Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2008

Một vụ oan sai

Hôm nay đầu óc nó lông bông, leng beng, chả viết được gì, đành lấy ra một bài viết cho mục Công lý xưa nay để hầu các bạn. Cho vui nha!

Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) tri phủ Hàm Thuận là Nguyễn Bá Nhạ, nhận được đơn kiện của một người tố cáo Trần Long đã đánh chết con bà ta rồi phi tang. Theo đơn tố cáo, Trần Long thuê con của bà ta đến làm thuê. Làm được ít ngày thì anh làm thuê mất tăm tích. Người đàn bà này đã đòi Trần Long bồi thường nhưng Long nhất định không chịu.

Nguyễn Bá Nhạ cho bắt ngay Trần Long và dùng nhục hình khiến Long phải nhận tội và chịu án giảo giam hậu (thắt cổ chết nhưng chưa thi hành ngay). Điều bất ngờ là ít ngày sau, người làm thuê kia đột ngột trở về. Thự Tuần phủ Nguyễn Đăng Uẩn đem việc ấy tâu lên.

Vua Thiệu Trị nói:” Mạng người rất quan trọng… Các nha môn xét hỏi việc hình phải gia tâm, cẩn thận mới được. Không ngờ ở dưới ánh mặt trời mà bọn ma quỷ dám trá hình như thế! Nếu Trần Long bị thi hành án rồi thì kẻ vô tội ấy há chẳng ngậm oan ở dưới đất hay sao?”.

Vua sai Nguyễn Đăng Uẩn tra xét ngay lại vụ án. Trần Long được tha, còn người đàn bà vu cáo kia bị tội chết. Tri phủ Nguyễn Bá Nhạ bị cách chức.

Lời bàn: Pháp luật mỗi thời mỗi khác nhưng tựu chung cũng chỉ một nguyên tắc không làm oan người vô tội và cũng không bỏ lọt tội phạm. Vụ án này , theo cách nhìn hôm nay thì người vu cáo và vị quan xử sai đã bị trừng phạt quá nghiêm khắc. Nhưng qua đó cũng cho thấy, vụ án oan này “kinh thiên động địa” khiến cho đích thân nhà vua phải chỉ đạo, nên thời bấy giờ oan sai đến mức ấy có lẽ xảy ra không nhiều. Vụ án chắc chắn là một bài học tày liếp cho các quan đương thời.

Hiện nay thì chưa có ai bị cách chức vì xử oan sai một vụ án cả. Không biết thế có nhân đạo, tiến bộ hơn thời nhà Nguyễn hay không nhỉ?!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter