Thứ Tư, 10 tháng 10, 2007

Tình yêu đồng giới của hai nhà thơ lớn

Xuân Diệu có một từ đặc biệt để chỉ người bạn tình đồng giới của ông, hoặc đôi khi để chính bản thân ông, nhằm phân biệt với những người yêu dị giới của thiên hạ. Đó là từ bạn si ("Tiếc thuở say nồng, nhớ bạn si"), người si ("Người si muôn kiếp là hoa núi/Uống nhị lòng tươi tặng khách hờ"!). Si vừa khác yêu ở bản thân đối tượng, vừa cao hơn yêu ở sự đam mê, bị lôi cuốn, không làm chủ được. Bởi thế, si là yêu gần với dục vọng, dục tính, là yêu không có quyền lựa chọn, bởi quyền đó đã thuộc về bản năng, thiên nhiên. Như bông hoa núi (hoang dã) kia, người si tự uống lòng mình, ăn thịt mình để lớn lên. Bởi yêu người thì nhiều, nhưng ít khi được đáp ứng ("Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu"), nên Xuân Diệu thường hay dỗi, ông gọi họ là khách hờ.

Sự hờn dỗi của thi nhân càng tăng khi Huy Cận, người bạn trai của ông đi lấy vợ. (Vốn là người lưỡng tính (bisexuel), Huy Cận yêu và lấy Xuân Như, em gái Xuân Diệu. Biết đâu Huy Cận đã chẳng yêu một Xuân Diệu trong Xuân Như?). Thế là thi nhân dỗi. Bắt chước Ronsard, thi sĩ Pháp thời Phục hưng, vẽ ra cảnh ngày mai tàn úa, để khuyên người yêu hãy hái đóa hồng ngay hôm nay, Xuân Diệu trong Tặng bạn bây giờ cũng vẽ ra cảnh đời sống vợ chồng giờ tuy êm đềm, nhưng tẻ nhạt mai sau để cảnh báo:

Chỉ mấy năm thôi, đủ phận chồng,
Chàng trai tơ mởn đã thành ông.
Không còn mộng dễ ngày tươi trẻ,
Mắt sáng phai rồi, má hóp không.

Sau này, hẳn biết cái không thể là không thể, người si Xuân Diệu không còn làm thơ dỗi nữa. Sự hờn dỗi của thi nhân, vì thế nhiều khi được chuyển sang cho người đọc, đặc biệt là người nghe ông trong những buổi bình thơ, nói chuyện thơ. Và, cũng có thể, lúc này bạn trai Xuân Diệu là cậu em nuôi đang nuôi mộng văn chương, hiền lành và thụ động. Còn Xuân Diệu bây giờ lại là người chủ động. Thi nhân đã nhiều lần tự ví mình là biển "Trời cao trêu nhử chén xanh êm/Biển đắng khôn nguôi nỗi khát thèm", nhưng chỉ có lần này Biển mới không phải là biển trầm tư nghìn tuổi, mà là biển trẻ trung, phóng túng đầy sức sống, biểu tượng của khát vọng tự do...yêu.

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi

Hình tượng âm thanh đó là ẩn ngữ của bài thơ, là tên của bạn trai Xuân Diệu: Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em. Cát vàng là Hoàng Cát!

Em đi xa cách, em ơi Cát
Em chớ buồn nghe! nhớ anh yêu.

Tình yêu đồng giới, ở Xuân Diệu, còn được chuyển vị qua dạng tượng trưng, đặc biệt là tượng trưng thú vật...Khi cảm xúc lên cao độ, thay vì gọi chúng là chúng thì thi nhân gọi chúng là họ, đại từ nhân xưng dành cho con người. "Họ ân ái một cách đường hoàng. Họ không kể đến xã hội loài người”...

Trong hiện tượng tự si, nhiều khi dục cảm đồng giới được chuyển di sang những cảnh tượng phi thực mang tính chất mê sảng, mộng mị, hoặc ma quái. Có thể thấy điều đó trong hồi ký Tô Hoài: "Giọt gianh lách tách mái nứa gọi đêm về ma quái, rùng rợn, say đắm. Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần, xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ.

Bóng tối bập bùng lên như ngọn lửa đen không có ánh, cái lạnh đêm mưa rừng ấm lên. Chẳng còn biết đường ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quýt, cánh tay, cặp đùi thừng chão trói nhau lại, thít lại, dằng ra. Niềm khoái lạc trong tôi vỡ ra, dữ dội lên; dằn ngửa cái xác thịt kia. Rồi như chiêm bao, tôi ngã ra thống khoái. Im lặng. Nghe mưa rơi xuống tàu lá chuối trong đêm và cái mệt dịu dàng trong mình. Trời rạng sáng. Xuân Diệu trở về màn mình lúc nào không biết. Tôi hé mắt nhớ lại những hứng thú khủng khiếp. Những cảm giác nồng nàn kích thích trong bóng tối đã trở ra khi sáng bạch. Tôi chạy xuống cách đồng giữa mưa" (tr.177-178).

... Trên là một cảnh tượng ma quái trong mắt Tô Hoài nhà văn vào những đêm mưa rừng của một Việt Bắc “Thiếu Chân Trời”. Còn Huy Cận nhà thơ thì đã thăng hoa ký ức về những dục cảm đồng tính của một thời học trò ở bài Ngủ chung trong Lửa thiêng:

Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?

Chú thích

*Chúng tôi xin trích dẫn Tô Hoài, bởi vì gần đây ông trở thành "người kể chuyện" có uy tín và độc quyền về quá khứ, mặc dù những điều ông kể khớp với những nguồn tin khác của chúng tôi. Dưới đây là lời Tô Hoài trò chuyện với NQV sau khi Cát bụi chân ai ra đời: "Sau này Xuân Diệu khi đứng tuổi rồi cũng có lấy vợ. Lấy Bạch Diệp là đạo diễn điện ảnh, một người có tuổi và có kinh nghiệm trên đường đời. Bạch Diệp cũng có nghe qua về các vấn đề luyến ái sinh lý của Xuân Diệu, khi hỏi qua bạn bè thì ai cũng cho là Xuân Diệu bị impuissant nên cố gắng chạy chữa chuyện này nhưng vô hiệu quả. Hai người làm đám cưới rất long trọng nhưng không làm giấy kết hôn... Không chính thức cưới nhau trên pháp lý, chỉ ở với nhau vậy thôi. Rồi vài tháng sau khi không đi đến đâu cả thì đôi bên lặng lẽ rút lui. Sau này hai người vẫn giữ tình bạn với nhau. Đến khi Xuân Diệu mất thì Bạch Diệp cũng phúng một vòng hoa trắng. Chuyện hôn nhân giữa hai người trước sau rất ngắn ngủi. Xuân Diệu lại quay về sống một mình, nhưng trước sau vẫn ở chung với Huy Cận".

*"Huy Cận thoạt tiên lấy em ruột của Xuân Diệu tên là Xuân Như. Có được hai con, nhưng sau thì hai người bỏ nhau. Huy Cận về sau lấy vợ khác, nhưng vẫn sống chung với Xuân Diệu cho đến khi Xuân Diệu mất. Xuân Như một phần thì giận Huy Cận, một phần thì giận anh ruột mình. Khi bỏ Huy Cận, cô ấy có nói một câu hơi cay đắng là: "Trong nhà này thì tôi chỉ là vợ lẽ thôi chứ không phải vợ cả"... Chuyện này (tức chuyện đồng tính luyến ái của Xuân Diệu và Huy Cận) đáng lý ra thì cũng bình thường thôi, nhưng vì có lắm kẻ làm quan không muốn xấu mặt nên cứ giấu nhẹm đi. Chẳng hạn như khi tôi đăng dài hạn hồi ký của mình trên báo Tiền Phong thì bị Huy Cận phản đối và chỉ trích kịch liệt. Huy Cận nói là sắp ra Hồi ký về Xuân Diệu gọi là Hồi ký song đôi. Chắc là sẽ không nói đến chuyện đồng tính luyến ái giữa hai người, tuy hai chữ "song đôi" đã có hàm ý này rồi. Đáng lý ra phải nói là Huy Cận và Xuân Diệu đã có quan hệ đồng tính với nhau suốt đời." (Tlđd)

(Trích từ bài của Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý, đăng trên VNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter