Thứ Năm, 4 tháng 10, 2007

"Có thế nào nói thế đó" không dễ chút nào

Hành nghề trung thực và khách quan, tôn trọng sự thật là một trong những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Quy định đó cũng không nằm ngoài thông lệ quốc tế và cũng không chỉ là tiêu chí đạo đức của riêng nghề báo.

Xuân Thụ, nhà văn trẻ Trung Quốc- tác giả cuốn “Búp bê Bắc Kinh” khi trả lời phỏng vấn về phong cách viết của mình, cũng khẳng định " Điều trọng yếu nhất của viết lách chính là khách quan và trung thực". Thậm chí trong kinh doanh, lĩnh vực dễ nói dối nhất, họ cũng yêu cầu khách quan và trung thực, những tiêu chuẩn khắt khe về thông tin sản phẩm, thông tin về xuất xứ hàng hóa trong ngoại thương hiện nay cho thấy điều đó.

Trong một cuộc tọa đàm, các nhà báo đều thống nhất: Tính khách quan trung thực trong hoạt động báo chí trước hết phải được thể hiện đúng bản chất cuả sự thật không bóp méo, không tô hồng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Có thế nào nói thế đó", không gắn định kiến cá nhân .

Nói như vậy có vẻ hợp lý, nhưng để hiểu đúng và thực hiện đúng yêu cầu trung thực khách quan không dễ chút nào, nếu không nói là có sự mâu thuẫn ngay trong nhận thức.

Báo chí có trách nhiệm định hướng dư luận, nhưng lại đặt ra tiêu chí để xác định tính trung thực, khách quan là "không gắn định kiến cá nhân" thì thật là khó. Bài báo trước hết phải thể hiện quan điểm của cá nhân nhà báo và quan điểm của tờ báo đó. Nếu không có thái độ yêu ghét rõ ràng, có quan điểm phê phán hay ủng hộ thì làm sao có một bài báo có giá trị, có sức thuyết phục cao.

Ngay cả việc lựa chọn đề tài, liều lượng phản ánh cũng hoàn toàn nằm trong thái độ chủ quan của nhà báo.

"Có thế nào nói thế đó" là một mệnh đề tưởng như dễ hiểu, ví như vụ tai nạn sập cầu dẫn Cầu Cần Thơ, có bao nhiêu người chết thì nói cho đúng, không nên nói nhiều hơn để gây ấn tượng hay giảm đi để che giấu mức độ nghiêm trọng.

Nhưng như mọi người đều biết, trong buổi sáng đầu tiên, hàng mấy chục bài báo nêu những con số khác nhau, không báo nào có con số chính xác và thống nhất.

Vụ việc không quá phức tạp đã vậy, với những vụ việc phức tạp hơn thì xác định" có thế nào" để "nói thế đó" lại càng khó khăn hơn, ví dụ diễn biến của thị trường chứng khoán chẳng hạn. Khó!

Hay như một vụ án lớn vừa diễn ra, các báo đưa tin có nhiều tình tiết sau này xác định lại là không đúng sự thật. Nhưng trong lúc vụ việc đang nóng bỏng, bạn đọc đang đợi chờ, kiếm được thông tin nào “đáng tin cậy” (theo linh cảm nghề nghiệp) là nhà báo phải xử lý ngay, không có điều kiện, không có thời gian để kiểm tra tính xác thực. Bây giờ bị can nguyên Thứ trưởng đã được tại ngoại, có thể sẽ diễn ra vụ kiện tụng lôi thôi với các nhà báo. Đây thực sự là một rủi ro nghề nghiệp và cũng là bài học xương máu. Đau!…

Vậy nhà báo thực hiện tiêu chí “trung thực, khách quan” thế nào? Chúng tôi cho rằng trước hết là nhà báo phải có năng lực, giỏi nghề để tiếp cận và xử lý thông tin ở mức chính xác cao nhất có thể. Bên cạnh đó, phải đề cao sự mẫn cảm và lương tâm của từng nhà báo. Lo!

Ở khía cạnh kỹ thuật thì trung thực, khách quan đòi hỏi nhà báo khi đưa thông tin phải dẫn nguồn đầy đủ, để bạn đọc kiểm chứng. Trở lại vụ sập cầu dẫn cầu Cần Thơ, nếu các báo đưa tin có dẫn nguồn, con số ghi tại Bệnh viện Cần Thơ là bao nhiêu, Bệnh viện 121 là bao nhiêu…thì dễ dàng tìm ra con số thực.

Trung thực, khách quan đó là một tiêu chí buộc mỗi nhà báo, mỗi tờ báo phải phấn đấu và tuân thủ. Mà ai cũng hiểu rằng điều đó không hề dễ chút nào…Gay!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter