Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2008

Thủ đoạn nham hiểm của Vedan

Thủ đoạn ngụy trang tinh vi trên hệ thống "trận đồ bát quái" xả thải của Vedan

Đại bản doanh của Công ty Vedan trải rộng trên diện tích 120ha tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tuy vậy, việc tiếp cận vào phía trong công ty là không hề dễ dàng.

Vedan có tới hơn 3.000 công nhân làm việc theo 3 ca, chủ yếu là người Việt, nhưng đã có xe đưa đi đón về cho nhân viên. Toàn bộ đại bản doanh được bao bọc kín cổng cao tường, trong công ty có đường giao thông nội bộ và mọi hoạt động được quản lý bằng hệ thống điện đàm.

Công ty có ba cổng chính ra QL51, cảng Gò Dầu và cổng Vedan, tiếp giáp với sông Thị Vải - tất cả đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Do đó, chỉ riêng việc tiếp cận địa bàn của Vedan đã rất khó khăn và cần tới những giải pháp mưu trí của các trinh sát.

Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, người trực tiếp cầm quân vào Nam làm vụ án này từ đầu, đã thẳng thắn cho biết, lần đầu đi khảo sát tại Vedan với tư cách tham quan năm 2007, ông cảm thấy "hoa mắt" trước hệ thống xả thải nước thải chằng chịt đường ống, van xả, công tắc… ở đây.

Chỉ riêng hệ thống bể chứa nước thải đã ngồn ngộn, khó đếm xuể, mỗi bể dung tích lên tới 15.000 - 30.000m3. Đường ống xả thải được thiết kế chỗ chìm chỗ nổi, có nhiều đoạn lẫn lộn vào hệ thống cung cấp nhiên liệu từ cảng vào nhà máy. Các bồn chứa khổng lồ cũng xen kẽ với đủ loại từ nguyên liệu đến mật gỉ đường và chất thải lỏng với hệ thống bơm áp lực cao ra sông Thị Vải…

Tuy nhiên, bằng con mắt nghiệp vụ tinh thông, ông đã nhận thấy, trong hệ thống xả thải này đang có những thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm bố trí thật, giả lẫn lộn. Nhất thiết phải tìm cách xác định đâu là đường ống nguỵ trang dẫn nước thải đã qua xử lý, đâu là đường ống ngầm xả thẳng chất thải độc hại ra sông, giờ nào là giờ bơm xả nước thải thật, đâu là động tác bấm công tắc giả để qua mắt cơ quan chức năng…

Những băn khoăn trên đã khởi đầu cho một chuyên án, khám phá ra những thủ đoạn gian dối của Công ty Vedan gây xôn xao dư luận sau này.

Vedan đã thiết lập một hệ thống xả thải nước thải không qua xử lý chằng chịt, tinh vi, thì đương nhiên, họ sẽ bố trí lực lượng thân tín, biết "giữ mồm, giữ miệng" để giám sát chặt chẽ các hoạt động gian dối của hệ thống này. Vedan dùng nhiều thủ đoạn nguỵ trang để che mắt cơ quan chức năng và thậm chí còn đề phòng cả quan sát của người dân.

Phía trong nhà máy, Vedan thiết kế van, ống hút, bảng điện điều khiển rất tinh vi, có nơi ghi công khai là bơm nước thải, nhưng khi bật công tắc thì đường ống không vận hành. Hệ thống xả thải được đặt trong khu vực bao quanh bằng rào thép B40. Hệ thống còn được bảo vệ tinh vi tới mức, bên trên hai máy bơm bố trí một tủ điện và một máy bơm hỏng để giả làm hệ thống bơm nước từ sông lên.

Phía ngoài, họ che giấu miệng ống xả thải bằng nhiều hình thức. Từ nhiều năm nay, có một con tàu cũ luôn đỗ tưởng như vô tình trên mặt sông Thị Vải, chỉ khi các trinh sát vào cuộc mới phát hiện, đó là con tàu nguỵ trang do Vedan bố trí để che vị trí sủi nước thải lên, người dân có đi lại trên sông cũng không thể phát hiện ra được.

Về nhân lực, Vedan bố trí 8 nhân viên điều hành hệ thống xả thải của Vedan, trong đó có 5 người Việt và 3 người Đài Loan. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 2 người Đài Loan là Lâm Mậu Phủ và Vương Kim Điền thật sự nắm được toàn bộ "công tắc ma" điều khiển hệ thống xả thải này. Những người còn lại cũng chỉ biết một phần hoạt động của hệ thống.

Cuộc khám phá mưu trí của Cảnh sát môi trường

Trung tá Trần Quốc Tỏ, Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát môi trường cho biết, mặc dù lực lượng Cảnh sát môi trường mới được thành lập với rất nhiều khó khăn về lực lượng, phương tiện, kinh phí… nhưng sau khi nắm bắt tình hình, lãnh đạo Cục đã cử ngay các tổ trinh sát tới tiếp cận địa bàn Công ty Vedan hoạt động.

Thủ đoạn sai phạm tinh vi, hiện đại của Công ty Vedan đã được đáp trả bằng cuộc đấu tranh đầy mưu trí của các trinh sát.

Muốn tiếp cận hệ thống đã khó, các trinh sát lại vướng phải thái độ bất hợp tác, che giấu của Vedan. Ban đêm, như những người đi giăng lưới, các trinh sát phải mò mẫm đi men theo dòng sông chết, nhiều khi nép vào những cây cối đang héo rũ bên sông để tránh bị phát hiện.

Tuy nhiên, những ngày gian khổ đó, các trinh sát nắm được một thông tin quan trọng, ban đêm ở khu vực cầu cảng hay có nước sủi lên. Nhờ đó, các trinh sát tìm cách tiếp cận vị trí sủi bọt, tìm hiểu đường ống dẫn dắt, bố trí ra sao.

Qua một quá trình tìm hiểu, các trinh sát xác định được Vedan có tới 3 hệ thống xả thải nước thải công khai, hiện đại. Do không thể tiếp xúc với nhân viên Vedan để tìm hiểu về hệ thống xả thải, lực lượng trinh sát phải vận dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mưu trí để xác định được hệ thống xả thải dài khoảng 800m nằm bí mật dưới lòng đất.

Cơ quan điều tra phải mất nhiều giờ đấu tranh với Vedan mới tiếp cận được với Lâm Mậu Phủ - người điều khiển hệ thống. Trước đó, đã có nhân viên ấn công tắc xả thải (thực chất là công tắc nguỵ trang), nhưng không hề thấy nước thải chảy ra.

Chỉ khi Lâm Mậu Phủ ấn "công tắc ma" vận hành toàn bộ hệ thống xả thải, mới thấy nước thải sủi lên từ dưới lòng sông. Quá trình đấu tranh, Phó Tổng Giám đốc Trần Bình Huy và nhân viên vận hành Lâm Mậu Phủ đã thừa nhận vi phạm.

Hiện phía Vedan vẫn trì hoãn giao nộp bản thiết kế hệ thống xả thải nước thải không qua xử lý. Phía cơ quan điều tra vẫn tiếp tục thu thập thêm các thông tin liên quan đến vụ việc này.

Dư luận cũng bất bình trước việc Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cộng đồng, gây bức xúc trong dư luận.

Khi chúng tôi kết thúc bài viết này, Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường cùng các trinh sát đang vội vã chuẩn bị chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh, phối hợp với các cơ quan chức năng để trong thời gian không xa nữa, toàn bộ vụ việc sai phạm của Công ty Vedan sẽ được làm sáng tỏ trước công luận. ( AND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter