Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Nguyên Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương...(tiếp theo và hết)

Nỗi khổ tâm

Một cán bộ gần gũi với ông Dương nói, nỗi khổ tâm lớn nhất của ông Dương là bà mẹ quá nghiêm khắc, muốn phụng dưỡng cụ mà không được. Ông có ba anh em, thì hai người có học vị tiến sĩ. Cụ bà sống với cô em út trong căn nhà một mái lợp tôn rộng 15m2 ở trong một ngõ nhỏ phố Lò Đúc. Căn nhà chập chội, dột nát lại không có nhà vệ sinh riêng nên sinh hoạt của một người già ngót 90 tuổi hết sức khó khăn. Với chút tiền dành dụm được ông muốn xây lại căn nhà cho mẹ và em gái đỡ khổ nhưng cụ nhất định không bằng lòng. Cụ nói, trước đây dăm bảy người còn sống cả ở đây được, bây giờ còn có hai người sao lại không được? Anh xây lại nhà để người ta cho rằng có con làm Chánh án, tham nhũng được nên có tiền xây nhà cho mẹ hay sao?!

Có người bàn, hay đưa cụ đến nhà bác cả chơi ít ngày, ở nhà cứ dỡ ra mà làm lại, cụ về thấy sự đã rồi là xong. Cụ biết chuyện bảo: nếu anh cố tình dỡ nhà ra xây lại là tôi ra nhảy xuống sông Hồng đấy. Cụ nói thế thì đành chịu. Mỗi khi thấy cảnh nhà dột, căng nilon, hứng chậu chỗ này chỗ kia, lòng ông đau như cắt mà không biết làm sao. Ông phải tôn trọng ý thích của mẹ.

Hàng tuần, dù đương kim Chánh án tối cao, có xe sẵn sàng đưa đón, nhưng ông vẫn đèo vợ bằng chiếc xe phượng hoàng cũ về thăm mẹ. Anh em hỏi thì ông nói, việc riêng sao mình lấy xe công đi được. Vả lại, mẹ tôi không thích như vậy.

Người lái xe của ông kể, có lần đi công tác về, tiện ô tô ông ghé vào, cụ mắng ngay. Mua nước mắm Phú Quốc, gạo tám thơm biếu cụ thì cụ nhất định không nhận. “Lương anh được bao nhiêu, còn nuôi vợ nuôi con, sao hoang phí như thế” cụ bảo. Biết ý nên vợ ông chỉ dám mua nước mắm, gạo quê thông thường mang đến cụ mới vui lòng.

Có lẽ do được sinh ra và giáo dục trong một gia đình như vậy nên ông Trịnh Hồng Dương là một người khắc kỷ, luôn luôn gìn giữ sự liêm chính của mình.

Ông từng kể, có lần tôi bị bệnh, vào Bệnh viện Việt - Xô khám. Một tay bác sĩ khám xong, hỏi: “Này, ông có hút thuốc không?”. “Không”. “Thế có thích rượu không?”. “Không”. “Còn cà phê, chè?”. “Cũng không”. “Thế tôi hỏi thật ông nhé, ông có thích phụ nữ không?”. “Không”. Ông bạn bác sĩ đó thở dài đứng dậy: “Thôi, không khám cho ông nữa. Thuốc không. Rượu không. Chè, cà phê không. Gái cũng không. Thế thì chết quách đi cho rồi, sống làm gì nữa”.

Không ham thích những thú vui vật chất đã đành, ông cũng không thích cả những thú vui tinh thần khác mà nhiều quan chức ưa thích như được thể hiện quyền cao chức trọng của mình; được lăng xê trên báo chí; được anh em tán tụng…

Có lần đi công tác một tỉnh Tây Nguyên, chia tay ở cổng toà xong, lên ô tô đi được một qũang ông mới thấy xe ô tô của Toà án tỉnh nối đuôi theo sau. Ông dừng lại hỏi đi đâu, mới biết họ tiễn ông đi hết địa phận tỉnh. Ông yêu cầu họ quay về làm việc ngay, không thể lãng phí như thế được. Anh em nói mãi ông đành chấp nhận cho đi tiễn hết địa phận thị xã.

Ở cương vị Chánh án TANDTC, ông Trịnh Hồng Dương, ngoài Lào và Trung Quốc không thể từ chối, ông không đi nước nào khác. Có lần thấy ông từ chối lời mời của một Toà án châu Âu, tôi hỏi: Sao chú không đi, đưa cô đi du lịch luôn thể? Ông nói, việc ở nhà làm không hết, đi làm gì. Mà tớ cũng chán ở nước ngoài rồi… Như người khác thì nhân cương vị của mình, tranh thủ đi nước này nước khác, vừa công tác vừa du lịch, có thể đưa cả vợ đi cùng, nhưng ông Dương thì chả bao giờ nghĩ thế.

Nhà khoa học

Nhiều nhà nghiên cứu luật học, nhiều thẩm phán đánh giá ông là một chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về luật hình sự. PGS.TSKH Lê Cảm thì khẳng định, ông Trịnh Hồng Dương “là chuyên gia số Một về tư pháp-hình sự của đất nước” .

Ông Trịnh Hồng Dương được đào tạo về hình sự theo định hướng của cụ Phạm Văn Bạch- Chánh án đầu tiên của TANDTC. Ông tốt nghiệp Đại học luật và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ luật hình sự ở Liên Xô. Khi làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ, ông bị bệnh dạ dày nên đang làm dở thì về nước. Trước khi làm Chánh án TANDTC, ông là Phó Chánh án phụ trách hình sự, trước đó là Chánh toà hình sự, Phó Chánh án rồi Chánh án TAND tp Hà Nội…

Năm 1984, khi làm Phó Chánh án Hà Nội, ông được giao xét xử một vụ án hóc búa, bị cáo Thái Nghĩa Siêu bị truy tố về tội làm gián điệp, nhưng suốt cả quá trình điều tra nhất định không nhận tội. Qua quá trình thẩm vấn tại phiên toà, với cách thẩm vấn sắc sảo, thông minh của ông Trịnh Hồng Dương, bị cáo đã tâm phục, khẩu phục, thú nhận tội lỗi. Làm cả ngàn vụ án nhưng đó là vụ ông nhớ nhất. Cũng vì thành công quá lớn của phiên toà mà lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất trong lịch sử tố tụng nước ta, tất cả những người dự phiên toà đều được mời ăn cơm.

Ông là người rất giỏi trong việc đọc hồ sơ. Khi nghe thẩm phán, chánh toà báo cáo bao giờ ông cũng trực tiếp đọc tài liệu, chứng cứ liên quan đến những vấn đề có khiếu nại. Vì thế thẩm phán nói với nhau là làm việc với ông Dương rất vất vả. Không những cẩn thận trong việc xét xử, giám đốc bản án mà cả trong văn bản, câu chữ trả lời đương sự. Không ít lần ông tự tay sửa đỏ cả trang án văn.

Với phong cách của nhà khoa học, ông không thích nói vòng vo. Chả thế mà câu nói trần trụi của ông tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội X “Ở ta có vụ án xử thế nào cũng được” làm xôn xao nghị trường và được nhắc đi nhắc lại như điển hình cho việc tuỳ tiện khi xét xử của Thẩm phán. Thực ra người ta mới chỉ nghe có nửa câu trước mà không nghe nửa câu sau. Do tình trạng luật pháp của ta hiện còn nhiều bất cập, cái nọ đôi khi “đá” cái kia, nên khi xét xử áp dụng văn bản này thì cho kết quả này, áp dụng văn bản kia cho kết quả khác. Ví dụ, xe của tôi, người ta thuê tôi chở hàng mà tôi không biết là hàng lậu, thì khi bị bắt tôi được trả xe. Nhưng luật xử phạt vi phạm hành chính lại quy định bắt tất cả phương tiện gây án. Vậy là tòa cấp huyện xử theo luật hình sự, không tịch thu xe, nhưng cấp tỉnh căn cứ vào luật xử phạt vi phạm hành chính lại tịch thu xe. Như vậy cùng một hành vi nhưng cả hai cấp xét xử cho hai kết luận khác nhau đều đúng. Cái bất cập đó của pháp luật cần phải sớm khắc phục.

Thời gian càng lùi xa thì người ta càng thấy ông Trịnh Hồng Dương có lý. Tiến sĩ luật học Ngô Huy Cương, khi làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, phát biểu về cải cách hệ thống tư pháp Việt Nam, bàn đến câu nói trên đây của Chánh án Trịnh Hồng Dương cho rằng: Tôi nghĩ các nhà lập pháp cũng phải chia sẻ trách nhiệm về điều đó. Theo tôi, có một số nguyên nhân cơ bản cần được xem xét kỹ lưỡng…Trước hết, phải bàn đến cách thức thiết lập hệ thống tiêu chí. Hiện Quốc hội cũng như nhiều cơ quan, tổ chức thường phàn nàn về việc xét xử oan sai. Có lẽ họ lấy pháp luật mà Quốc hội thông qua làm tiêu chí đánh giá, chứ ít ai nhận định rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai lại là do chính pháp luật, chính cách tổ chức hệ thống tư pháp.

Giờ đây, vấn đề khắc phục các quy định luật chồng chéo nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, tình trạng luật khung, luật ống đã trở nên rõ ràng và cấp thiết rồi.

**

Khi kết thúc nhiệm kỳ Chánh án TANDTC, ông được mời làm một công việc khác, nếu nhận lời ông sẽ tiếp tục công tác 5 năm nữa, sẽ có xe đưa xe đón, nhưng ông từ chối. Ông về hưu như một công chức bình thường.

Nhà ông có 78 mét vuông, ông bán đi 40 mét, lấy tiền sửa chữa, nâng cấp phần còn lại, dư ra ít tiền để giúp con cái và dưỡng già.

Mấy năm qua, dân cư khu Thành Công thấy ông Trịnh Hồng Dương hàng ngày đưa cháu đi mẫu giáo, chiều về đón giúp cả con nhà hàng xóm. Nhìn cảnh ông khoác trên vai vài cái ba lô xanh đỏ của con trẻ, dẫn mấy đứa cháu ríu rít về nhà…bất giác tôi nhớ đến cảnh cuối trong phim “Tể tướng Lưu gù”. Sau khi về hưu, Lưu Dung chả mang theo của cải gì, hàng ngày ông ngồi chơi bi với cháu chắt như một lão nông tri điền, mọi danh lợi qua đi như gió thoảng…

Mà như vậy thì ông Trịnh Hồng Dương đâu có cô đơn nhỉ?!

Mùa Giáng sinh 2007

Nguyễn Phan Khiêm

(Bài đã đăng trên tạp chí Pháp lý cuối tháng- số 3)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter