Thứ Hai, 29 tháng 10, 2007

Bi hài chuyện cưới

Ngộ độc tập thể do ăn cỗ cưới

Báo chí đã đưa tin nhiều vụ ngộ độc vì tiệc cưới. Mới đây nhất là vụ đám cưới của nhà ông Ngô Bá Phúc (xóm 10, xã Trực Đạo, h.Trực Ninh- Nam định) tổ chức trưa 26-10, hàng chục người đã bị ngộ độc. Nguyên nhân được xác định do người dân ăn tôm, giò trong cỗ cưới.

Nhiều trường hợp chỉ đến trạm Y tế xin thuốc hoặc tự điều trị ở nhà. Tuy nhiên, tính sơ bộ đến 12 giờ trưa 27/10, trạm đã điều trị cho 40 người bị ngộ độc nặng (phải truyền dịch liên tục), trong đó có 25 người quá nặng đã được chuyển lên Bệnh viện huyện .

Ông Phúc làm tất cả 55 mâm cỗ, trong đó món giò do nhà tự làm, món tôm mua ở cửa hàng quen ngoài thị trấn.

Đây là điều buồn lòng cho gia chủ và làm khổ những người đi dự tiệc. Để tránh sự cố này, những gia đình có đám cưới nên cẩn thận trong việc chọn lựa thực phẩm. Còn cánh thực khách chúng ta, xem chừng món nào không tươi ngon thì tốt nhất đừng đụng đũa.

Và dự đám cưới về nên uống phòng ngừa vài chục viên Berberin cho an toàn.

Vào nhầm đám cưới

Hiện nay ở các thành phố, những địa điểm tổ chức đám cưới thường tổ chức đồng thời nhiều đám. Vì thế không ít chuyện nhầm lẫn đã xảy ra. Tôi đã dự một đám cưới, tiệc đã gần tàn mới nói chuyện đến gia đình cô dâu chú rể, một bà ngồi bên cạnh từ Hải Phòng lên ngơ ngác, hoá ra bà ấy nhầm. Đám kia có lẽ ở tầng trên. Tôi đành an ủi: Thôi, đó là cái duyên, cô cứ ăn xong rồi đi tìm đám kia cũng được.

Nhưng có điều tế nhị, phong bao tiền mừng đã bỏ vào “ trái tim đỏ” ngay ngoài cửa rồi. Làm thêm một phong bao mà không chuẩn bị trước thì cũng phiền. Một hai trăm thì không đến nỗi nhưng phong bao nặng ký vì quan hệ đặc biệt thì thật gay go.

Để tránh tình huống này thì chủ nhà nên ghi biển chỉ dẫn thật rõ ràng. Khách thì nên xem xét, hỏi han thật kỹ trước khi bỏ phong bao vào trái tim, nếu chưa trông thấy các nhân vật chính. Cẩn thận hơn thì nên có một...phong bao sơ cua.

Xin lại phong bao

Cưới con xong, ông H nhận được cuộc điện thoại của một người lạ cho hay, ông ta vào nhầm đám cưới con trai ông. Phong bao có 1000 USD mừng con sếp đã được cho vào “Traí tim đỏ” của nhà ông H. Ông ta xin lỗi và xin ông H cho xin lại phong bao.

Ông H bảo, các con ông đang giữ số tiền đó và chúng đi tuần trăng mật chưa về. Khi nào họ về ông sẽ gọi lại.

Giả sử có cuộc tranh chấp thì không biết Toà có thụ lý giải quyết không nhỉ? Và có căn cứ nào khiếu kiện không ? “Ai chứng minh anh bỏ phong bao vào tráp nhà tôi?” ...Gay đấy, nếu đó là món tiền lớn.

Như vậy, những ai muốn nhân dịp sếp cưới con để biểu lộ thịnh tình thì nên đưa trực tiếp, như thế an toàn hơn mà lại tránh được nhầm lần.

Kẻ trộm trong đám cưới

Một người bạn tôi cách đây ít năm, tổ chức đám cưới tại nhà hàng trên phố Hàng Mành- Hà Nội, đã bị kẻ gian trà trộn bê mất toàn bộ tiền mừng đám cưới. Nhà hàng trốn tránh trách nhiệm...

Vì không còn tiền nên đêm tân hôn, 12 giờ đêm cô dâu chú rể mới thuê được khách sạn khác để ngả lưng. (Vì chủ rể từ miền Nam ra, định hôm sau cả hai bay vào Sài Gòn).

Để tránh ruỉ ro này, gia chủ nên giao trách nhiệm cụ thể cho ai đó trông nom, quản lý tiền mừng, không để tình trạng người nọ tưởng người kia để kẻ gian có thể lợi dụng.

Một kinh nghiệm xin được phổ biến, tôi đã thấy ở một đám cưới, cô em gái cô dâu ngồi trông “trái tim” để cám ơn, nhưng quan trọng hơn là thu tiền ngay sau khi khách bỏ vào tráp. Té ra “trái tim” này không có đáy. Khách bỏ vào xong, phong bao rơi xuống cái tuí đặt sẵn dưới gầm bàn. Đầy túi là chuyển cho người nhà quản lý ngay. Nếu kẻ gian có bê trộm thì cũng chỉ bê được “ trái tim” rỗng thôi.

Ăn không

Trò này không có gì mới, cứ đến mùa cưới là lại nở rộ, đó là những kẻ chuyên giả vờ là khách đến để ăn chạc. Với bộ cánh tươm tất, cũng bắt tay người nọ người kia rồi ngồi vào mâm. Cả mấy trăm người như vậy, mấy ai biết hết khách của con hay của bố mẹ... Ăn xong hắn khẽ khẽ chuồn.

Ăn cỗ chờ

Tệ này phổ biến ở Miền Nam. Mời ăn lúc 6 giờ tối nhưng nhiều khi đến 9 giờ mới được nâng cốc. Chờ lâu bởi khách đến trễ. Không lẽ khai mạc lúc khách còn thưa thớt. Cứ thế dài cổ ra chờ. Chỉ khổ các cụ cao tuổi, đến đúng giờ phải ngồi chờ lũ trẻ.

Với tình trạng kẹt xe triền miên ở một thành phố có bán kính mấy chục cây số thì đến sai giờ trở thành chuyện thường xuyên và không nỡ trách. Có lẽ đây sẽ là nét đặc trưng của đám cưới Sài Gòn chăng?!

Đối phó với tình trạng này thì tốt nhất ta nên...ăn no trước khi đi dự tiệc cưới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter