Thứ Ba, 15 tháng 1, 2008

Tạ Đình Đề (tiếp và hết)

Con gái, con trai và người cháu gọi TDD bằng chú tại Lễ trao Huân chương (Ông Đề có hai con trai, một con gái)

Bị giam lỏng vì đi cải cách ruộng đất

Tạ Đình Đề được giao nhiệm vụ làm đội trưởng một đội cải cách về Thanh Hà, Hải Dương, vùng đất ông đã từng hoạt động và được cưu mang. Khi bắt tay vào cải cách ruộng đất ông mới thấy hoang mang, day dứt. Nhà báo Xuân Ba đã trò chuyện với Tạ Đình Đề và ghi lại trong “Tạ Đình Đề- huyền thoại và sự thật” rằng, đội cải cách coi việc bắn người như một thành tích, họ tử hình địa chủ một cách tuỳ tiện.” Sao, đội mày đã tìm được tay ác bá nào chưa? Bên tao mấy bữa nay “pằng pằng” ba tên rồi. Trên khen là vượt mức đấy!”...Có nhiều buổi ông ngồi ghế chánh án mà như ngồi trên đống gai. Người ta lăn xả vào mà đấu , mà chửi, ném đất đá, nhổ nước bọt vào mặt kẻ bị đấu chỉ vì trước đây bữa cơm của thợ gặt thiếu mất nửa bát tương. Chưa hết, chính mắt anh còn trông thấy cảnh con tố cha, anh tố em chỉ vì hiềm khích nho nhỏ từ đời nảo đời nào rồi nâng lên thành kẻ thù giai cấp...

Ghê sợ hơn, có một đêm ông còn trông thấy một đội trưởng đang ngồi chơi cờ tướng. Đôị trưởng đang nhăn trán, cau mày vì gặp nước chiếu bí thì một cốt cán len vào đưa một tờ giấy gì đó ”Bẩm đồng chí đội trưởng ký ạ”. “Ký cái gì?”- đội trưởng quắc mắt hỏi người mới đến. “Dạ thưa, ký lệnh mai tử hình hai tên ác bá ạ”. Tay vẫn vê vê con xe, mắt vẫn nhìn vào bàn cờ, đội trưởng giọng đều đều ” Đã điều tra kỹ chưa?”. “Dạ thưa đồng chí, chúng con điều tra kỹ rồi ạ”. Nghe vậy đôị trưởng vẫn không nhìn lên, rút chiếc Parker đánh tách rồi ký roạt vào tờ giấy vô tri nọ.

Vô tình chứng kiến cảnh đó, ông rùng mình. Cơn giận đâu làm ông không tự chủ được...Ông nhảy ngay vào ổ rơm, nơi đồng chí đội trưởng khoác tấm chăn trùm hum đang đánh cờ, túm ngực lôi dậy “Này anh có biết tội anh thế nào không, ký giấy tử hình mà như ký giấy mời họp vậy? Anh quan liêu nó vừa vừa chứ?”...

Những chuyện như vậy cộng với thành tích “lệt bệt” của đội ông phụ trách,( đội không đề nghị tử hình một đối tượng nào- Đại tá Quách Hải Lượng cho hay) nên cuối cùng ông bị đánh giá là có tư tưởng thông đồng với kẻ thù giai cấp mà lại còn ngoan cố...Thế là ông bị “gô cổ “ lại và giam lỏng trong một ngôi đình gần bốn tháng. Rồi có lệnh sửa sai, ông thả và trở về làm đường sắt, làm Chủ nhiệm Tổng kho Lạng Sơn, rồi về Đoạn trưởng Đoạn đầu máy toa xe Hà Nội.

Về ngành đường sắt và phiên toà 6 ngày

Về ngành đường sắt ông được giao làm Trưởng ban Thể dục thể thao rồi kiêm Xưởng trưởng xưởng dụng cụ cao su. Đây là giai đoạn phản ảnh lối tư duy táo bạo, thiết thực và giỏi giang của ông trong việc làm kinh tế, giữa thời bao cấp nhiều khó khăn, ràng buộc. Nhà báo Ngọc Phúc đã có bài gọi ông là “Một cánh én” báo hiệu mùa xuân, tương tự như Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) trong làm kinh tế. Tiếc rằng “cánh én” Tạ Đình Đề xuất hiện quá sớm, giữa những năm chống Mỹ ác liệt nên chưa gặp thời, dẫn đến tại hoạ đổ xuống đầu ông.

Năm 1965, ông biết ông Nguyễn Văn Thi- Đội viên đội biệt động của ông ngày trước làm vợt bóng bàn nổi tiếng, ông mời ông Thi về bàn chuyện sản xuất. Lúc bấy giờ vợt bóng bàn phải mua từ nước ngoài khá đắt đỏ nên sản phẩm của tổ làm ra được thị trường tiêu thụ rất tốt. Từ tổ sản xuất đã nâng lên thành Xí nghiệp, sản xuất ngay tại trụ sở của Ban Thể dục thể thao 65 phố Quán Sứ. Anh chị em vận động viên, cầu thủ, diễn viên đoàn văn công ngoài giờ luyện tập đều đến xưởng tham gia sản xuất vợt bóng bàn.

Năm 1970, theo chủ trương của Tổng cục Đường sắt, xí nghiệp chuyển xuống Giảng Võ để mở rộng sản xuất. UBHC tp Hà Nội đã duyệt cho 15 ha nguyên là bãi tha ma. Xí nghiệp phải di dời gần 400 ngôi mộ và đắp đường. Tháng 12-1972 cơ sở ở Quán Sứ bị cháy nên kế hoạch xây dựng càng gấp rút hơn để có thể tiếp tục sản xuất vào năm 1973. Để mở rộng sản xuất xưởng cao su cần đến nhiều nguyên vật liệu và máy móc, lúc đó lại khan hiếm, Tạ Đình Đề nảy ra sáng kiến, tận dụng những máy móc phế liệu do chiến tranh phá hoại còn vứt dọc đường quốc lộ 5. Ông liền đến xin ông Đinh Đức Thiện- Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và được ủng hộ ngay.

Nhờ sự quyết tâm của Tạ Đình Đề và lãnh đạo xí nghiệp nên trên mảnh đất tha ma ấy nhà xưởng, rồi hội trường, nhà trẻ, khu văn phòng lần lượt mọc lên…Không ngờ công ấy trở thành cái để họ hạch tội ông sau này.

Để khuyến khich người lao động, ông Đề và lãnh đạo xí nghiệp áp dụng hình thức khóan sản phẩm, khoán công việc đến từng người, từng tổ và trả lương theo sản phẩm, thực hiện thưởng lương tháng 13 để công nhân có tiền ăn tết. Công nhân được đưa đón bằng xe ô tô và ăn giữa ca không mất tiền…Bây giờ nghĩ đó là những việc làm bình thường nhưng lúc đó là sự kiện chấn động tư duy kinh tế kế hoạch hoá, bao cấp triệt để của thời chiến. Nhờ đó mà sản phẩm của xí nghiệp ngày càng đa dạng, được xuất khẩu, có thời điểm xuất cho thị trường 9 nước XHCN.

Đội bóng đá đường sắt có điều kiện được quan tâm đầy đủ nên trở thành một đội bóng mạnh lúc bấy giờ.

Trong đội ngũ công nhân của Xí nghiệp có những người có tiền án tiền sự, người không có nghề nghiệp, người thất cơ lỡ vận... Được nhận vào họ đều làm việc hăng hái và có kết quả tốt. Có hai nghệ sĩ đang thất cơ lỡ vận được ông nhận vào, dù lúc đó xã hội còn chưa ai biết đến họ, đó là thi sĩ Lưu Quang Vũ và nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Nhờ sự cưu mang của ông mà ngành đường sắt có bài “ngành ca” nổi tiếng “Tàu anh qua núi” và cũng từ đó người yêu nhạc biết đến Phan Lạc Hoa. Lưu Quang Vũ sau này trở thành kịch tác gia nổi tiếng đã lấy từ nguyên mẫu Tạ Đình Đề và xí nghiệp cao su này để làm chất liệu dựng vở kịch “Tôi và chúng ta“ nổi tiếng...

Giữa lúc công việc trôi chảy và phát đạt ấy thì ngày 27-11-1974, Tạ Đình Đề và vị phó của ông là Nguyễn Xuân Luật bị bắt giam, vì nghe đâu có đơn tố cáo ông Đề ba tội: chứa thuốc nổ và vũ khí; tập hợp các phân tử xấu và rút tiền mặt chi tiêu vô tội vạ…

Sau 18 tháng giam cứu, ngày 7-6-1976 Tạ Đình Đề và các đồng phạm được đưa ra TAND tp Hà Nội để xét xử. Phiên tòa kéo dài 6 ngày trở thành một sự kiện chấn động dư luận thời bấy giờ.

Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt Hà Đăng Ấn cho anh em xí nghiệp nghỉ vịêc để đi tham dự phiên tòa. Nhiều anh em công nhân ôm hoa đứng ở cổng Hỏa Lò để tặng ông khi Công an dẫn sang Tòa án. Quảng trường Tòa án ngày nào cũng đông nghịt người theo dõi phiên tòa.

Bà Thẩm phán Phùng Lê Trân đã làm rõ từng nội dung cáo trạng buộc tội Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác trong vụ án. Hội đồng xét xử nhận định: Toàn bộ hoạt động của Tạ Đình Đề từ 1971 đến 1974 là thấy việc gì có lợi cho đơn vị thì kể cả móc ngoặc, xin nhượng, mua bán, đổi chác để thực hiện bằng được. Thấy mặt hàng gì có khả năng bán được là tung tiền ra mua kỹ thuật và đầu tư sản xuất, trước mắt lấy lãi phục vụ kiến thiết cơ bản, hoạt động thể dục thể thao và mục tiêu lâu dài là đưa xí nghiệp trở thành xí nghiệp lớn, kinh doanh tổng hợp. Kết quả đạt được là một cơ ngơi khang trang được hoàn thành trong hai năm trên một bãi tha ma và ao rau muống…Các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có tư lợi.

Cáo trạng dựa vào một bản báo cáo thanh tra, nhưng Thẩm phán Phùng Lê Trân phân tích: Báo cáo của đoàn thanh tra liên bộ chưa có căn cứ để tin. Xét về nguyên tắc thì không có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên bộ. Báo cáo thanh tra không có ngày tháng, không ghi những ai, tên gì, của cơ quan nào được cử tham gia đoàn thanh tra. Không ghi ai là đoàn trưởng, đoàn gồm có mấy người…nên không thể xem đây là văn bản có giá trị pháp lý.

Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên trong công văn số 72 ngày 4-12-1974 khẳng định :”Có những việc liên quan đến Tổng cục đường sắt và Bộ có trách nhiệm, không phải giám đốc xưởng tự ý làm”… Hội đồng xét xử quyết định Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác không phạm tội cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây thiệt hại cho tài sản XHCN; không phạm tội tham ô và hối lộ. Tạ Đình Đề và các bị cáo khác được trả tự do.

Lời tuyên án vang lên trong tiếng hoan hô vang dội của những người tham dự phiên tòa. Người ta ào vào công kênh Tạ Đình Đề như người anh hùng…

Ngay sau phiên tòa, Tổng cục đường sắt đã phục hồi ngay quyền lợi như lương bổng, chức vụ cho Tạ Đình Đề. Nhưng số phận ông vẫn chưa hết rủi ro. Ngày 15-8-1985 ông lại bị bắt về tội “Tuyên truyền phản cách mạng”. Nhưng mọi nghi ngờ được giải tỏa, cuối năm 1987, Tạ Đình Đề được trả tự do và phục hồi quyền lợi mọi mặt.

**

Nhà văn Mai Ngữ kể “Sau này thỉnh thoảng gặp ông Đề ở nhà bè bạn, khi nghe có người giới thiệu, ông Để thường nói: “Cả nước đánh Đề , Đề không chết/ Chung quy Đề đỗ tú tài (tái tù)...”. Nói cho vui thế thôi nhưng Tạ Đình Đề là con người rất hiền lành, bia rượu hay thuốc lá chưa bao giờ dùng, cái con người mà hồi chín năm tôi được nghe bao nhiêu là chuyện như là huyền thoại sao mà ít nói, hay có bao nhiêu điều không muốn nói ra. Hôm đi lĩnh huy hiệu 50 tuổi Đảng, ông đến Câu lạc bộ Ba Đình bỏ cái phong bì kèm theo huy hiệu ấy có năm chục nghìn mua bia cho tất cả anh em cùng uống, riêng ông thì không. Một lần có bạn nào đó đọc lại hai câu thơ kiểu Bút Tre cho ông nghe: “Hoan hô anh Tạ Đình Đề/ Trước làm gián điệp sau về với ta”, ông chỉ cười nụ, bảo rằng thiên hạ đồn thổi về ông quá nhiều nên ông cũng hay mắc vạ về những lời đồn thổi ấy. Ông im lặng và tôi cũng im lặng ngắm gương mặt đã sạm, bộ ria con kiến của ông và không hỏi gì về ông. Mà có hỏi ông cũng chẳng muốn nói, ông như cái bóng mờ mờ ảo ảo, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, chỉ biết một điều ông là một người tốt, một nhà cách mạng lão thành, vậy thôi”.

Ngày 2007, năm kỷ niệm 90 năm sinh “ người tốt”, “nhà cách mạng lão thành” Tạ Đình Đề, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Ba để tưởng thưởng những “thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”. Lễ truy tặng được tổ chức ngay tại Xí nghiệp Cao su đường sắt, nơi ông đã cùng đồng đội đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nhiều niềm vui và cũng nhiều cay đắng xây đắp nên. Có mặt trong buổi lễ là Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo và các đồng chí đồng đội của ông, đại diện Tổng cục đường sắt và cán bộ, công nhân Xí nghiệp...

NGUYỄN PHAN KHIÊM

BOX

Chân dung đích thực của Tạ Đình Đề là một con người chân quê, thuần phác, đầy nhiệt huyết và thẳng thắn, bộc trực. Ông có tố chất chính trị tự nhiên, có tài năng hoạt động tình báo, biệt động, đặc công, có năng khiếu làm kinh tế, có lòng nhân đạo cao cả và có tính nhân văn chân chất trong đối xử giữ con người với con người”

Đại tá Quách Hải Lượng-

nguyên tuỳ viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc

“ Lịch sử nhất định sẽ ghi nhớ những đóng góp xứng đáng của anh. Nhân dân còn truyền tụng mãi những huyền thoại đầy thiện cảm về Tạ Đình Đề. Những người thân thiết và bè bạn chiến đấu rất tự hào về anh, một chiến sĩ cao thượng, vững vàng vượt qua những chông gai chìm nổi trong đời mà vẫn giữ vững phẩm chất trong sáng”...

Điếu văn của Hội cựu chiến binh Hà Nội

“ Tôi nhìn ông, gương mặt rạng rỡ, nụ cười luôn nở trên môi. Đó là nét hiếm thấy ở ông, một con người điềm đạm, ít nói, từng rực rỡ trong huyền thoại, chìm ngập trong lao đao, bão tố tưởng như không chịu nổi”

Nhà báo Thọ Cao

“Nhiều khi tôi cứ tẩn mẩn nghĩ, một con người bị cuộc đời dần lên, hắt xuống ghê gớm như ông mà không biết đùa, không biết cười cợt, ngang tàng thì dễ quỵ lắm”.

Nhà văn Chu Lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter