Thứ Ba, 19 tháng 2, 2008

Tây sành tiếng Việt

Đông Tây kết hợp

Tôi hay qua lại nhà cụ Nguyễn Văn Bách- một nhà Hán học thâm hậu, nhà thư pháp số Một ở Hà Nội hiện nay. Cụ là tác giả ba chữ Văn Miếu môn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và nhiều câu đối phục chế di tích này từ những năm 1960 đến nay. Một lần nói về hội nhập, cụ Bách kể hồi còn làm chuyên viên ở Viện Đông y, cụ học cùng lớp giảng viên với một cụ vốn là quan Bố chính chế độ cũ. Cụ Bố chính kể:

Một tay trùm mật thám Pháp ngồi trò chuỵên với các quan ta, nó bảo, trong Kiều có câu “Sè sè nấm đất bên đường/ Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” dở quá, làm gì có ngôi mộ nào giữa mùa xuân mà cỏ mọc nửa vàng nửa xanh nhỉ? Các quan nhà ta chả biết nói thế nào, cũng phải tán đồng, đúng là không có lý thật. Chờ cho các quan gật gù xong nó mới nói, nhưng đọc tiếp thì thấy câu đó đúng là tuyệt cú. Lúc cô Kiều ghé mộ Đạm Tiên là buổi chiều tà, ánh mặt trời chiếu có một bên, thành ra ngôi mộ bên sáng bên tối, cỏ nhìn hoá hai màu. Tinh tế vô cùng các ông ạ. Các quan lại ồ lên, phục tài viên quan Tây mê Kiều và thẩm thơ sành sỏi.

Không phải chỉ giỏi tiếng Việt mà kiến thức Hán Nôm của ông ta cũng ghê. Câu ca dao: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vaimà nó dịch thành thơ chữ Hán:

Hoàng hôn vô hạn hoàng hôn tứ

Hồng phách hà bao nhỡn lý nhân.

Hay câu “ Núi cao chi mấy núi ơi/ Núi che mặt trời chẳng thấy người thương” nó dịch là” Kỷ trùng nham thuý vô cùng hận/ Nhật ảnh vân già cách cố nhân” thì phải nói là tuyệt hay.

Bao giờ ta cũng có những người giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn... như vậy để làm việc với đối tác nhỉ?!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter