Thứ Tư, 16 tháng 4, 2008

Tai xanh- HIV của lợn

Dù là người quan tâm đến ngành chăn nuôi hay không thì những ngày này , mấy tiếng “heo tai xanh” vẫn buộc người ta phải biết đến vì tần suất xuất hiện của nó trên các phương tiện thông tin đại chúng rất cao. Hầu như không có ngày nào TV không đưa tin về các vụ tiêu huỷ lợn mắc bệnh. Nhìn những con lợn béo tròn bị lăn xuống hố để chôn mà xót xa, có những người chăn nuôi ứa nước mắt. Trong lúc lạm phát đang gia tăng, trận dịch bệnh “heo tai xanh” này càng khiến cho giá thực phẩm đắt đỏ hơn, túi tiền bà nội trợ nhanh xẹp lép hơn.

Nhìn những cuộc hành quyết các chú ỉn, chúng ta không thể không nghĩ ngợi.

Thứ nhất, người ta nói nhiều đến “heo tai xanh” nhưng đó là căn bệnh gì, cơ chế lây lan ra sao, tại sao phải chôn sống con vật mà không chữa trị được như những căn bệnh khác thì chưa được tuyên truyền rộng rãi.Các tài liệu chuyên ngành cho hay, bệnh heo tai xanh là bệnh gây rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo do virus Leylystad gây ra. Heo có thể chết sau 5-7 ngày vì suy giảm hệ miễn dịch, giống như trường hợp nhiễm HIV ở người. Bệnh chỉ lây từ heo sang heo và không lây sang người.

Tuy nhiên, bệnh heo tai xanh dễ bị nhiễm trùng cơ hội trong đó có nhiễm liên cầu khuẩn heo (streptococcus suis) typ 1, typ 2. Khi heo đã nhiễm bệnh này thì rất nguy hiểm vì có thể lây sang người.

Bệnh liên cầu khuẩn heo (streptococcus suis) là một trong nhiều bệnh mà heo mắc phải sau khi đã suy giảm hệ miễn dịch do mắc bệnh tai xanh. Khi đó, heo bệnh trở nên nguy hiểm vì sẽ lây lan sang người ăn phải hay tiếp xúc heo mắc bệnh, hoặc hít thở không khí nơi có heo bệnh. Vi khuẩn gây bệnh thuộc nhóm streptococcus suis gây viêm họng, nhiễm trùng phổi… nhưng dễ bị tiêu diệt bằng hóa chất, kháng sinh, chất tẩy rửa. Bệnh liên cầu khuẩn heo chưa có dấu hiệu lây từ người sang người nhưng có thể lây từ heo sang người và từ heo sang bò, dê, chó.

Thứ hai, để hạn chế tổn thất, có lẽ nên xử lý ngay những con đã phát bệnh, những con còn lại trong đàn nên tách ra nuôi cách ly để theo dõi. Nếu sau 1 tuần hay 10 ngày, heo không phát bệnh thì có thể cho người dân giết mổ. Như vậy sẽ tránh được sự lãng phí và giảm được số lượng các con lợn bị tiêu huỷ bằng cách chôn lấp.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục “chữa trị” bằng cách “chôn lấp” thì vai trò của ngành thú y thật mờ nhạt.

Thứ ba, có ý kiến cho rằng, những con lợn bị bệnh có thể giết mổ để dùng làm phân bón. Nếu cách này được xem xét, áp dụng thì tiết kiệm được một khoản đáng kể và quan trọng hơn là hạn chế được nguy cơ ô nhiễm do các hố chôn lợn bị bệnh gây ra.

Tương tự như vậy với việc xử lý gia cầm bị bệnh.

Nước ta là một nước nông nghiệp, nên việc xảy ra dịch bệnh ở gia súc, gia cầm là khó tránh khỏi, vì thế chủ động phòng chống, chủ động trong xử lý dịch bệnh theo tiêu chi hiệu quả và tiết kiệm là điều cần được đặt ra một cách cấp thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter