Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Sang Long Biên, thấy đền Mẫu Thoải

Từ trung tâm Hà Nội qua cầu Long Biên rẽ phải một quãng thì có Chùa Bồ đề và Đền Ghềnh nổi tiếng, nhưng rẽ về bên trái, ta sẽ gặp một cụm di tích khác ở làng Bắc Biên.

 Chính điện đền Mẫu Thoải

Trước mặt đền là sông Hồng, bên trái là cầu Long Biên thấp thoáng

Trầu không ở sân chùa Phúc xá

 

Lối vào đền Mẫu Thoải

 

 

Ngay đầu làng là đền Phúc Xá ( Cơ Xá) thờ Lý Thường Kiệt, sát đền là ngôi chùa cổ. Làng quê của Lý Thường Kiệt vốn ở chỗ Ba Đình bây giờ, khi xây dựng kinh thành, dân làng này bị di ra bãi sông Hồng. Vì làm ở bãi sông nên nhà bằng tre, gỗ phải thường xuyên thay đổi chiểu cao để tránh nước. Vì thế mới có tên là làng Cơ Xá. Sống thế nên đói nghèo, có thời gian chữ Cơ là thay đổi ( cơ động) ấy lại được viết là với nghĩa là Đói ( cơ hàn). Mãi sau này, tên làng mới được đổi thành Phúc Xá, như một ước vọng. Sông Hồng cũng đổi dòng, một nửa làng bên tả, một nửa sang bên hưu. Thế là hai bên sông đều có bãi Phúc Xá. Dân làng thờ cụ Lý Thường Kiệt ( Ngô Tuấn) làm Thành hoàng là vì thế, cụ là người làng này. Làng còn có tên nôm là làng Khế. Quả thật ở đây nhà ai cũng trồng khế.

 

Hoa trái nơi cửa Thiền

 

Đi sâu vào trong làng, vòng ra sát bờ sông, qua những ngôi biệt thự mới xây, gió sông Hồng lồng lộng, cây cối xanh tươi là đến đền Mẫu Thoải, cũng gọi là Đền Cửa Sông, nơi các bà các cô hầu bóng cho rằng linh thiêng lắm. Đền nhìn thằng ra sông mênh mông sóng vỗ.

Vào đền, chính điện thấy thờ Mẫu, xung quanh là các ông Hoàng, gian bên cạnh thờ Trần Hưng Đạo nhưng mới có thêm tượng cụ Hồ.

Ngôi nhà ngang, lợp tôn mới thờ Mẫu Thoải mặc áo màu trắng nhưng có biển đề Mẫu Hàn Sơn. Khó hiểu thế. Về tìm hiểu thêm mới biết rằng:

Thánh Mẫu Thoải Phủ vốn là con Vua Bát Hải Long Vương Thủy Quốc Động Đình, theo lời Vương phụ, bà kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Một buổi, Kính Xuyên đi vắng, tiểu thiếp Thảo Mai tìm cách giả đồ thư để hãm hại cho bà. Kính Xuyên mù quáng, nghe lời Thảo Mai vu cho bà thất tiết, đem đóng cũi, bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Tại nơi rừng sâu bà không những được thú rừng yêu quý, mang vật quả đến dâng mà còn tình cờ gặp được nho sĩ Liễu Nghị. Cảm thương trước nỗi oan của bà, Liễu Nghị theo lời ngỏ, mang thư của bà về đến Hồ Động Đình, kể hết sự tình về cho vua cha. Sau đó vua cha sai người đi đón và bà được minh oan, rồi kết duyên cùng Liễu Nghị, còn Kính Xuyên và Thảo Mai thì bị trừng phạt. Sau này, theo một số câu chuyện, bà thường hiển linh, phù hộ cho những người đi biển khỏi sóng to gió lớn nên được nhân dân biết ơn và lập đền thờ ở khắp nơi cửa sông, cửa biển.

Khi ở chốn Động Đình bà vốn là con vua cha Bát Hải nên được gọi là: “Động Đình Trung Công Chúa Ngọc Hồ Thần Nữ”, sau này bà còn có danh hiệu: “Bạch Ngọc Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ Công Chúa”.

Đền thờ Mẫu Thoải có khá nhiều nhưng hầu hết đều do lòng thành kính của nhân dân hoặc do nơi cửa sông cửa biển chứ hầu như không có dấu tích của Mẫu vì Mẫu không giáng trần. Nổi tiếng nhất có Đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa, nơi bến Đò Lèn, còn có Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kì Cùng. Ngày tiệc chính của Mẫu Thoải là ngày 10/6 âm lịch, thường được tổ chức long trọng nhất là ở Đền Mẫu Thác Hàn Sơn.

Vì thế mà ngôi đền ở bến sông Hồng, gần cầu Long Biên này cũng thờ Mẫu Hàn Sơn. Như vậy, ta hiểu là đây là nơi thờ mẫu Thoải nhưng theo dòng Hàn Sơn.  

Nhiều nam thanh nữ tú đến thăm những di tích này

 

Giới thiệu một di tích này để mời các bác phía Nam ra thăm Bắc Kỳ nhân dịp 1000 năm Thăng Long…

10 nhận xét:

  1. Một bài giới thiệu kỹ càng quá anh

    Trả lờiXóa
  2. Khi nào tớ ra thì nhờ bác TORO đưa đến thôi

    Trả lờiXóa
  3. cám ơn anh đã cho biết 1 di tích

    Trả lờiXóa
  4. Hì, đọc biết thêm chút, em chưa biết bao giờ mới trở ra "bắc kỳ" heee

    Trả lờiXóa
  5. Đền Ghềnh "hay" lắm anh ạ. Hồi Tết năm có bầu Quốc An, em xin thẻ ở đó báo có con trai mà cứ cười vì không định đẻ nữa. Cả thẻ của hai vợ chồng cùng vậy luôn. Cuối cùng tháng 11 đẻ nó.

    Trả lờiXóa
  6. Walk người saigon, Walk thích xem các hầu đồng vì không khí mê ho8ạc và nhạc múa hư ảo rất hay, walk cũng đi HN 4 lần rồi, nhưng chưa lần nào biết các đền để viếng cả, mong được đọc nhiều bài giớithiệu của anh, nghe nói có đền thánh mẫu Liễu Hạnh ở đâu đó rất linh và rất hay....

    Trả lờiXóa
  7. Nếu có dịp ra, thì em sẽ ghé.

    Trả lờiXóa
  8. TR còn biết cả ngày tiệc chính của Mẫu Thoải cơ à, hình như là ngày 12/6 âm lịch thì phải?

    Trả lờiXóa
  9. Vậy đền ấy nằm ở nơi bị chia cắt bởi sông Hồng và sông Đuống , phải không Toro?

    Trả lờiXóa
  10. Đền nằm sát mép sông Hồng, đầu cầu Long Biên, đi về phía Bắc khoảng 1 km nữa là đến sông Đuống Thaominhhue à.
    Hồi xưa, chỉ có cầu Long Biên nên tắc nửa ngày là thường. Người HN có câu: Đi qua cầu Long Biên phát điên lên vì cầu Đuống/ Đi qua cầu Đuống, luống ca luống cuống vì cầu Long Biên... Vì cầu Đuống cũng tắc kinh hoàng.

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter