Thứ Ba, 20 tháng 5, 2008

Mùa thi đi xem bói

Ba anh học trò đi thi cùng trọ một nhà, có chung tâm trạng thấp thỏm, không biết kỳ thi này có đỗ đạt gì cho bõ công đèn sách hay không. Một hôm có người mách, ở cửa phía Tây có ông thầy bói đồng bút nổi danh, ba anh học trò liền tìm đến.

Nhà ông đồng bút thâm nghiêm, mùi hương khói ngan ngát càng tăng thêm vẻ huyền bí. Quả là tiếng đồn không sai, ba học trò khấp khởi bảo nhau. Sau khi được người nhà dẫn vào nhà trong, một lát mới thấy một ông cụ tướng mạo đẹp đẽ, râu tóc bạc phơ khoan thai bước ra tiếp khách.

Ba anh học trò thành tâm đặt tiền lên đĩa và bày tỏ nguyện vọng xin cụ bói cho một quẻ về kỳ thi sắp tới. Ông cụ lầm rầm khấn vái một hồi rồi khẽ vẫy tay ra hiệu cho cậu tiểu đồng bày bút mực ra. Cụ lắc lư một hồi rồi cầm bút…Ba anh học trò như thấy rõ thần thánh hiển linh, chắp tay làm lễ, mắt nhìn đăm đắm vào tờ giấy trước mặt ông cụ. Ông cụ dầm bút vào nghiên mực, quệt ngang một nét…rồi thôi. Mắt cụ nhắm nghiền, thiêm thiếp, ba anh học trò chờ mãi, đành cất tiếng hỏi nhưng ông cụ không trả lời nữa. Ba anh học trò nhận tờ giấy mà không biết phán đoán ý thánh thế nào cho đúng.

Khách đi khỏi, cậu tiểu đồng mới hỏi sư phụ: Ba người hỏi mà thầy viết mỗi một chữ Nhất (-) thế nghiã là thế nào ạ?

- Viết một chữ Nhất là đúng quá còn gì.

- Con không hiểu ạ.

- Mày đúng là dốt, ông cụ phán. Nếu cả ba cùng đỗ thì Nhất đây là cùng một kết quả; Nếu cả ba cùng trượt cũng thế; Nếu hai người đỗ thì Nhất đây là có một người trượt; Nếu có hai người trượt thì Nhất đây là có một người đỗ.

- Con chịu thầy thật, kiểu gì thầy cũng đúng.

Lời bàn: Câu chuyện trong “Minh Thanh tiếu thoại” bây giờ đọc lại vẫn có giá trị thời sự. Mùa thi cử đang đến gần, không ít người lo chăm con học thì ít lo cúng bái, bói toán thì nhiều. Thật ra, may mắn chỉ đến với những ai làm hết sức mình, thầy bói cũng không giúp gì đuợc cho học trò. Có chăng chỉ là liệu pháp tinh thần của những người thiếu tự tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter