Thứ Tư, 30 tháng 1, 2008

Từ một dân tộc biện bác đến một dân tộc tư duy

Trò chuyện với TS VŨ MINH KHƯƠNG

(Trường chính sách công Lý Quang Diệu- Đại học Quốc gia Singapore)

Nguyễn Phan Khiêm

TS Vũ Minh Khương là giảng viên Trường chính sách công Lý Quang Diệu- - Đại học Quốc gia Singapore. Nhân dịp anh về nước giảng bài theo Dự án Đào tạo Chính sách công do Ngân hàng Phát triển châu Á phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề phát triển đất nước.

Nắm bắt cơ hội

Hai năm trước anh đã viết bài “Cơ hội của Thánh Gíóng”, cho rằng đất nước ta đang đứng trước một cơ hội lớn, một bước ngoặt trọng đại. Nhìn lại, chúng ta đã rẽ vào bước ngoặt ấy chưa? Chúng ta đã nắm bắt cơ hội như thế nào, thưa anh?!

Tôi nghĩ là Việt Nam đã bước vào bước ngoặt đó nhưng dường như chúng ta chưa đủ ý chí quyết tâm và tầm nhìn để nắm bắt triệt để cơ hội lớn lao này.

Những nỗ lực đáng kể của Việt nam dường như vẫn chỉ xoay quanh mô hình “cởi trói” đã định hình trong công cuộc đổi mới vừa qua để rồi thụ động chờ đợi. Dường như, thế giới đang nắm bắt cơ hội và khai thác Việt Nam hơn là Việt Nam đang chủ động nắm bắt vận hội mà thời đại đã mang lai. Chúng ta chưa mở ra được thế trận mới để cả toàn dân bước vào với sức mạnh quật khởi của ý chí dân tộc và nguồn lực toàn cầu.

Một dân tộc nào vượt lên cũng đều phải có được những vị tướng kiệt hiệt và những đội quân quả cảm, đặc biệt trên các mặt trận được xác định là có tính quyết chiến chiến lược. Về mặt này, tôi chưa thấy dấu hiệu của những chuyển biến vượt bậc.

Tại sao chúng ta nắm bắt cơ hội vàng cho công cuộc phát triển hôm nay chưa thật mạnh mẽ?

Nắm bắt cơ hội cho phát triển của một dân tộc tùy thuộc nhiều vào não trạng của họ. Não trạng “biện bác” nhìn thế giới với sự chủ quan, ngờ vực và luôn cố tìm ra nguyên nhân khách quan cho mọi thách thức hay thất bại mà mình gặp phải. Não trạng “tư duy” nhìn thế giới với con mắt khách quan và sự xét đoán khoa học, với niềm tin thế giới là kho tri thức và tài nguyên vô giá cho học hỏi và khai thác.

Dân tộc với não trạng “biện bác” thường thụ động, ngại đổi thay cho đến khi rơi vào vòng xoáy không cưỡng lại được của thời đại để rồi phải chịu những tổn thất và thua thiệt trong nhiều thế hệ. Dân tộc với não trạng “tư duy” thấm thía những bài học của quá khứ, thôi thúc bởi mục tiêu to lớn cho tương lai, tìm mọi phương cách nắm bắt các cơ hội và tránh những hiểm nguy do thời đại mang lại.

Với não trạng “biện bác” nước ta rơi vào sự đô hộ của Pháp và chúng ta có dư lý lẽ để kết tội sự tham lam, tàn bạo của thực dân Pháp đã làm dân ta bị đầy đọa trong suốt 80 năm trời.

Với não trạng “tư duy” dân tộc Nhật bản, trong cùng thời gian đó đã vượt lên với khẩu hiệu: “xây dựng đât nước Nhật bản bằng tinh thần của người Nhật Bản và tinh hoa tri thức của toàn nhân loại”. Nhật Bản có lẽ là nước có ý thức học hỏi cao nhất và ít có sự trách cứ các yếu tố khách quan nhất. Họ hiểu rõ mọi thành công và thất bại đều ở trong tay họ.

Xin anh cho thêm ví dụ về dân tộc với khả năng “ tư duy”.

Singapore là một ví dụ sinh động. Tầm nhìn xuyên suốt của họ là dân tộc Singapore phải là một dân tộc “tư duy”. Một dân tộc, tổ chức, hay cá nhân với chỉ quen “biện bác” sẽ không bao giờ trưởng thành.

Trong tư duy, người Singapore nhấn mạnh “tư duy chiến lược”, ‘tư duy học hỏi”, và “tư duy cải cách”.

“Tư duy chiến lược” đòi hỏi có tầm nhìn, hiểu rõ cơ hội và thách thức của tương lai để hoạch định được chiến lược khôn ngoan và hữu hiệu nhất cho công cuộc phát triển. Họ hiểu rất rõ phải làm gì để khai thác triệt để cơ hội do sự cất cánh của hai nền kinh tế khổng lồ kề cận Trung Quốc và Ấn Độ mang lại; đồng thời cũng tích cực chuẩn bị cho tình huống nước biển sẽ làm ngập một diện tích lớn của Singapore do khí hậu trái đất nóng lên.

“Tư duy học hỏi” ý thức cao độ việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong mỗi quyết định quan trọng của mình. Ông Lý Quang Diệu ước tính là 70% ý tưởng thực hiện bởi chính phủ Singapore là dựa trên kết quả trực tiếp của sự học hỏi[1]. Chẳng hạn, sân bay Logan ở Boston cho thấy bố trí sân bay ven biển giúp tránh tiếng ồn và tiết kiệm diện tích đất. Học hỏi ý tưởng này, Singapore đã mạnh dạn từ bỏ sân bay cũ với giá trị 500 triệu USD, để xây dựng sân bay mới Chengi như ta thấy ngày nay. Một vài bài học nổi bật mà Singapore đã học hỏi từ các dân tộc khác là:

· CCampuchia (của những năm 1960) về ý tưởng thanh phố vườn.

· IsIrael về học thuyết quân sự và cách tổ chức quân đội để làm sao bảo vệ một nước nhỏ an toàn trước sự đe dọa của những người láng giềng lớn hơn.

· HHà Lan về cách quản lý và đánh giá nhân sự.

“Tư duy cải cách” đòi hỏi người lãnh đạo có sự kết hợp hài hòa giữa ý chí quyết tâm, lòng tự tin, và tính khiếm tốn, để cùng đội ngũ của mình và toàn dân tìm kiếm chân lý từ thực tiễn để rồi dũng cảm thay đổi, cải cách để đủ tầm và lực nắm bắt vận hội mới do thời đại mang lại.

Tôi cũng rất ấn tượng với kế hoạch 747 của ông Lee Myung-Bak, người vừa được nhân dân Hàn Quốc bầu làm tổng thống. Ngoài nỗ lực đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người 40.000 USD vào năm 2015, họ còn nỗ lực giúp CHDCND Triều Tiên đạt mức tăng trưởng 17%/ năm và mức thu nhập bình quân 3.000 USD đầu người trong những năm tới.

Để nắm bắt vận hội đang tới của nước mình, dân tộc Việt Nam ta nhất định phải chuyển từ não trạng “biện bác” sang não trạng “tư duy” trên cả ba mặt: “tư duy chiến lược”, “tư duy học hỏi” và “tư duy cải cách”. Tôi ước muốn Chính phủ sớm ra quyết định lập bộ cẩm nang học hỏi cho tất cả các bộ ngành và địa phương. Mọi quyết sách đều phải được xây dựng dựa trên tham khảo kỹ lưỡng 10 kinh nghiệm hay nhất của thê giới.

Điều gì có thể tạo ra bước ngoặt để một dân tộc chuyển từ “biện bác” sang "tư duy”, thưa anh?

Tôi nghĩ là trăn trở về nỗi nhục quá khứ và hiện tại của quốc gia và khát vọng tương lai của dân tộc. Ông Đặng Tiểu Bình đã làm việc này rất thành công khi họ khởi đầu công cuộc cải cách. Tôi được người bạn Trung Quốc kể rằng, trước khi họp bàn Bộ Chính trị về các vấn đề quan trọng, đặc biệt là nhân sự, ông ấy cho mọi người xem tấm biển “khu này cấm chó và người Trung quốc” và bộ phim tài liệu về cảnh hành hình vợ chồng chủ tịch Ceausescu, lãnh đạo cũ của Roumanie. Các thành viên cuộc họp khi xem xong đều thấy xúc cảm mạnh mẽ về nỗi nhục quá khứ và lo lắng cho sự vững bền của hệ thống trong tương lai nên họ quên có thể đi những vụ lợi và mưu tính cá nhân để dồn trí lực và tâm huyết cho sự nghiệp chung.

Chính sách công của ta ?

Anh có nhận xét khái quát gì về chính sách công ở Việt Nam?

Chính sách công là một vấn đề có vai trò nền tảng cho công cuộc phát triển của mỗi quốc gia vì nó quyết định chất lượng của năm nhóm sản phẩm công trụ cột mà chính phủ một nước phải cung cấp cho người dân; đó là: dịch vụ công quyền, giáo dục, sức khỏe-y tế-thực phẩm, giao thông-qui hoạch đô thị- nhà ở, an toàn cá nhân, chất lượng của môi trường tự nhiên và xã hội.

Người làm chính sách trong thiết kế và triển khai một chính sách công phải giống như một người kỹ sư chịu trách nhiệm đưa ra một sản phẩm hay một doanh nhân thiết lập hay tái cấu trúc lại một doanh nghiệp. Họ đều phải tính đến giá trị thực sự mà nỗ lực của mình sẽ mang lại cho khách hàng hay nhà đầu tư.

Chính sách công của ta nói chung còn rất hạn chế trên cả ba tiêu chí đánh giá chủ yếu: hiệu quả (lợi ích trừ chi phí); hiệu lực (minh bạch và xác quyết); và công minh (người chấp hành thấy hợp tình hợp lý). Một nguyên nhân căn bản của tình trạng chất lượng chính sách công của ta còn thấp là do người làm chính sách công của ta chưa bị kiểm định và đánh giá bởi người dân nên không phải trăn trở tìm cách đáp ứng kỳ vọng của họ.

Điều đáng quan ngại là chính sách công của ta thiếu hàm lượng trí tuệ, đặc biệt ở tính phân tích thấu đáo và tầm chiến lược; do đó các chính sách công thường giải quyết sự vụ, hơn là tìm ra điểm căn nguyên có tính đột phá. Khi thiết kế một chính sách công, ta thường không đi phân tích thấu đáo vấn đề gốc rễ mà thường đi ngay vào một vấn đề nhánh, không then chốt để rồi dồn sức lực để giải quyết vấn đề không phải là chính yếu này.

Chẳng hạn, trong thách thức giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ chúng ta dồn ngay sức vào vấn đề nhánh là đội mũ bảo hiểm; trong vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chúng ta bắt ngay vào ưu tiên thực hiện đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ. Các cơ quan chức năng, do đó bận rộn với việc cố gắng chứng minh tính khả thi của các vấn đề nhánh do ai đó đặt ra để rồi dốc sức thực hiện nó, hơn là phân tích thấu đáo và toàn diện, tìm ra các vấn đề căn nguyên để đi tới chính sách có sức đột phá nhằm giải quyết vấn đề chính yếu một cách triệt để với hiệu quả và hiệu lực cao nhất.

Nếu anh có một đề nghị để đất nước chúng ta chuyển từ “biện bác” sang “tư duy”, anh sẽ đề nghị gì?

Tôi thực sự muốn thấy mô hình “Thành phố toàn cầu” theo kiểu Singapore ở Việt Nam. Trong công cuộc phát triển ở thế kỷ 21 này, mỗi dân tộc đều cần có những thử nghiệm mạnh dạn với sự đóng góp cao nhất tài năng và tâm huyết của toàn dân tộc. Khu kinh tế đặc biệt như đã thấy ở Trung Quốc đi tiên phong trong cải cách thể chế kinh tế đã thu những thành quả đặc biệt. Chúng ta hiện nay không chỉ mày mò về mô hình kinh tế mà cả mô hình chính trị.

“Thành phố toàn cầu” sẽ đi tiên phong thử nghiệm cả về thể chế kinh tế và mô hình chính trị và chắc chắn sẽ thu được những kết quả kỳ vĩ, cả về phát triển kinh tế và củng cố lòng tin của người dân và cộng đồng quốc tế vào tương lai của đât nước chúng ta.

Tôi ước mong thấy Khánh Hòa là tỉnh được lựa chọn để xây dựng thành “Thành phố toàn cầu”. Đây sẽ là không chỉ là thông điệp của chính phủ đến người dân, cũng không chỉ là thông điệp của Việt Nam với thế giới, mà là thông điệp của thế hệ hôm nay đến thế hệ mai sau về ý chí và tầm nhìn của dân tộc chúng ta trong sự nghiệp kiến quốc./.

Xin cảm ơn anh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này.

Bài đăng trên báo Công lý số Tết mậu Tý 2008, bị cắt đi một số chữ.

[1] Xem thêm “DYNAMIC GOVERNANCE-Embedding Culture, Capabilities and Change in Singapore”

by Boon Siong Neo and Geraldine Chen, Singapore :World Scientific, 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter