Thứ Ba, 2 tháng 10, 2007

Hậu Giang: Rượu, phim ảnh đồi trụy và hiếp dâm

Hãy bảo vệ trẻ em

Lâu nay, báo chí được khuyến cáo không nên đăng những tin bài về hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em , bất ngờ thấy báo Hậu Giang cũng có bài về vấn đề này nên post lên để bạn đọc thấy và…cảnh giác.Báo chí ít đăng không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết.

Trong 2 năm gần đây, Hậu Giang đã có tới 34 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em gái bị phát hiện và đưa ra xét xử. Điều đáng lo ngại là tình trạng này đang có xu hướng gia tăng (năm 2006 tăng 2 vụ so với năm 2005). Xâm hại tình dục trẻ em thật sự đã trở thành nỗi lo chung và vấn đề đặt ra trước hết chính từ góc độ gia đình...

“Những bị cáo trong các vụ hiếp dâm trẻ em phần lớn nghèo, học vấn thấp, nghề nghiệp không ổn định... dưới sự tác động của rượu, phim ảnh đồi trụy đã không làm chủ được mình” - thẩm phán tòa hình sự tỉnh Hậu Giang, Phạm Hoàng Dũng, nhận định.

Minh chứng cho nhận định của ông Dũng là hàng loạt các bản án năm 2006. Vụ mới đây nhất mà tòa án xử ngày 11-1-2007, tên P.V.N., trình độ học vấn 5/12, (ngụ ấp Vĩnh Hòa 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Sau khi đã nhậu bí tỉ, trên đường đi mua bia uống tiếp, N. gặp G. (chưa tròn 13 tuổi, học sinh lớp 7) đi một mình, hắn đã nảy sinh ý định và thực hiện hành vi cưỡng hiếp G.

Trên thực tế, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em cả bị cáo và bị hại còn rất nhỏ tuổi. Như tên L.V.M., 15 tuổi (trình độ văn hóa lớp 2), sau khi uống rượu vào đã dụ dỗ quan hệ với N., mới 8 tuổi.

Hay như vụ T.T.T. (16 tuổi), ở ấp 3, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, trình độ học vấn 5/12 dụ dỗ giao cấu với nạn nhân L. chưa tròn 5 tuổi.

Thậm chí, có những vụ do uống rượu, không làm chủ được bản thân, không ít người đã mất hết tính người, cưỡng bức, giao cấu với chính người thân của mình.

Trong phiên tòa trung tuần tháng 2, bà Lê Thị Mùa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Hậu Giang, tham gia hội thẩm, bức xúc hỏi bị cáo P.V.N: “Bị cáo có biết hiếp dâm trẻ em là tội nặng không?”. Bị cáo lí nhí trả lời: “Bị cáo nghe nói từ 5-7 năm trước, bị cáo rất sợ nhưng... có rượu bị cáo không làm chủ bản thân được”. Bà Mùa hỏi tiếp: “Sao bị cáo chưa lấy vợ?”. Bị cáo trả lời: “Hoàn cảnh khó khăn nên chưa có vợ?”. Bà Mùa tức giận nói: “Khó khăn mà bị cáo đi nhậu. Một lần nhậu hết bao nhiêu tiền?”. “Mỗi lần hết 30.000 đ” - bị cáo nói. Bà Mùa tiếp: “Số tiền này bị cáo có thể đi chợ hai mẹ con ăn hai, ba ngày. Bị cáo biết không? Tại sao không lo làm ăn mà chỉ lo ăn nhậu”. Bị cáo nín thinh.

Điều đáng chú ý là đa số những vụ xâm hại tình dục trẻ em đều xảy ra ở địa bàn nông thôn sâu xa, cha mẹ của các nạn nhân chủ quan ít quan tâm để ý đến con mình. Những kẻ phạm tội thường có quan hệ láng giềng với người bị hại. Những nạn nhân còn nhỏ, bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng về thể chất, tinh thần.

Khi đưa ra xét xử, nạn nhân thường không dám xuất hiện vì sợ nhiều người biết, ảnh hưởng danh dự bản thân. Một em gái chưa tròn 13 tuổi (học lớp 7), là học sinh khá, giỏi ở một trường THCS, bị cưỡng hiếp, phải nằm bệnh viện suốt 1 tuần, đêm nào ngủ cũng nằm mơ, hoảng loạn, hàng ngày còn canh cánh nỗi mặc cảm không thể nào xóa nhòa: “Trong xóm có hai bạn học cùng trường nhưng hai bạn ấy rất thương con giữ kín nên trong trường chưa ai biết... Nếu trong trường mà biết chắc con phải nghỉ học quá!”. Hôm phiên tòa diễn ra, bị hại không dám đi dự, vì sợ mọi người biết. Mẹ bị hại chỉ nói một câu rồi quẹt nước mắt: “Tui chỉ sợ ảnh hưởng đến việc học của con. Sợ sau này... ảnh hưởng hạnh phúc cả đời của cháu!”.

Theo bà Trần Vĩnh Huy, Chủ nhiệm Ủy ban dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Hậu Giang - từng tham gia nhiều phiên tòa có liên quan đến trẻ em, thì: “Ở nông thôn hiện nay còn thiếu những hoạt động giải trí lành mạnh nên giới trẻ dễ bị cuốn hút vào những cuộc nhậu. Các em bị hại còn quá nhỏ, bậc làm cha làm mẹ thiếu ý thức phòng ngừa, bảo vệ con mình. Để con nhỏ một mình đến những nơi vắng vẻ!” - Đây chính là điều các gia đình và các địa phương cần phải lưu tâm để bảo vệ trẻ em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter