Thứ Năm, 11 tháng 10, 2007

Về chữ Hải Nhạc Chung Linh

Trong entry “Đại tự ở Đền thờ Lê Văn Duyệt”, tôi có đưa ra phiên âm 11 bức hoành phi. Sau đó, bác bulukh…có một bài viết rất sâu sắc, tôi mạn phép dinh về comment để bạn đọc xa gần cùng chia sẻ.

Tuy vậy, cũng không ai có ý kiến thêm. Riêng TORO vẫn băn khoăn về thắc mắc của buluk…Hôm nay, có thời gian đến thăm sư phụ, là một bực túc nho danh tiếng ở Hà nội, mới có cơ hội giải tỏa thắc mắc của buluk…

Buluk…đã viết rằng:

“11 bức hoành phi của TORO post lên theo thứ tự từ trên xuống có tựa đề chữ quốc ngữ bên dưới như sau

- Danh thuỳ vũ trụ

- Chí thành cảm cách

- Hải nhạc chung linh…

Tất cả 11 câu trên được đọc từ phải sang trái. Riêng câu "hải nhạc chung linh" là "chuông thiêng của sông núi" mà đọc từ phải sang trái tôi cứ thấy hơi lướng vướng. Nếu đúng là "chuông thiêng" thì phải là "linh chung", tính từ "linh" đứng trước danh từ "chung" như ta vẫn gọi Hương Giang (sông thơm) , Hồng Hà (sông đỏ) chứ không gọi Giang Hương, Hà Hồng. Chùa Thần Đinh ở Quảng Bình có chiếc chuông đồng đúc từ hồi Thành Thái làm vua. Trên đó khắc 4 chữ to tướng "Thần Đinh tự chung" tức "chuông chùa Thần Đinh" nhưng tiếc thay người ta nhầm chữ "chung" là chuông với chữ "chung" là chén uống rượu. "Chung" là chuông, bên trái là bộ"kim", bên phải là chữ "đồng", còn chữ "chung" là chén uống rượu thì bên trái là bộ "kim", bên phải là chữ "trọng". Các cụ thời xưa cẩn trọng là thế mà vẫn nhầm lẫn như thường. Vậy nên chăng câu thứ 6 phải đọc từ trái sang phải "linh chung nhạc hải". Chữ "nhạc" trong bức hoành chỉ một trong năm ngọn núi nhạc của dãy Thái Sơn. Để dịch cho thoát thì hiểu là "chuông linh thiêng của núi sông".

Sư phụ tôi chấn chỉnh ngay một phiên âm sai của tôi là bức hoành phi Chí Thành Năng Cách, chứ không phải Chí Thành Cảm Cách.

Còn bốn chữ Hải Nhạc Chung Linh lại có nghĩa là Sông núi hun đúc nên khí thiêng. Chung là hun đúc, chứ không phải chung là cái chuông.

Cũng xin nói thêm, buluk…có nói đến chữ Nôm của ta thiếu chuẩn mực chung, thua Hàn Quốc, sư phụ tôi là người đã đưa ra những trường hợp vẫn đang bị hiểu sai mà tôi đã trao đổi với buluk…

Trường hợp thứ nhất là bài Qua đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan, Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên luông rợ mấy nhà. Luông là làng bản, rợ là người thiểu số. Vậy mà phiên âm phổ biến, được đưa vào sách giáo khoa vẫn là Lác đác bên sông chợ mấy nhà. Trên đèo Ngang làm gì có sông và chợ nhỉ?

Vì các cụ ta không làm được việc chuẩn hóa chữ Nôm nên mới có chuỵên như vậy. Xin được chia sẻ với buluk…và các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter