Thứ Hai, 28 tháng 1, 2008

Người VN lạc quan nhất thế giới

GS tương Lai trong một bài báo gần đây đăng trên Người đại biểu cho hay: “Tổ chức Gallup International” (GIA) công bố “người Việt Nam lạc quan nhất thế giới” . Khảo sát của GIA tại 53 nước về mức độ lạc quan của người dân thế giới về năm 2007 cho thấy, cứ 100 người Việt Nam được hỏi ý kiến, thì 94 người biểu tỏ niềm tin về cơ hội việc làm và kinh tế đất nước năm 2007 sẽ khá hơn năm ngoái.
Báo cáo của tổ chức trên cho thấy người Việt Nam lạc quan nhiều hơn gấp đôi so với mức trung bình của thế giới.

2007 là năm đầu tiên quỹ đạo kinh tế nước ta buộc phải vận hành theo cùng với quỹ đạo của thế giới khi Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO. Những cơ hội và thách thức khi vận hành trong quỹ đạo mới đó quả đã ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ và những diễn biến đáng suy ngẫm. Thành tựu thì đã quá rõ: 2007 là năm chỉ số phát triển đã phá kỷ lục của những năm trước đó. GDP đạt 8,5%, là mức cao nhất từ 10 năm trở lại đây, hầu hết các chỉ số đều vượt tốc độ của năm 2006, đặc biệt FDI thực hiện tăng 17% so với 2006; FDI cam kết đạt gần 20 tỷ USD, cũng là cao nhất so với trước đây. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 100 tỷ USD, trong đó dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng đạt đến 20 tỷ USD. Ở đầu vào, vốn đầu tư so với GDP vượt qua ngưỡng 40%, tức là một tỷ lệ cao trên thế giới (sau Trung Quốc: 44%), trong đó, tăng trưởng vốn của khu vực dân doanh đạt cao nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư... Nhiều, còn nhiều nữa để mà thống kê. Nhưng làm sao thống kê cho khắp?
... Thành tựu thì đã rõ và dễ nhận ra, thế còn những tồn tại của yếu kém và thiếu sót thì thế nào? Tăng trưởng cao nhất, đúng. Nhưng chỉ cần nhìn vào những con số “thuần túy” GDP tính theo đầu người của Việt Nam sau đây cũng khiến phải nhìn vào tốc độ và chất lượng của sự tăng trưởng đó bằng đôi mắt nghiêm cẩn và tỉnh táo: Chỉ số đó của nước ta năm 2005 bằng 33% của Trung Quốc (1.940 USD); 2,1% Singapore (29.765 USD), 3,6% Hàn Quốc (17.865 USD); 4,2% Đài Loan (15.387 USD); 12% Malaysia (5.376 USD); 21% Thái Lan (2.993 USD); 43% Indonesia (1.500 USD); và 50% Philippines (1.278 USD).
Và rồi, khoảng cách nói trên lại ngày càng kéo dài ra: Năm 1986, thu nhập theo đầu người của ta kém Trung Quốc 200USD, kém Thái Lan 997 USD, kém Malaysia 1.950 USD, kém Indonesia 550 USD, kém Philippines 440 USD, kém Hàn Quốc 6.940 USD… Thì, 20 năm sau, năm 2006 thu nhập của ta kém Trung Quốc 1.100 USD, Thái Lan 2.140 USD, Malaysia 4.520 USD, Indonesia 750 USD, Philippines 420 USD, Hàn Quốc 17.000 USD... Có nghĩa là, trên đường đua, càng chạy, tuy có tiến lên về phía trước, song khoảng cách trên đường đua giữa ta và những vận động viên khác ngày càng xa ra thêm, và ta vẫn đang là vận động viên chạy áp chót.
Đáng quan ngại hơn, trong so sánh với 125 nước, năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 74 năm 2005, tụt xuống thứ 77 năm 2006 và rồi 2007 vẫn chưa đủ lực và đủ kinh nghiệm để bứt lên khỏi vị thế không lấy gì làm hay đó. Điều đáng suy nghĩ nhiều hơn nữa là hiệu quả chung của nền kinh tế còn thấp, chỉ số ICOR ước tính là 4 - 5 - nghĩa là cao nhất trong khu vực. Chỉ riêng một chuyện tăng trưởng dựa phần lớn vào khai thác tài nguyên, ưu đãi vốn và tăng đầu tư công, hàm lượng chất xám của sản phẩm còn quá thấp, do đầu tư vào nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ còn quá chậm, là đã thấy ngay tính bức xúc của vấn đề đặt ra. So sánh tỷ lệ sử dụng công nghệ cao của nước ta với một số nước ASEAN sẽ thấy rõ sự bức xúc ấy: Việt Nam 2%,Thái Lan 30%, Malayxia 51% và Singapore 73%! Nếu lại so sánh với tốc độ tăng trưởng của các nước NICs ở vào giai đoạn phát triển như nước ta hiện nay thì ta kém rất xa.
Và tất cả những điều trên càng làm lộ rõ ra một sự thật của 2007, không hề có cỗ bày sẵn khi ta đã là thành viên của WTO, chỉ có cơ hội được mở rộng do có một không gian mới về thị trường, dòng chảy của nguồn vốn đầu tư được khơi thông đang tràn vào, và những cam kết quốc tế cho hoạt động thương mại, dịch vụ để phát triển kinh tế mà không phải chịu sự phân biệt đối xử. Đó là những nhân tố tạo điều kiện cho những ai biết khai thác và tận dụng để bứt lên trong xu thế chung của thời đại. Đây chính là thách đố mới cho khả năng nắm bắt và tận dụng được cơ hội để phát triển kinh tế một cách bền vững. “Tăng trưởng về số lượng phải đi đôi với chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi khai thác các yếu tố phát triển theo chiều rộng, phải đặc biệt coi trọng các yếu tố phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức”, như khuyến cáo của Đại hội X, năm 2007 đã thực hiện Nghị quyết đó như thế nào?. Chắc là còn quá nhiều điều phải sòng phẳng trong nhận định.
Cùng với những điều trên, 2007 là năm phải gồng sức chịu đựng và vượt qua những giận dữ của ông trời. Mà cũng chẳng riêng gì Việt Nam, dường như quả đất đang phải nhận lĩnh cơn phẫn nộ đó. ... Trời nổi giận vì người quá bậy, có ý thức hay vô ý thức, đã hủy hoại, thậm chí có nơi là hủy diệt môi trường sống của chính mình. Ph.Angghen đã từng cảnh báo về sự trả thù của thiên nhiên, nay xem ra sự trả thù đó còn dữ dội tàn khốc hơn. Vì vào thởi điểm đưa ra sự cảnh báo đó, thế kỷ XIX, Ph Angghen chưa biết được rằng quả đất nóng dần lên, băng tan làm mực nước biển dâng cao. Cứ mỗi mét nước biển dâng trên toàn cầu sẽ gây thiệt hại 950 tỷ USD, đe dọa trực tiếp cuộc sống của 145 triệu người.
Hàng ngày, hình ảnh đau thương của những gốc cây bị chém cụt ở những khu rừng vừa bị triệt hạ, cất lên tiếng gào thảm thiết và vô vọng của thiên nhiên, những lá phổi của những cơ thể sống chưa bị ung thư đã bị cắt bỏ vì bàn tay con người. Mà vì không có con người chung chung, trừu tượng, con người bao giờ cũng là “con người này” theo cách nói của Hégel, nên phải chỉ ra những con người nào đang tàn phá môi trường.
... Thế là, ngẫm cho kỹ, những kỷ lục, những thành tựu người ta hay nói cũng là chuyện con người. Nét khởi sắc đáng nói vẫn là “con người”, và “mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ” cũng lại do con người. Con người được giải phóng, con người được thăng hoa trong sáng tạo, hay con người cùn gỉ ẩm mốc trong những lối mòn, con người bất thành nhân dạng bị tha hóa bởi quyền lực, trong dục vọng. Trong cái “ngôi làng toàn cầu” đã ngày càng trở nên gần gũi hơn và cũng chật hẹp hơn, mỗi con người đang đối diện với cả thế giới, và cả thế giới cũng bày ra trước con người những thách thức và vận hội. Con người là nguồn lực rất quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn rất nhiều, con người là mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp cách mạng, mục đích tối thượng của phát triển. Phát triển là vô nghĩa nếu không lấy con người, sự giải phóng con người, hạnh phúc của con người làm mục tiêu.Ngôi sao mới nổi” trên bầu trời có tỏa sáng được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, song yếu tố quyết định nhất là con người Việt Nam phải tự thắp sáng mình lên để không bị chìm lấp trong bầu trời đầy sao.
... Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với chặng dừng 2007 để chuẩn bị bước vào 2008, càng thấm thía với lời cảnh báo của những cái đầu đi trước thời đại, vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đã đưa ra khuyến cáo “con đường cũ dừng ở đây. Thế giới đã thay đổi, kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến tính. Những ai chần chừ tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục của quá khứ sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại: Sẽ đi đến đâu và bằng cách nào để đi đến đó khi mà đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi!
Đúng là sẽ quá muộn nếu không từ bây giờ phải soạn thảo một chiến lược quốc gia, như khuyến cáo của UNDP, nhằm đối phó với hiểm họa về nước biển dâng đối với một quốc gia bán đảo ba bề là biển. Và cũng sẽ là quá muộn cho một “chiến lược con người” không được vạch ra một cách thông minh và có những cơ sở vững chắc ngay từ bây giờ từ những điều rút ra được trong những thành bại của năm 2007, chặng dừng chân của một cung đường nhiều thử thách của thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Chắc không phải ngẫu nhiên khi ứng cử viên tổng thống của nước Nga được Putin hậu thuẫn lại đưa vào chương trình vận động tranh cử việc đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế, xã hội của một nước Nga đang lấy lại vị trí siêu cường của mình. Phải chăng đó là bài học đắt giá về sự sụp đổ của Liên Xô trước đây được vận dụng vào thời điểm mới?
GS Tương Lai nói như vậy, còn các bạn, có phải là những người lạc quan không?!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter