũng có những người bằng sự nghiệp thầm lặng và nhân cách cao đẹp đã làm xúc động trái tim nhân hậu và ngưỡng mộ nhân tài của các tầng lớáp nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp của họ, nói như tâm sự của một nhà ngôn ngữ và dịch thuật nổi tiếng vừa qua đời “mỗi người trong chúng ta phải có đủ nhiệt huyết để dám tự thiêu hủy trong đấu tranh thì Chân mới thắng được Ngụy, Thiện mới thắng được Ác”. Đây là cách giải thích của nhà trí thức ấy khi đề nghị phải hiểu đúng để dịch đúng lời thơ của Nazim Hikmet: “Nếu tôi không cháy lên, Nếu anh không cháy lên, Thì làm sao, Bóng tối, Có thể trở thành, Ánh sáng”.
Cuộc đời cần biết bao ngọn lửa cháy sáng ấy, ngọn lửa của trí tuệ, ngọn lửa của lý tưởng và của nhân cách. Và chúng ta tin rằng, trong sâu thẳm tâm hồn Việt Nam vẫn hằng ấp ủ ngọn lửa đó. Nếu biết nhen nhóm và làm bừng nở cháy sáng lên, sẽ là động lực lớn lao của sự nghiệp phát triển và hội nhập hôm nay.
Vì, dân tộc ta vốn có cái “gốc lửa” đó như thiền sư Khuông Việt thế kỷ XI đã từng thâm thúy gợi ra: “Trong cây vốn có lửa. Sẵn lửa, lửa mới sinh ra. Nếu cây không có lửa. Khi cọ xát sao lại thành”. Ông cha ta đã truyền cho chúng ta ngọn lửa kỳ diệu đó.
Thế nhưng, “tri nhân giả trí, tự minh giả tri”, biết người gọi là trí, biết mình gọi là minh, biết người để biết mình rõ hơn. “Kẻ sĩ”, người trí thức trong thời đại của nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức, cùng với ngọn lửa của ông cha truyền lại đó, còn phải có đôi mắt mới để nhìn vào một thế giới mà độ phức tạp của nó đã có phần vựơt quá năng lực trí tuệ phán đoán của con người như người ta vẫn tưởng.
Từ đây trở đi, cuộc hành trình đi đến tương lai sẽ là diễn biến nằm ngoài kinh nghiệm đã trải qua và chúng ta cần phải thay đổi tư duy một cách tương ứng. Sự thật là tương lai sẽ không phải là tiếp tục của quá khứ. Cách nhìn cũ, cách hiểu cũ, các phương pháp khoa học mà chúng ta đã biết đang tỏ ra bất cập trong việc nhận thức bản chất của thế giới mới. Không có một sự lớn lên vượt bậc về văn hoá và trí tuệ, cùng với sự khẳng định về bản lĩnh và nhân cách, khó mà làm được người trí thức đích thực của đất nước trong bối cảnh của thời đại mới.
Trong buổi Xuân về, mong sao nở rộ một vườn hoa mà trong đó, “người ta là hoa của đất” có những trí thức mới, người có ngọn lửa được cha ông truyền lại cháy sáng trong tim và trí tuệ của thời đại đầy ắp trong đầu. Cần phải có những trí thức như vậy sự nghiệp phát triển và hội nhập mới thành công.

Tương Lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter