Thứ Ba, 15 tháng 1, 2008

Tạ Đình Đề (tiếp)

Lãng tử đi làm cách mạng

Tạ Đình Đề sinh ngày 8-8-1917 ở làng Đại Định, xã Tam Hưng- Thanh Oai- Hà Tây. Ông được cha mẹ cho ra tỉnh ăn học. Năm 1934, tốt nghiệp trường Tiểu học Hàng Vôi, Hà Nội, thấy Công ty hỏa xa Vân Nam tuyển người, ông xin đi luôn. Năm ấy ông mới 17 tuổi. Sang Vân Nam, nơi có nhiều người Việt sinh sống, ông liền tham gia hội Việt kiều yêu nước và hoạt động rất tích cực. Khi Bác Hồ hoạt động tại Vân Nam, Tạ Đình Đề và một số thanh niên yêu nước khác được giao nhiệm vụ bảo vệ.

Do bản tính thẳng thắn, bất bình trước những các đối xử của chủ, lại nóng nảy nên anh bị chủ đuổi việc. Tổ chức liền bố trí Tạ Đình Đề làm cho một hãng xe lửa chạy trên đường Côn Minh- Miến Điện kết hợp làm công tác liên lạc. Tạ Đình Đề bị địch bắt, tra tấn mãi nhưng chả moi được tin tức gì. Chúng định mang đi thủ tiêu, thì lợi dụng lúc địch sơ hở, Tạ Đình Đề trốn thoát.

Tổ chức cử Tạ Đình Đề đi học trường tình báo của Quốc dân đảng. Trong thời gian học tại trường, Tạ Đình Đề được Mỹ chọn để đào tạo, đưa đi huấn luyện. Tại đây anh được đào tạo rất kỹ, từ thủ tiêu, sử dụng điện đài, mật mã đến chụp ảnh... Theo Đại tá Quách Hải Lượng, người bạn vong niên của Tạ Đình Đề, thì chỉ riêng môn bắn súng họ đã đào tạo rất kỹ lưỡng. Ông Đề đã kể với ông Lượng: Hàng sáng tập thể dục xong, các học viên đeo dây lưng có bao súng. Khi chỉ huy hô một tiếng thì mọi người phải đặt tay thật nhanh lên bao súng…Tập thành thục thì thêm yêu cầu, đặt tay vào và phải bật được nắp. Tưởng dễ hóa khó. Tập mãi đến thành thạo. Bước tiếp theo là mở được bao và phải rút súng ra ngay lập tức, cả ba động tác diễn ra gần như đồng thời. Bước cuối cùng là rút súng ra và lên đạn được ngay. Khi vào học xạ kích thì đạn không hạn chế, học viên bắn thoải mái cho đến khi thành thạo giơ súng lên là bắn ngay, không cần phải ngắm.

Vì thế nhiều giai thoại về tài bắn súng của ông được người đời thêm thắt vào nhưng nó sự thật thì Tạ Đình Đề bắn súng rất giỏi. Sau này, khi quân đội Tưởng Giới Thạch sang giải giáp quân đội Nhật, người ta có dịp thấy tài bắn súng của Tạ Đình Đề. Ông Đề kể với ông Lượng một lần đọ súng ấy. Hôm ấy ở Hà Đông, viên Sư đoàn trưởng Quốc dân đảng cho rằng sang Việt Nam chưa thấy ai bắn súng giỏi. Tạ Đình Đề nghe vậy nóng mắt nói, vậy thì tôi xin đọ súng với ông. Hai bên thoả thuận ai thua phải dẫn anh em đi nhà hàng Asia nhậu một bữa. Lúc đó nhà hàng này sang trọng như khách sạn 5 sao bây giờ. Họ bày ra 6 chai bia. Viên Trung đoàn trưởng bắn 6 phát cụt 3 chai. Tạ Đình Đề mượn ngay súng của khách bắn 6 phát trúng cả 6. Cả bọn được đi nhà hàng Asia và nhờ đó mà quan hệ giữa hai bên cũng được cải thiện, và tiếng tăm Tạ Đình Đề càng thêm lẫy lừng. Câu chuỵện thật này cũng trở thành giai thoại khi được thêm thắt nhiều tình tiết.

Sau khi tốt nghiệp, nhiệm vụ được giao của ông Đề là cùng hai người Mỹ (trong đó có một người Mỹ lai Tàu) nhảy dù về Việt Nam để chỉ điểm những căn cứ của Nhật cho đồng minh đánh phá. Nhóm tình báo này đã nhảy dù xuống vùng Tây Huế và hoạt động trong một thời gian, nhờ đó mà nhiều căn cứ của Nhật bị oanh tạc, lớn nhất là một đoàn tàu chiến Nhật ở Biển Đông bị tấn công, phá huỷ.

Khi có nguy cơ bị lộ, ông Đề đã bắt hai người Mỹ cải trang, lần mò mãi mấy tháng sau mới về đến quê Đại Định của Tạ Đình Đề. Hai người bạn đồng minh được tổ chức đưa lên chiến khu và về Trung Quốc, còn Tạ Đình đề ở lại tham gia cách mạng địa phương.

Ông là người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cướp kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm Uỷ viên Uỷ ban chính quyền lâm thời của huyện Thanh Oai.

Ông được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội biệt động Hà Nội, sau đó làm Phó Ban tình báo Liên khu Ba. Đội biệt động của ông là nỗi sợ hãi cho địch vì khả năng xuất quỷ nhập thần. Ông cho chụp ảnh một cánh tay cầm khẩu súng kèm dòng chữ BĐTHN (biệt động thành Hà Nội) rồi cài vào những tử thi vừa bị ám sát, rồi tìm cách bỏ vào cặp, vào bàn làm việc của quan chức địch, Việt gian khiến chúng rất khiếp sợ.

Ông còn nghĩ ra nhiều mưu mẹo như cho truyền đơn vào ống xả xe ô tô của Nhật, khi xe chạy truyền đơn toé ra đầy đường.

Sau giai đoạn này ông rút lên chiến khu và tham gia bảo vệ Bác Hồ.

Dẫu thấy bất bằng mà tha?

Đấy là câu nhận xét của hầu hết ai đã từng quen biết, gặp gỡ và nghe danh ông. Xin kể lại một vài câu chuyện.

Trong kháng chiến, một lần vào công tác Thanh Hoá, khi đến Rừng Thông là vùng tự do thì trời đã tối mịt. Bụng đói cồn cào, tìm mãi mới được một quán phở còn le lói ánh đèn. Vào quán ông gặp một người cao to, ăn mặc kiểu Công an viên đang ngồi trứơc một mâm rượu đầy thức ăn, kề bên đùi là một cô gái (ông đoán là gái điếm). Vừa ăn uống họ vừa đùa cợt, cấu chí nhau rất chướng mắt. Bà chủ cũng khó chịu, ngồi ngáp ngắn ngáp dài mà không dám lên tiếng. Tạ Đình Đề nghĩ đến nhiệm vụ, không để lộ hành tung lên cũng phái nín nhịn.

Nhưng anh chàng kia không dừng lại ở đó. Hết rượu gọi thêm, chủ quán nói hết, anh ta liền sừng sộ, rút ngay súng ra doạ. Bà chủ quán khiếp đảm phải lập cập bê hũ rượu ra. Nhìn cảnh đó ông run bắn lên vì tức giận, anh nhìn chằm chằm vào gã nọ. Hắn hất hàm, “Việc gì đến mày mà nhìn tao. Tọng cho nhanh rồi cút”. Tạ Đình Đề liền đứng dậy hỏi: Anh ở đơn vị nào mà bê tha, mất phẩm chất như thế. Hắn xông vào ông như một con gấu. Tất nhiên hắn đo ván ngay ngay sau cái vung tay của ông...

Đại tá Tạ Cao Sơn, cháu gọi Tạ Đình Đề bằng chú thì kể câu chuyện khác, một lần khi dẫn đơn vị đi phục kích về qua bến đò Đồng Quan - Thường Tín thì đêm đã khuya. Trời rét như cắt mà không thấy đơn vị X theo kế hoạch đến đưa qua sông. Tìm mãi mới thấy một con đò nép ở bờ sông. Ngó vào thấy hai đôi đang truy hoan, hỏi mật khẩu thì đúng người của đơn vị X. Giận quá nhưng ông không quát mà lặng lẽ ra lệnh cho hai anh chàng kia cởi hết quần áo bơi qua sông hai vòng cho chừa thói lăng nhăng.

Trong đơn vị ông có một người tỏ vẻ buồn phiền, không được hăng hái trong công tác. Gạn hỏi mãi mới biết rằng vợ anh ta ở nhà bị hiếp dâm. Thủ phạm chính là Y, cán bộ cấp trưởng ngành của tỉnh P. Anh chồng biết chuyện mà không dám làm gì vì thanh thế của Y to lắm. Ông Đề cũng rất phẫn nộ nhưng quan trọng là phải có chứng cứ...Trong đầu ông nảy ra một kế hoạch.

Ông về P và gặp tay Y như một cuộc trao đổi công tác để tìm cách xử trí. Ông quan sát thấy Y mất một ngón tay liền hỏi:”Bị trận nào vậy, đồng chí?”. Y có vẻ lảng tránh nói một câu tiếng Pháp :”Thưa ngài phái viên liên khu. Chiến tranh là vậy. Bị phục kích, xoàng thôi mà”. Ông phân vân, vết cụt kia không thể do đạn gây nên được.

Sau đó ông về quê chiến sĩ nọ và tìm gặp vợ anh ta. Động viên mãi, cô vợ mới kể hết sự tình cho ông nghe. Trong khi vật lộn, chống trả tay Y, cô vợ vớ được một con dao, chém một cái, hắn tránh được nhưng trúng một ngón tay. Cô vợ đã lấy ngón tay cho vào lọ cồn...để khi hết chiến tranh, chồng cô sẽ mang tang vật này ra tố cáo hắn.

Ông cầm cái lọ tang vật ấy lên gặp đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo tường tận sự việc kèm theo chứng cứ. Một thời gian sau tên đê tiện đó bị mất chức và ở tù...

Kỳ sau: Bị giam lỏng vì đi cải cách ruộng đất

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter