Thứ Tư, 14 tháng 5, 2008

Tổng biên tập hay PV phải chịu trách nhiệm chính ?!

Đây là một bài báo "ế", ế không phải vì chất lượng mà là phía đặt hàng xin lỗi, đã không còn cơ hội để đăng bài này cho số báo ra ngày mai..."trên" nhắc là không bàn ra tán vào nữa. Mời cả nhà đọc chơi.

Việc khởi tố, bắt tạm giam hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải như một trận động đất đối với làng báo và gây lên một cơn dư chấn bức xúc đối với những ai quan tâm đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng gay go, quyết liệt hiện nay. Dẫu nội vụ còn chưa được tiết lộ đầy đủ, nhưng với những thông tin có được trên báo chí mấy ngày qua, nhìn ở khía cạnh pháp lý chúng ta cũng dễ nhận thấy những điều bất ổn trong vụ án này.

Hai nhà báo đều bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 BLHS. Tội danh này quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mới bị coi là có tội. Do đó, cơ quan điều tra sẽ phải chứng minh được về mặt chủ quan, hai nhà báo này có động cơ vụ lợi như thế nào. Với những thông tin hiện nay, sau một thời gian dài gọi hỏi thì có lẽ việc chứng minh này sẽ rất khó khăn.

Nếu chứng minh được khía cạnh trên đây, cơ quan điều tra còn phải chứng minh được dấu hiệu khách quan của tội phạm là họ đã làm trái công vụ. Trong vụ việc này, hai nhà báo đã thực hiện nhiệm vụ được giao là viết tin bài với mục đích cung cấp cho bạn đọc thông tin nhanh nhất về vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, góp phần thúc đẩy vụ án nói riêng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng nói chung. Do đó, không có dấu hiệu làm trái công vụ.

Theo quyết định khởi tố, hai nhà báo này đã dùng những thông tin, trong đó có những thông tin sai sự thật để viết bài. Như báo chí phản ánh một trong những nội dung được nhấn mạnh là tin Bùi Tiến Dũng khai đưa hối lộ cho gần 40 người (hay hàng chục người). Phóng viên có đủ băng ghi âm cho rằng người cung cấp thông tin là tướng Quắc và một điều tra viên, như vậy họ đã thông tin trung thực. Còn nếu, tướng Quắc hay điều tra viên cố tình cung cấp thông tin sai sự thật vì mục đích nào đó thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Có lẽ, cơ quan điều tra cho rằng các nhà báo đồng phạm với các cán bộ điều tra này chăng? Nếu như vậy thì họ lại phải chứng minh được quan hệ đồng phạm này… Để biết ông Quắc có cung cấp thông tin sai lệch hay không, người ta cần nghiên cứu hồ sơ vụ án PMU 18.

Nhiều luật gia đã phân tích các khía cạnh tố tụng, chúng tôi muốn nói đến một khía cạnh khác đó là pháp luật báo chí. Nếu nhà báo viết sai thì phải tuân thủ Luật Báo chí để cải chính, xin lỗi, thậm chí bồi thường thiệt hại, chứ không thể giải quyết bằng vụ án hình sự.

Hơn nữa, một bài báo đăng lên trước hết là tiếng nói của tờ báo đó và Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm chính. Phóng viên cũng như cộng tác viên nộp bài nhưng có được đăng hay không, đăng dài hay ngắn, đăng như thế nào là do Ban biên tập quyết định, vì thế, bỏ qua Tổng biên tập, bỏ qua Ban biên tập mà khởi tố phóng viên cũng là điều phải cân nhắc lại. Thực tế, đã có nhiều bài báo bị kiện ra tòa dân sự và cơ quan báo chí là bị đơn phải chịu trách nhiệm bồi thường và xin lỗi, cải chính. Tại sao cùng một quan hệ mà khi thì áp dụng luật dân sự, khi thì áp dụng luật hình sự?!

Rõ ràng, vụ án này còn để lại dư chấn lâu dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter