Thứ Hai, 21 tháng 1, 2008

Nguyên Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương- chuyện bây giờ mới kể

Người liêm chính cô đơn

Nguyễn Phan Khiêm

Người đàn ông nhỏ thó, có vầng trán cao và cặp mắt sáng ấy từng là một trong những người quyền to nhất nước, nhưng không giống như những chính khách khác, luôn biết nở nụ cười xã giao, biết vờ vui vẻ với báo chí, biết diễn khi có ống kính hướng vào mình…

Chả thế báo chí đã có lần viết ”Ông nổi tiếng là người khó gần và rắn như đá”. Nhận xét ấy chưa biết đúng hay sai nhưng tôi thấy ông là một người cô đơn vì cách hành xử dường như không phù hợp với thời cuộc của mình…

Khác người

Quả thật, ấn tượng đầu tiên về ông bao giờ cũng là sự thiếu cởi mở. Ông ít nói, nghe là chính. Cán bộ đến nhà ông hình như chưa ai được mời uống nước bao giờ, khi khách về ông cũng không giữ lại một câu kiểu xã giao. Sau này mọi người mới hiểu, thực ra ông không muốn anh em đến nhà, nhất là đến để bàn công việc.

Vì thế, không ai dám đến nhà ông để tranh thủ tình cảm, để đưa chút quà cáp rồi nhờ cậy ông theo lẽ thông thường. Có người còn nói đùa:” Ai đến biếu ông Dương chai rượu thì mai ra Hội đồng ông ấy nói ngược lại nguyện vọng cho mà vã mồ hôi”.

Không chỉ đối với cấp dưới, đối với người khác ông cũng “rắn như đá” như vậy. Có lần một vị chức sắc đến tận nhà ông, loanh quanh một lúc ông ấy đặt vấn đề về một vụ án. Thấy vậy, dù rất tôn trọng nhưng ông cũng buộc phải đứng dậy mời khách ra khỏi nhà.

Khi còn là Chánh án Toà án Hà Nội, có lần xem hồ sơ thấy một bị cáo bị truy tố về tội ăn cắp chính là cháu họ ông, vốn là sinh viên đại học, nhưng ông không can thiệp. Thẩm phán cũng không biết mối quan hệ ấy, bản án được tuyên một cách khách quan.

Có vụ con trai một vị lãnh đạo cấp trên trong ngành bị truy tố về tội lừa đảo. Thẩm phán báo cáo để ông chỉ đạo cho phù hợp. Ông nói, cứ theo luật mà làm, có như thế mới bảo vệ được uy tín của lãnh đạo.

Khi lên làm Chánh án TANDTC thì các mối quan hệ cũng nhiều lên và phức tạp hơn, nhưng ông vẫn giữ nguyên tính cách của mình. Đã có lần một vị lãnh đạo chuyển đơn thư xuống có bút phê đề nghị xem lại hai bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo lẽ thông thường thì Chánh án sẽ chỉ đạo Toà chuyên trách nghiên cứu tìm ra một lý do nào đó để kháng nghị. Trong ngành gọi đó là “kháng nghị ngoại giao”, biết là án xử đúng nhưng vẫn kháng nghị để đẹp lòng người bút phê. Tất nhiên bản án bị kháng nghị sẽ được xét xử giám đốc thẩm, quyết định lúc đó do Hội đồng, dẫu bị bác kháng nghị thì vị lãnh đạo đó cũng không trách Chánh án thiếu quan tâm.

Với Chánh án Trịnh Hồng Dương thì khác. Nhận được đơn có bút phê, ông chỉ đạo Toà chuyên trách báo cáo và mang hồ sơ lên để ông kiểm tra. Thấy án xử đúng, ông tự mang hồ sơ sang để báo cáo với vị lãnh đạo đó rằng không có căn cứ kháng nghị. Họ cười đấy nhưng hẳn trong lòng không vui. Người trải đời nói nhỏ: Ông Dương làm thế thì chết, lúc nào cũng thẳng băng thế thì làm thế nào được…

Nhưng người ta nói gì ông chả quan tâm, ông vẫn làm theo cách của riêng mình.

Minh oan

Cũng nhờ nguyên tắc đơn giản “cứ đúng pháp luật mà làm” của ông mà nhiều người được minh oan. Ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Chánh Thanh tra TANDTC kể, có bà Nguyễn Thị Hoan, là kế toán, ở Bình Trị Thiên khi đó, bị kết án 6 năm tù về tội tham ô. Ra tù mới đi kêu oan. Ông Chỉnh được phân công ra tiếp bà Hoan, sau đó ông báo cáo với ông Dương khi đó đang là Phó Chánh án TANDTC rằng không có dấu hiệu phạm tội. Bà Hoan còn giữ được hai chứng cứ là bút tích giám đốc ra lệnh chi tiền, chứ không tự ý. Mặc dù chứng cứ có trong hồ sơ nhưng không được xem xét. Ông Dương cho nghiên cứu hồ sơ và kiểm tra, sau đó ký kháng nghị huỷ án để giải quyết lại từ giai đoạn. Năm 1993, xử sơ thẩm lần hai, Toà án tỉnh lại tuyên bà Hoan phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị phạt 6 tháng tù. Toà phúc thẩm cũng tuyên y án sơ thẩm. Đơn kêu oan lại gửi ra, ông Trịnh Hồng Dương kháng nghị lần thứ hai. Cuối cùng bà Hoan đã được minh oan, và đã yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hay vụ bà Lê Thị Chanh ở Thái Bình, nguyên là Chủ nhiệm HTX, năm 1989 bị kết án 1 năm tù về tội tham ô do hành vi chiếm đoạt 1 tạ thóc. Án xử đi xử lại do bị cáo kêu oan. Năm 1998, khi ông Dương là Chánh án thì mới được kháng nghị và cuối cùng bà Chanh được tuyên là không phạm tội.

Nhưng cho đến tận bây giờ bà Chanh, cũng như bà Hoan và nhiều người khác nữa vẫn chưa bao giờ gặp mặt ân nhân là ông Trịnh Hồng Dương. Có lần tôi đề nghị ông kể nhưng ông bảo, nhiều lắm, nhớ sao hết, mà kể để làm gì. Ông quên nhưng những cộng sự của ông thì không thể nào quên được.

Có một vị đại tá về hưu ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh ký bảo lãnh cho con trai vay ngân hàng 40 triệu đồng. Hợp đồng kết thúc và món nợ đã trả xong nhưng anh con trai photo bản bảo lãnh, móc ngoặc với cán bộ ngân hàng để vay tiếp 80 triệu nữa. Sau đó, do vỡ nợ nên con trai ông đại tá bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, và người ta bán nhà của ông đại tá để thi hành án. Khiếu nại lên Toà án tối cao thì Toà dân sự trả lời là án xử đúng. Đơn đến tay Chánh án Trịnh Hồng Dương, ông cử ngay Phó Chánh án phụ trách dân sự xuống tận địa phương làm rõ hai vấn đề, nhà đất bị thi hành án là của ai, nếu của ông đại tá thì đã cho con chưa, và ông đại tá có bảo lãnh lần vay thứ hai không. Sau khi làm rõ, thấy khiếu nại có căn cứ, Chánh án Trịnh Hồng Dương đã kháng nghị huỷ án.

Chính vì cách làm án như vậy mà dưới thời ông làm Chánh án, TANDTC kháng nghị nhiều, nhìn vào tỷ lệ án bị kháng nghị sẽ có ý kiến cho rằng chất lượng xét xử hạn chế. Do đó, để có tỷ lệ đẹp nhiều khi người ta không kháng nghị dù có thể bản án có hiệu lực xử chưa đúng. Ông Dương không tính toán kiểu đó, một khi đã phát hiện oan sai thì nhất định phải kháng nghị để trả lại công bằng cho người dân.

(Kỳ sau đăng tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter