Thứ Năm, 22 tháng 5, 2008

Bài học nào cho việc mở rộng HN?

Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường sáng 22/5, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thông báo sẽ không biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội vào buổi chiều như dự kiến chương trình kỳ họp.

Tuy nhiên, QH chưa ấn định ngày giờ cụ thể nào sẽ biểu quyết. Đây là một tín hiệu tích cực, phù hợp với tâm tư , nguyện vọng của nhân dân cả nước.

Mô tả ảnh.
Theo VNN, trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường cũng như thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu QH đã bày tỏ sự băn khoăn về những vấn đề nảy sinh khi điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội, như tính cần thiết của mô hình Thủ đô đa chức năng, công tác quy hoạch, kinh phí chưa được dự toán đầy đủ, công ăn việc làm của người nông dân sau khi bị thu hồi đất, giao thông đô thị, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ…

Đại biểu phân rẽ với 2 quan điểm: Thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới Hà Nội hay chỉ thông qua chủ trương, sau đó giao Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, lấy ý kiến chuyên gia, rồi đưa ra để QH lựa chọn ở các kỳ họp sau.

Đã có 6 thành viên Chính phủ lên tiếng về đề án mở rộng Hà Nội tại phiên thảo luận ở hội trường. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết "Đề án đã dựa vào tầm nhìn lâu dài để xây dựng thủ đô của một đất nước trên 100 triệu người và có thể ổn định ở mức 120 đến 130 triệu, khác với thủ đô một nước như Singapore chỉ có 3 - 5 triệu người. Tầm nhìn lâu dài này đã xác định theo truyền thống, thủ đô là một thủ đô đa chức năng, trọng yếu là chính trị, hành chính gắn liền với văn hóa, giáo dục, khoa học và kinh tế, đối ngoại".

Ông Hùng so sánh với thủ đô Singapore mà không so sánh với Canbera của Úc, Washington DC của Mỹ... và nhiều nước khác trên thế giới, thủ đô chỉ tập trung vào hành chính, văn hoá, còn phát triển kinh tế, thương mại dành cho các thành phố khác như Sydney, New York...

Lại nữa, tiếc là các Đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ đã không ai nhắc lại việc tách nhập các tỉnh trước đây. Việc sáp nhập hai tỉnh phải tính đến các yếu tố địa chính trị, địa văn hoá mà nửa cuối thế kỷ trước chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm. Các cuộc sáp nhập kiểu cưỡng hôn to hay nhỏ, Hà Bắc , Nam Hà, Hải Hưng hay Nghĩa Bình, Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh, Hà Sơn Bình, Hoàng Liên Sơn... cuối cùng đều phải giải phóng cho họ, trở về với cái nguyên bản của nó. Bởi lẽ, khi lập ra các tỉnh này, người xưa đã căn cứ một cách khoa học vào hình sông thế núi, vào từng vùng văn hoá rồi. Mọi sự duy ý chí đều thất bại.

Tiếc là chúng ta đã không có cuộc tổng kết cái lợi, cái hại, mà chắc chắn hại là chủ yếu của các cuộc tách nhập sai lầm ấy để làm bài học cho hôm nay. Lần này, Quốc hội cân nhắc chuyện nhập cả một xứ Đoài , nơi được mệnh danh là "áo giáp chở che nghìn năm bền vững" vào Hà Nội thì bài học cũ cần được tham khảo một cách sâu sắc và có trách nhiệm. Giả sử bây giờ sáp nhập và 5-10 năm sau lại tách thì ai sẽ chịu trách nhiệm.

Hà Tây đã không ít lần tách nhập với Hà Nội, dù chỉ là một số huyện .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter