Thứ Hai, 24 tháng 3, 2008

Vung tay quá trán...

Một báo cáo gần đây của nhóm các chuyên gia kinh tế ĐH Harvard (Mỹ) đã chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình lạm phát tại VN hiện nay, khẳng định nguyên nhân gốc rễ của lạm phát ở VN không phải do tác động của giá thế giới.

Theo họ, có một nguyên nhân là tốc độ tăng cung tiền quá nhanh, nói nôm na là “tốt vay”…

Trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục tăng, lượng ngoại tệ từ xuất khẩu dầu thô của VN nhờ đó cũng tăng mạnh. Trong khi đó, các khoản viện trợ chính thức, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), vay nợ và kiều hối vẫn tiếp tục ùn ùn đổ vào VN. Kể từ năm 2003, doanh số bán lẻ danh nghĩa của VN liên tục tăng với tốc độ trên 20%/năm. Đầu tư còn tăng nhanh hơn nữa trong khi lượng cung thực (đo bằng sản lượng cộng thâm hụt thương mại thực) chỉ tăng dưới 10%/năm. Nếu như chi tiêu tăng hơn 20%, trong khi lượng cung thực tăng chưa đến nửa số đó thì chênh lệch giữa hai đại lượng phải là lạm phát.

Như vậy, vay được nhiều tiền, được giúp đỡ nhiều, không tiêu hết nên tiền mất giá. Thế thôi. Các cụ nói rồi :” Tốt vay dày nợ”, rõ ràng chúng ta đang dày nợ mà không biết số tiền ấy sử dụng hiệu quả đến đâu.

Thứ hai là “vung tay quá trán”, nói một cách bỏng bẩy là mức chi tiêu Nhà nước gấp đôi tăng thu nội địa.

Tổng chi tiêu của Nhà nước trong năm 2006 là 321.000 tỉ đồng, tăng 221.800 tỉ đồng (tương đương 45%) so với năm 2004. Như vậy, tốc độ tăng chi tiêu hằng năm của Nhà nước trong giai đoạn 2004-2006 là 20,3%/năm, tương đương tốc độ tăng doanh số bán lẻ. Cùng lúc, thu ngân sách tăng chủ yếu không phải từ nguồn thu nội địa mà là từ dầu mỏ, nợ và viện trợ nước ngoài. Thu nội địa trong năm 2004 chỉ đạt 119.000 tỉ đồng và năm 2006 là 190.000 tỉ đồng, tăng thêm có 70.000 tỉ đồng. Trong khi đó, chi tiêu của Nhà nước tăng 131.000 tỉ đồng, từ 190.000 tỉ đồng lên tới 321.000 tỉ đồng, tức là gần gấp đôi so với mức tăng thu nội địa. Nếu những khoản chi tiêu này lại không được sử dụng một cách hiệu quả thì chỉ đóng góp rất nhỏ cho sản lượng (không làm cho tổng cung tăng một cách tương ứng) thì tất yếu sẽ dẫn tới lạm phát.

Chi gấp đôi thu, không lạm phát mới là lạ. Tôi chợt nhớ đến những lễ hội hoành tráng; những tượng đài tiền tỷ mọc lên như nấm sau mưa; những công trình xây dựng dở dang hay xây rồi đóng cửa bỏ đấy; những vụ tham những bị phát hiện vụ sau lớn hơn vụ trước…do những kẻ "vén tay áo xô đốt nhà táng giấy" được quyền chi tiêu ngân khoản khổng lồ gây ra.

Ơi những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi ơi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter