Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008

Não trạng của sự thiếu tự tin

Những người thiếu tự tin thường hay "quá tự tin", nghĩ mình tài giỏi, làm chủ được tình hình và nhất là khi được người khác (hay tự mình) "tâng bốc", nhưng lại tỏ ra lúng túng, bối rối khi tình hình thay đổi.

Các phương tiện truyền thông góp phần làm cho triệu chứng "thần kinh phân liệt" xã hội này được khuếch đại lên nhiều lần với những lời phụ hoạ đôi khi thiếu cân nhắc. Bình tâm xem xét vài trong số vô vàn hiện tượng như vậy chắc không phải là chuyện thừa.

Bình chọn 7 kỳ quan thế giới do tổ chức
New7Wonders (hay NewOpenWorld Foundation) - một tổ chức phi chính phủ đăng ký tại Thụy Sỹ - tổ chức, là một ví dụ. Tham gia vào những sáng kiến như vậy là một việc tốt. Nó góp phần vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy du lịch.

Tuy nhiên, đẩy việc tham gia bình chọn một cách quá đáng như việc dự kiến thành lập "ban chỉ đạo nhà nước", việc các bộ, các tập đoàn, các báo lớn tổ chức rầm rộ để "tự bình chọn cho mình" và có lúc đã đưa 3 kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam chiếm trọn 3 vị trí hàng đầu, khiến người dân "hừng hực khí thế tự hào" là việc có lẽ chưa thật ổn.

Rồi cả 3 địa danh này bị rút khỏi danh sách do vi phạm quy định của nhà tổ chức đã khiến nhiều người thất vọng, bối rối. Thậm chí nhiều tờ báo còn cho rằng đây là "sự thất bại của tính chuyên nghiệp", là chúng ta đã không tuân thủ "luật quốc tế", chê nhà tổ chức là "tư nhân" chứ không phải tổ chức quốc tế, v.v. và v.v...

Diễn đàn Kinh tế Thế giới do ông Klaus M. Schwab thành lập năm 1971 ở Thụy Sỹ cũng là một tổ chức tư nhân phi chính phủ, nhưng hàng năm hội nghị rất có uy tín của nó tại Davos quy tụ hàng chục nguyên thủ quốc gia, hàng trăm nhà chính trị và nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến để bàn những việc toàn cầu hết sức hệ trọng. Vấn đề đâu phải tổ chức tư nhân hay quốc tế đứng ra tổ chức. Vịnh Hạ long đã xuất hiện trở lại và vẫn đang chiếm vị trí số một. Có lẽ nên bình tâm để loại căn bệnh "thần kinh phân liệt" trong ứng xử của chính chúng ta.

Việc thứ hai là
vệ tinh viễn thông Vinasat-1. Đi thuê ai đó chế tạo cho mình một vệ tinh, rồi lại thuê ai đó khác phóng vệ tinh ấy lên quỹ đạo là việc bình thường. Công ty viễn thông Indonesia đã có vệ tinh của mình (Palapa-A1) từ 1976, cho đến nay đã có tổng cộng 7 vệ tinh viễn thông. Công ty viễn thông Shin Satellite (Thaicom) của Thái Lan có 5 vệ tinh (1993 Thaicom-1, 2006 Thaicom-5).

Công ty Measat của Malaysia vận hành 3 vệ tinh viễn thông (Measat-1 và 2 năm 1996, Measat-3 năm 2006). Có rất nhiều công ty có vệ tinh riêng của mình. Ngày 19.4.2008 vệ tinh viễn thông Vinasat-1 của VNPT do Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo đã được Arianespace (Pháp) phóng thành công lên quỹ đạo. Đây một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam.

VTV đã truyền hình trực tiếp sự kiện rất ngoạn mục này. Báo chí đã đưa tin làm người dân lại "hừng hực khí thế tự hào". Đó là một sự kiện rất quan trọng, song cũng không nên phóng đại quá đáng. Nào là Việt Nam "mở cửa vũ trụ", "hội nhập vũ trụ", "đây là một giờ phút thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam, vì kể từ đây, chúng ta đã khẳng định được chủ quyền của Việt Nam trên quỹ đạo không gian", "đây là lần đầu tiên, không phải diễn ra một sự kiện khoa học mang ý nghĩa "thắng lợi tinh thần", mà gồm cả tinh thần và vật chất, cho cả đất nước và cho mỗi người dân" (Thanh Niên, 19.4).

Những nhận xét thiếu thận trọng như vậy có thể khiến thiên hạ chê cười. Nhiều báo viết không chính xác, mập mờ có thể làm cho bạn đọc hiểu lầm, thí dụ thay cho nói Việt Nam (thuê người khác) phóng thì lại viết "ngay sau khi Việt Nam phóng thành công vệ tinh đầu tiên Vinasat-1 vào quỹ đạo" (TTXVN), cứ như chúng ta đã phóng, đã chế tạo được vệ tinh.

Việc thứ ba là
giỗ tổ Hùng Vương. Đây là một sự kiện tâm linh quan trọng đối với tất cả mọi người dân Việt. Lễ hội được tổ chức hoành tráng tại đền Hùng, các địa phương khác cũng tổ chức rầm rộ. Có đoàn đã thành kính dâng cúng lễ Giỗ Tổ cặp bánh chưng nặng 1,8 tấn, bánh giày nặng một tấn. Báo chí đưa tin long trọng, kể cả hành trình của hai chiếc bánh. Rồi hoá ra bánh thiu, ruột làm bằng xốp và người ta quay sang phỉ báng những hậu duệ bất hiếu với tổ tiên, đòi xử lý nghiêm những kẻ làm bậy.

Chuyện bỏ khoản tiền lớn ra mua cái gì đó và được người bán ca ngợi, tán dương rồi nghĩ mình tài giỏi là sự ngộ nhận. Hãy thận trọng với những lời khen của người bán hàng. Cũng nên cẩn trọng với lời khen của khách nước ngoài, họ giữ phép xã giao mà. Rồi chuyện có người muốn đưa ra chỉ tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ đến 2020 để đến 2045 Việt Nam có người được giải Nobel khoa học v.v...

Rất cần trí tưởng tượng, song ngộ nhận, phóng đại, ảo giác, hoang tưởng là những dấu hiệu của chứng thần kinh phân liệt, biểu hiện của những người thiếu tự tin và cần được chữa trị. Báo chí với chức năng khuếch đại của nó có thể làm cho căn bệnh xã hội này nặng thêm, vì thế hãy cẩn trọng.

Nguyễn Quang A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter