Thứ Tư, 16 tháng 4, 2008

Ưu tư sau ngày Giỗ Tổ

Sáng nay đọc blog của bố cu Hưng, thấy buồn lòng vì chuyện chiếc bánh dày của Công viên Đầm Sen từ Sài Gòn mang ra dâng lễ Vua Hùng đã đem lại niềm thất vọng ê chề. Nó là một khung sắt được lót xốp và phủ bột chín lên trên. Chiều tối qua, khi cắt bánh, nhiều người đã bất ngờ và thất vọng. Chưa kể, bánh đã mốc…

Phó Giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen cho biết làm xốp bên trong để tạo nền, còn thì phủ lên lớp hột hấp chín dày một tấc. Ông này cũng cho biết làm hết chừng 500kg bột, cộng với xốp và khung sắt thì bánh nặng chừng 800 kg.

Thế ra, lễ vật dâng lên chỉ là một sản phẩm để quảng cáo cho thương hiệu. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, có cơ hội phải tranh thủ để quảng bá là một chiêu thức của kinh doanh, nhưng nhân danh cái to tát, thiêng liêng nhất thì chua xót quá.

Câu chuyện này khiến chúng ta lo lắng. Chúng ta có cách gì để ngăn chặn họ làm tiền trên những giá trị tinh thần thiêng liêng của dân tộc?

Trong buổi trò chuyện với ông Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tôi biết rằng, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu di tích này với 20 công trình xây dựng, kinh phí chừng 1000 tỷ đồng. Trong ba năm qua, họ mới tiêu hết có vài trăm tỷ thôi. Họ đang nghĩ cách để tiêu cho hết số tiền khổng lồ kia.

Một trong những dự án ông Giám đốc nói khiến chúng tôi kinh hãi nhất là sẽ xây dựng một Tháp cao 18 tầng, tầng 1 trưng bày, tầng 2 dùng để Hội thảo… Như vậy, các bạn có thể hình dung nó lớn cỡ nào. Tôi hỏi, công năng và ý đồ kiến trúc thế nào thì được biết: Sẽ như tháp Thượng Hải, nhưng cụ thể thế nào thì…tuỳ các kiến trúc sư. Hiện nay họ đang lấy ý kiến, trong tháng 6 này sẽ có kết quả.

Một công trình khác là sân gol mini (tiếc là không có đất để làm 18 lỗ?!), một hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, bên cạnh các ngôi đền mới như đền Mẫu Âu Cơ, đền Lạc Long Quân- Hai cụ hai đền chứ không phải hai cụ chung một đền …

Năm nay, ngôi đền Thượng (Kính thiên lĩnh điện) cũng đã được xây lại to rộng hơn, kinh phí nội thất hậu cung đã mất 10 tỷ đồng. Phần đồ thờ cũ sẽ mang đi đâu khi thay toàn bộ đồ mới? Ông Giám đốc cho biết, dự kiến sẽ xây một ngôi đền khác để đưa những đồ thờ ấy vào… Không hiểu ngôi đền mới sẽ nằm ở đâu và thờ ai? Không lẽ lại thờ các vua Hùng nhỉ?!

Thiết nghĩ, Đền Hùng là nơi dấu vết của thời quốc sơ, khi đó vua còn đi cày, công chúa dệt lụa, vua tôi như anh em cha con…Dẫu còn nhiều mơ hồ giữa truyền thuyết và sự thật lịch sử, ngay bài vị thờ trên Đền Thượng cũng mang dấu vết của thờ thần núi, nhưng dù sao đây cũng là nơi cố kết cộng đồng, tạo sức mạnh truyền thống cho dân tộc nên phải hết sức thận trọng khi can thiệp vào . Phải nói rằng khu rừng nhỏ bao quanh di tích như hiện nay là tuyệt vời, nó giữ được không gian riêng rất đặc biệt cho di tích, giữa một thành phố công nghiệp như Việt Trì.

Chúng ta nên tôn trọng không gian ấy, không nên xây thêm các công trình bê tông, biến nó thành khu du lịch, dù có tên mỹ miều là du kịch tâm linh thì du lịch vẫn là nơi ăn chơi, nghỉ ngơi, dễ làm hỏng khí thiêng sông núi nơi đây. Nếu khách muốn ở lại dài ngày thì Việt Trì đã đủ điều kiện đáp ứng, không nhất thiết nhà nghỉ và khu vui chơi phải nằm trong khu di tích.

Bài học về sự chân thành, đơn sơ được đề cao trong sự tích bánh chưng bành dày cần được đem ra học lại…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter