Thứ Hai, 28 tháng 1, 2008

Tết đến sau lưng người nghèo

Tết đến sau lưng/ Con cháu thì mừng bác mẹ thì lo, rất đúng với hoàn cảnh hiện tại. Hôm qua, đi chợ Hoa Nhạt Tân, kiếm cành đào phai chơi tết, cành nào cũng hét 400-500 nghìn đồng. Đang bâng khuâng vì khoản chơi tết đắt đỏ, đọc mấy trang báo ngày mà lòng se lại, khắp hai miền Nam Băc, ở đâu cũng còn quá nhiều người lo chưa đủ ăn, nghĩ gì đến Tết...

Báo Tiền Phong gặp một vài người, cho hay đối với một số người dường như trong họ từ lâu đã không tồn tại khái niệm về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Ảnh: Lê Thơm

Chỉ hơn một tuần nữa là đến Tết. Không khí tết đang gõ cửa từng nhà. Hàng hóa, bánh kẹo, hoa quả, quần áo tràn ngập thị trường sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho dịp tết năm nay.

Hầu hết ai cũng khấp khởi vui mừng khi nghĩ về ngày Tết. Chỉ có những người phụ nữ như chị Bắc quê Hưng Yên là lo lắng tất bật hơn. 20 năm nay, chị gắn bó với nghề bán hàng mã rong ruổi khắp phố phường Hà Nội.

Khuôn mặt chị vốn vất vả, khi nói vẻ khắc khổ hằn lên rõ hơn. Chị lắc đầu chép miệng than thở: “Giá cả, phân gio đồng loạt tăng giá đến chóng mặt. Tôi với nhà tôi làm 12 sào ruộng chỉ đủ đong gạo hàng ngày còn thì không biết làm gì mà ăn. Khổ lắm!”.

Chị giải thích thêm: “Phải đi làm thêm thế này mới có thêm chút tiền mà trang trải thịt cá, bánh kẹo và đồ dùng cho ngày Tết chứ”.

Mặc dù con cái đã ai yên phận nấy nhưng người phụ nữ gần 60 tuổi này vẫn quẩy gánh hàng rong lặn lội kiếm sống. Nhắc đến ngày Tết với chị, nhận lại là nụ cười nhạt nhẽo chứa đựng bao chua xót và mệt mỏi đời thường như muốn buông xuôi.

Sự dửng dưng với ngày Tết của chị Bắc còn có thể được, nhưng với chị Linh, người phụ nữ bán bánh mì rong bên cầu Long Biên có ba con nhỏ thì dù nghèo cũng không thể làm ngơ khi Tết đang về.

Những bậc làm cha làm mẹ như vợ chồng chị không nỡ để con trẻ mất đi niềm vui ngày Tết với bánh kẹo, bánh chưng, giò, quần áo xúng xính ngày Tết. Lọ mọ từ 3 giờ sáng bắt xe từ Hà Tây lên Hà Nội bán bánh mì rong bên chân cầu Long Biên để mong kiếm được 20 – 30 ngàn đồng cho bữa cơm chiều muộn mằn với chồng con.

“Thôi thì gia đình hoàn cảnh, con nhà người ta có bộ quần áo mới 50 ngàn đồng thì mình cũng cố mua cho con bộ 20 ngàn đồng; nhà người ta có 10 cái bánh chưng, con mình cũng phải có vài ba cái. Vừa trốn lủi công an vừa bán bánh ngoài đường cơ cực lắm nhưng đây là công việc duy nhất chị có thể làm”.

Nhà nghèo, bé Mai vẫn mong mẹ mua cho mình bộ quần áo mới

Ngày Tết càng trở nên bi thảm hơn với những số phận dập dềnh trên bãi sông Hồng, quận Long Biên, Hà Nội. Những con người mới nhìn là thấy khổ không thể cố gắng cho một ngày tết ít ra cũng như chị Bắc hay chị Linh. Từ lâu trong đầu họ đã không tồn tại ý niệm về ngày tết dân tộc.

Tội nghiệp nhất vẫn là lũ trẻ nơi đây. Chỉ cách một cây cầu nhưng chúng phải sống trong một thế giới hoàn toàn khác so với lũ trẻ thành thị. Khoác trên mình những chiếc áo rét mỏng manh, bé Mai lủi thủi một mình trên tấm ván bắc qua sông mân mê đất cát và nước sông Hồng.

Người lớn không có Tết, nhưng trẻ nhỏ cũng bị tước đi quyền vui chơi, mặc đẹp dịp Tết. Nhà ai khá hơn thì mãi đến 29 – 30 Tết mua cặp bánh chưng, một hộp mứt đặt lên bàn thờ cho có không khí truyền thống ngày Tết, vừa để cho con trẻ biết hôm nay là ngày Tết.

Dáng người phụ nữ đi xiêu vẹo trong gió như chực gục ngã giữa bãi sông Hồng. Chị đang bị sốt virut nặng, hai con mắt đờ đẫn vì mệt mỏi, hơi thở khó khăn nói trong vô vọng: “Thử lên cầu đi làm nhưng làm không được đành quay về”.

Chúng tôi đến làng nghề đan lát xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa. Ở nông thôn có một cái nghề phụ là có thêm một cần câu cơm, thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống trong khi hạt thóc ngoài đồng giờ đây chỉ đủ ăn.

Nghề đan lát phát triển đã đem lại cho xã Hoằng Thịnh một bộ mặt sáng sủa hơn hẳn các xã bên. Vậy mà vẫn còn có những gia đình như gia đình anh Hòa phải vay mượn cho cái Tết năm nay.

Anh Hòa da dẻ đen đủi, đầu tóc bù xù chỉ biết nín lặng chua chát: “Cái gì cũng tăng giá, nhất là thịt lợn. Đã 2 tháng nay chúng tôi chưa được nếm miếng thịt lợn. Tết nhất đến đành vay mượn hoặc mua chịu thịt để có cái gọi là Tết cho đứa con duy nhất còn lại”.

Những thú vui ngày Tết như đào, quất, hoa quả không hề được nhắc đến, đối với bà con đó chỉ là những mặt hàng xa xỉ.

Hiện nay, cả xã có 50% học sinh chưa đóng đủ tiền học phí. Tết 2008, trường THCS Hoằng Đông đã tổ chức quyên góp chia sẻ niềm vui ngày Tết cho những người nghèo trong xã. Mỗi giáo viên 20.000 đồng, học sinh 2.000 đồng. Số tiền tuy ít ỏi nhưng phần nào làm ấm lòng những người nghèo khổ nơi đây.

Ở phiá Bắc đã vậy, phía Nam qua báo NLĐ cũng bi đát không kém.

Thời tăng giá muốn sửa lại cái bếp, nấu bữa cơm ngon, chị Võ Thị Vui cũng bất lực

Chúng tôi ghé An Thới Đông đúng dịp xã hỗ trợ dây kẽm cho dân buộc lại nhà để phòng bão. Ở tổ 20, ấp An Bình, đứng bên căn nhà tranh xác xơ, anh Nguyễn Văn Dâu luôn miệng thúc hai đứa con nhỏ khiêng tấm tranh cho anh che lại cái mái bị tốc. Thấy tôi ngơ ngẩn nhìn “túp lều lý tưởng” của mình, anh chép miệng: “Chắp vá một chút, Tết đỡ dột, chứ kèo cột cũng mục hết rồi, thay lại chịu tiền không thấu”. Chỉ về phía hai đứa con, anh nói: “Mấy bữa nay, tui không cho tụi nhỏ ngủ ở đây, phải vào nhà ngoại ngủ. Tối nhà này sập chạy không kịp thì chết”.

Không riêng nhà anh Dâu, hàng trăm mái nhà tranh của các hộ nghèo khác trong xã cũng đang sống chông chênh giữa hai cơn bão: cơn bão trời (khốc liệt nhất là cơn bão số 9 vào tháng 12-2006) và cơn bão giá. Riêng khu đất tổ 17 ấp An Bình, có khoảng 10 nóc nhà thì đến hơn phân nửa là nhà lá. Ghé qua chỗ trú ngụ của chồng con chị Võ Thị Vui, chúng tôi muốn rơi nước mắt. Căn nhà chưa tới 20 m2, lại kê đến 3 cái giường cho 6 người ngủ. Trước nhà, mái lá chắp vá rơi lả tả. Sau nhà là mấy cây cột đang trốc gốc. Nhìn một lượt cả cái tổ ấm này rách bươm như vừa đi qua một trận lốc xoáy dữ dội. “Đây là nhà góp, chứ không phải nhà mua. Từng miếng ván, tấm tranh đều do bà con thương mà cho. Bây giờ nhà rách, nền đất thì quá thấp, nước sông lên là ngập nhưng một tấm tranh lúc trước 170 đồng giờ lên 230 đồng, một xuồng đất đắp nền chừng 200.000 đồng giờ cũng lên giá đến 350.000 đồng, sửa nhà thì chết mất”.

Mấy đứa con của anh Võ Văn Lùng đang chờ chực ở mé sông đợi cha mang ốc về ăn với bữa cơm chiều. Anh Lùng cũng như hàng trăm người dân nghèo trong xã này đang từng ngày bám lấy con ốc, con cua dưới gốc cây đước, cây dừa giữa rừng ngập mặn mà sống. Đây là “nghề truyền thống” của xã. Nhưng đúng cái thời tăng giá thì con cua con ốc lại hết mặn mà với người nghèo. “Ốc đen thì ăn, ốc đỏ thì bán, mỗi ký ốc đỏ bán được 50.000 đồng nhưng gần Tết lại hiếm, phải vào sâu trong rừng mới có. Đi cả ngày, mò được chỉ nửa ký”, chị Nguyễn Thị Kim Huệ, vợ anh Lùng, than. Nhà có được chiếc xuồng để chồng vào rừng bắt ốc bắt cua thì cũng phải bán nốt để lấy tiền chữa bệnh sốt xuất huyết cho con gái.

Cái nợ đã trở thành nỗi ám ảnh của những người dân nghèo trong xã này. Nợ bà con thì khất dần, nợ quỹ xóa đói giảm nghèo, làm ăn thất bát, nhiều năm rồi cũng được miễn. Nhưng còn nợ ngân hàng thì sao? Chị Võ Thị Nõn co rúm người: “Nhà tui đem cái gò đất thuế chấp vay thêm ngân hàng 10 triệu nhưng rốt cuộc 3 năm nay vẫn chưa trả được nợ, cứ nơm nớp lo bị xiết đất”. Đi dọc ấp An Bình, hỏi thăm mấy nhà nằm trong diện xóa đói giảm nghèo thì hầu như nhà nào cũng vay vốn nhưng rồi thành cục nợ quá hạn. Nếu không cặm cụi mò cua ốc trong rừng ngập mặn thì họ đều theo cái nghề “ai kêu gì làm nấy”. Chị Nguyễn Thị Phiến (tổ 17) nói: “Công việc bữa được bữa mất nhưng không lên TP làm được, ở đây đói thì có con cua con ốc ăn, ở phố giá cả trên trời, đói cắn răng à?”

Sao cho mùa Xuân đến với tất cả mọi nhà, các ông các bà ơi!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter