Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2008

Thi nhau xin về làm dân

Về làm dân?!

Thời gian gần đây, nhiều cán bộ, thậm chí có chức vụ quyền hạn ở một số cơ quan , doanh nghiệp nhà nước xin nghỉ để làm cho tư nhân hay nghỉ hưu, tóm lại là về làm dân...Ở Ngân hàng nhà nước trung ương, người ta nói có đến 100 người xin nghỉ, trong đó nhiều người rất thông thạo nghiệp vụ, có kinh nghiệm công tác. Ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, một doanh nghiệp sáng giá mà nhiều người cũng cho hay là chờ cổ phần hoa xong là nghỉ, họ ra làm cho cac công ty chứng khoán, kiếm nhiều hơn và cũng thoải mái hơn.

Ở ngành Toà án cũng đang đối diện với nỗi lo thiếu cán bộ chưa kịp bổ sung, trong khi đó nhiều người có năng lực lại xin nghỉ vì nhiều lý do...

Hôm nay đọc báo Tuổi trẻ lại thấy nói, nhiều cán bộ nhà nước tại TP.HCM đã xin nghỉ việc để ra "làm dân". Nguyên nhân xin nghỉ việc mỗi người mỗi khác, nhưng trong đó vẫn có những vấn đề rất đáng quan tâm đối với công tác sử dụng và đãi ngộ cán bộ.

Chỉ riêng Sở Bưu chính - viễn thông năm 2007 đã có ba cán bộ chủ chốt và một số chuyên viên xin nghỉ việc, sắp tới một số thạc sĩ thuộc chương trình đào tạo 300 tiến sĩ; thạc sĩ cũng sẽ nghỉ việc sau khi hết thời hạn cam kết phục vụ. Tại Viện Kinh tế TP.HCM, chỉ trong vòng một năm đã có khoảng mười người "ra đi", trong đó có những người có trình độ, bằng cấp cao.

Tại các đơn vị khác như Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Giao thông công chính, các cơ quan trực thuộc Thành đoàn TP.HCM cũng có tình trạng cán bộ "ra dân". Đặc biệt, có cán bộ lãnh đạo ở cương vị cao đã xin nghỉ việc như phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, phó giám đốc Sở Giao thông công chính, phó giám đốc Sở Du lịch, phó chủ tịch quận 12, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, giám đốc Nhà xuất bản Trẻ...

Là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước ở TP.HCM về ngành bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin - những ngành thị trường lao động đang có sức hút rất lớn, ông Lê Mạnh Hà - giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM - tỏ ra rất lo lắng chuyện giữ ổn định đội ngũ. "Tôi lo nhất là mỗi lần thấy cán bộ của mình lên gặp lãnh đạo mà mang theo cái đơn xin thôi việc, chuyển công tác, nhất là cán bộ chủ chốt. Về nguyên tắc, chúng tôi phải tôn trọng nguyện vọng cá nhân của anh em. Không thể cố giữ chân, dù anh em có ở lại mà không yên tâm làm việc thì cũng chẳng thể có hiệu quả, thậm chí có thể còn làm mất cơ hội tốt hơn của anh em" - ông Hà tâm sự.

Ông Lê Hiếu Đằng - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM - nhấn mạnh việc hàng loạt công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo như các phó giám đốc sở, mà xin nghỉ việc thì không thể nói là đơn giản. Ông Đằng nói: "Theo tôi, lương thấp chỉ là một phần nguyên nhân chứ không phải quyết định. Tôi cho rằng cách phân công công việc ở nhiều nơi còn bất hợp lý, công tác tổ chức cán bộ không tốt.

Qua những vụ bố trí cán bộ cụ thể gần đây cho thấy không có một qui hoạch nào cả, điều động người này đến vị trí kia, đưa người kia ngồi vào chỗ nọ mà không biết họ có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ hay có tâm huyết với công việc mới hay không. Đó là chưa kể có nơi bố trí cán bộ không tuân thủ qui định về thâm niên, nghiệp vụ chuyên môn. Tôi không thấy rõ tiêu chí nào trong việc bố trí cán bộ ở đây. Điều đó cho thấy có một sự áp đặt quá rõ. Mà đã áp đặt thì nhiều người không nể, không phục, kết cục là không ít người đã quyết định chia tay với cơ quan".

Ông Đằng kết luận: "Cách đối xử với cán bộ thiếu tôn trọng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của một số cán bộ. Với những người tâm huyết, muốn cống hiến, họ chỉ đòi hỏi được đối xử công bằng, đánh giá đúng năng lực và bố trí đúng công việc. Nếu những điều này không được đáp ứng thì họ sẵn sàng nghỉ việc một cách dứt khoát để tìm chỗ làm khác đúng sở trường của mình".

Ông Nguyễn Văn Quang - phó viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, đại biểu HĐND TP - cho rằng mặc dù chế độ tiền lương của nước ta đã được cải tiến nhưng so với yêu cầu cuộc sống thì chưa giải quyết được căn cơ đời sống của người làm việc ăn lương. Thị trường lao động đang diễn ra "cầu" cao, ở khu vực ngoài nhà nước các doanh nghiệp sẵn sàng trả lương xứng đáng cho những người làm việc có hiệu quả. Chính vì vậy đã xảy ra việc cán bộ nhà nước rời bỏ nhiệm sở để ra ngoài. Đó là vấn đề thực tế, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật.

Theo ông Quang, ngoài thu nhập, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến cũng là điều rất quan trọng đối với cán bộ. Nhưng yếu tố nào nặng hơn yếu tố nào thì còn tùy thuộc vào mỗi người.

Ở NHNN, một nhân vật nữa có hàm vụ trưởng, ông Trương Văn Phước, Giám đốc Sở Giao dịch thuộc NHNN mới đây cũng xin nghỉ việc để chuyển sang nơi khác. Ông Phước từng làm việc tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở cương vị tổng giám đốc với mức lương cao "ngất ngưởng". Sau đó, vì "niềm đam mê lớn nhất cuộc đời là tỉ giá", ông đã quyết định về NHNN. Nhưng rồi, niềm đam mê ấy cũng không thể giữ chân một chuyên gia giàu cả về kiến thức nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác lẫn năng lực quản lý và đầy tâm huyết như ông.

"Tiền quan trọng, không ai phủ nhận điều đó, nhưng nó không quyết định tất cả, đặc biệt với những tầng lớp người hướng tới một môi trường để cống hiến nhiều hơn chứ không phải muốn thu lợi được nhiều hơn", ông Phước tâm sự.

Đồng cảm với ông Phước, Trưởng Ban Pháp luật của Hiệp hội ngân hàng, Luật gia, TS Trần Đình Triển, người cách đây 15 năm từng là trưởng phòng đầu tiên xin thôi việc và rời khỏi NHNN cho rằng: Công tác tổ chức, cán bộ chính là nguyên nhân sâu xa của việc ra đi hàng loạt nhân vật cốt cán.

"Công tác tổ chức theo tôi thực sự có vấn đề. Với những cán bộ có năng lực và tâm huyết, mong ước lớn nhất chính là được cống hiến. Nhưng thực tế, họ cảm thấy không có cơ hội để thực hiện mong ước đó và đặc biệt hẫng hụt khi việc đề bạt không dựa trên tiêu chí trình độ và đạo đức", ông Triển thẳng thắn.

Các bạn thấy ai nói có lý nhất? Tôi thì thấy ông Lê Hiếu Đằng và Ls Trần Đình Triển nói trúng vấn đề trọng tâm ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter