Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Hồn nhiên như nhà văn

15 vị chấp hành
Cộng hàng ngang thành lục (1+5=6)
Lục sáu mặt xúc xắc mùa thu (1)
Ai Hòa thân ai sẽ Lưu gù ?

Văn chương ắt vào mùa phát lộc
Dăm Noben rõ sướng bố cu
Cùng sát cánh đừng một mình một ngựa
Là biển là sông chớ có ao tù....

Dàn đồng ca nhiều bè đừng hát nhép
Bài hát văn chương xin chớ tít đèn cù

(Minh họa và chú thích của Trannhuong.com)
 
 

 

 

 

 

Đại hội toàn thể Hội nhà văn lần thứ VIII đã khép lại, đã bầu ra được một Ban chấp hành có nhiều gương mặt mới để lãnh đạo Hội trong 5 năm mang tính bản lề và hứa hẹn nhiều đổi thay sắp  tới.

Điều đáng suy nghĩ là thông tin về Đại hội trên các trang báo, các trang blog cá nhân lại phản ánh một đại hội  dường như lộn xộn, nào là giành nhau phát biểu, phát biểu quá giờ, vỗ tay bảo xuống cũng không xuống, thậm chí lăng mạ nhau. Có nhà văn còn  nằm phục ở bậc tam cấp để lên phát biểu. Rồi các đại biểu xả rác vô tư, khiến người phục vụ phát mệt… Trong cái lộn xộn, nhốn nháo ấy tôi lại thấy có nét vui vui, đáng yêu, đó là các nhà văn giữ được nét hồn nhiên của mình, ngay cả đó là Đại hội, một sinh hoạt tập thể quan trọng vào bậc nhất của Hội, dù có quan chức nhớn đến dự hay báo chí săm soi. Ngày xưa, Lý Bạch mà không giữ được cái hồn nhiên đó ngay cả khi làm thơ trước mặt Đường Minh Hoàng thì liệu thơ ông có bất tử như vậy không nhỉ?!

Nếu nhà văn, nhà thơ mất đi cái hồn nhiên trong trẻo của mình, mất đi cái lương năng, lương tri, cái bản ngã của mình thì khó có thể có tác phẩm giàu tính nhân văn, phản ánh được hơi thở đẫm mồi hôi mặn mòi,  phản ánh được những bước chân nhọc nhằn của con người, của dân tộc trên con đường đi tìm hạnh phúc.  Nhiều nhà văn đã tiếc nuối những tác phẩm một thời nổi danh nhưng qua khỏi thời của nó là chết, là bán giấy cân vì nhà văn phải che giấu cái con người thực của mình, cái mà trái tim mình mách bảo. Xót xa thế… Bài học từ các nhà văn đàn anh  hẳn khiến cho nhiều người trăn trở.

Tuy vậy, muốn giữ được cái hồn nhiên như khi đi dự Đại hội lúc cầm bút, lúc ngồi trước trang giấy lại không dễ chút nào. Phải có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh văn hóa… mới có thể để cái hồn nhiên của mình được sống trên trang sách mà không sợ hãi, lo âu. Sống trong sợ hãi đã khổ, viết trong sợ hãi thì may lắm nó cũng chỉ cho ra xác chữ.

Bạn đọc mong lắm những tác phẩm thấm đượm tính nhân văn, trung thực, hồn nhiên và kỹ thuật cao, phản ánh sâu sắc tâm hồn Việt, của các nhà văn, vì nói gì thì nói cái cuối cùng người ta quan tâm vẫn là tác phẩm, và chỉ tác phẩm. Tác phẩm của anh thế nào, có hay hay không, có ý nghĩa gì với cuộc sống hay không mà thôi.

(Bài viết cho một tờ báo, mời cả nhà đọc trước và góp ý)

6 nhận xét:

  1. chả biết góp ý thế nào khi yêu cầu nhà văn phải có 'bản lĩnh chính trị'!!!??? và ai đó có cái bản lĩnh ấy thì khó lòng có sự HỒN NHIÊN; à, mà có thể góp ý cho cách dung dấu phẩy ở câu này vậy:

    'Bạn đọc mong lắm những tác phẩm thấm đượm tính nhân văn, trung thực, hồn nhiên và kỹ thuật cao, phản ánh sâu sắc tâm hồn Việt, của các nhà văn, vì nói gì thì nói cái cuối cùng người ta quan tâm vẫn là tác phẩm, và chỉ tác phẩm.'

    Trả lờiXóa
  2. Mình thì lại khoái cái đại hội này.Vui vẻ và..."dân chủ" nữa chứ ,kaka.Có đến mấy trăm ông tự ứng cử vào ban chấp hành.Nhiều bác nằm bò ra chờ phát biểu , có bác thì chẳng thèm để ý đến quan trên , chỉ chú ý đến ...tán gái.:D

    Trả lờiXóa
  3. Các họa sĩ lành hơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  4. Các nhà văn lần này đến Đại hội đa số đang bức xúc trong lòng. Những tham luận nói lên sự thật đất nước, sự thật văn chương không đựơc đọc, nếu cho đọc thì cắt micrô rồi chủ tịch doàn xin lỗi vì sự cố điện. Nhà văn Tạ Duy Anh trả lời phỏng vấn bảo chưa bao giờ Hội nhà văn Việt Nam xứng đáng được coi thương như hôm nay. Theo Bu bạn nên dùng một từ khác thay cho từ hồn nhiên để nói về các nhà văn chúng ta thì đúng hơn chăng ??

    Trả lờiXóa
  5. Chỉ cười ko góp ý có được ko ạ ???

    Trả lờiXóa
  6. Một nhà văn Nam Bộ nổi tiếng còn bị một vố đau ( cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) giữa hành lang Đại hội nữa kia. Ổng nói và báo đăng rằng một bà KC nào đó có con với ổng và với một nghệ sĩ khác nữa. Không biết thực hư thế nào, ông chồng của bà kia là một ông giáo, đến tìm nhà văn nọ. Ông ấy bảo cho tôi hỏi ông nào là ông S, tôi có chai rượu tặng nhưng không biết mặt. Khi gặp, tặng rượu xong ông giáo giơ tay tát luôn ông nhà ăn hai cái vì tôi bôi nhọ vợ ổng... trước con mắt bao nhiêu nhà văn. Khổ thế!

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter