Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

Cỗ ...cỗ...cỗ

Bây giờ đời sống khá lên, vì thế mà cưới cheo cũng ăn uống linh đình hơn trước rất nhiều. Mùa này, các làng quê liên miên cỗ bàn.

Tôi có bà chị họ ở quê, hai vợ chồng cũng làm thuê thôi nhưng ngày cưới con gái cũng phải lo cho bằng chị bằng em. Tiệc cưới được ăn trong hai ngày, hết hơn 300 mâm cỗ. Ai cũng mừng cho gia đình, có con gái lấy chồng lại đông khách khứa đến dự tiệc.

Chỗ người nhà tôi mới biết rằng, sau niềm vui hai ngày cưới, bà chị tôi đang khóc dở, mếu dở. Số tiền mừng đám cưới không đủ chi cho tiền làm cỗ, thiếu gần chục triệu đồng. Với thu nhập hai vợ chồng gần 2 triệu đồng/tháng, lại còn nuôi hai đứa con đi học, không biết bao giờ mới trả hết khoản tiền thiếu nợ này.

Ngoài ra, cuốn sổ ghi tiền mừng cũng là cuốn sổ nợ còn lâu mới trả hết. Tiền mừng ở quê cũng là tiền cho vay đấy thôi, khi nào người ta cưới con lại phải lo mừng trả nợ. Thế là có ngày hai vợ chồng phải nghỉ việc, chia nhau đi dự dăm đám cưới, đám 50 nghìn, đám 100 nghìn... Tính ra cả 300 mâm cỗ cưới ấy gia chủ phải chi cả, chỉ có điều chi trả dần thôi.

Tình trạng như bà chị tôi hiện nay đang khá phổ biến ở quê. Nhà nào cũng ăn hai ngày như thế, cũng đều vài trăm mâm cả.

Đây thực sự là một hủ tục, gây lãng phí rất lớn, nhưng không hề thấy chính quyền có biện pháp ngăn chặn. Chúng ta không duy ý chí như thời chiến tranh, cấm tuyệt đối ăn uống, nhưng cũng cần phải áp dụng nhiều biện pháp tác động để việc tổ chức đám cưới hiện nay tiết kiệm hơn, lành mạnh và phù hợp với điều kiện kinh tế hơn.

Không ít người tâm sự thật là không muốn ăn uống linh đình như vậy nhưng cả làng như thế họ cũng phải theo. Giá như chính quyền có biện pháp nhắc nhở thì hay biết bao...

Đến bao giờ mới lại có thiệp mời đám cưới tiệc trà như ngày xưa nhỉ?!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter