Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2007

Cần Thơ - nỗi đau nghiệp dư

Đã ba bốn ngày trôi qua kể từ lúc gần 8 giờ sáng ngày 26-9 thảm khốc, mà các nguồn thông tin về số nạn nhân của tại họa sập cầu dẫn Cần Thơ vẫn chưa thống nhất. Mỗi nguồn mỗi cách khác nhau. Ngoại trừ khó khăn ban đầu trong thu thập thông tin, điều đó cho thấy đơn vị thi công dường như không có danh sách công nhân làm việc ngày hôm đó, để điểm danh xem ai còn ai mất.

Báo chí cũng cho hay đa phần công nhân của đơn vị thi công- một công ty trách nhiệm hữu hạn nhỏ là lao động thủ công, họ không phải những người thợ làm cầu được đào tạo. Họ ăn lương công nhật, như một đám thợ xây miệt vườn vậy thôi. Chả thế vì không nhận được lương để xài Trung thu, nhiều người đã nghỉ việc, nghỉ việc hóa may mắn.

Một cung cách quá nghiệp dư đối với công trình tầm cỡ quốc gia như thế này. Một khía cạnh khác ở tầm cao hơn cũng cho thấy sự thiếu “pro” của các nhà chức trách.

Trước hết, đó là chưa ai đứng ra chịu trách nhiệm về vụ này. Người ta còn nói, bây giờ chưa phải lúc nói đến trách nhiệm. Vậy thì bao giờ có thể bàn đến trách nhiệm nhỉ? Khi nỗi đau đã liền sẹo chăng?!

Khi chưa chỉ ra ngay lập tức được cơ quan, đơn vị, cá nhân phải chịu trách nhiệm chính trong vụ này thì cách quản lý của ta vẫn còn chưa chuyên nghiệp. Và khi hậu quả xảy ra thì lại chỉ là mấy cá nhân trực tiếp phải chịu đòn còn cấp trên của họ đều vô can.

Nói như thế không phải là suy luận vô căn cứ. Vụ tai nạn tàu hỏa ở Lăng Cô chết rất nhiều người, cuối cùng chỉ có kíp lái là ra tòa lĩnh án, còn các vị đã chỉ đạo, chịu trách nhiệm về hoạt động đường sắt cả nước thì kiểm điểm, rút kinh nghiệm vậy thôi.

Có ý kiến cho hay, ở các nước khác, thì không thế, chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Moscow - Nga mất điện chỉ có vài tiếng mà Bộ trưởng, Tổng giám đốc điện lực phải từ chức. Ở Pháp chỉ vì nhân viên để máu dự phòng nhiễm HIV mà Bộ trưởng phải từ chức…

Ta có phải là một ngoại lệ so với thông lệ quốc tế không nhỉ?

Cuối cùng, cách giúp đỡ những gia đình nạn nhân cũng cần có sự chỉ đạo để chuyên nghiệp hơn. Hiện nay nhiều cơ quan báo chí, nhiều tổ chức từ thiện, nhiều cơ quan đơn vị phát động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân vụ sập cần có đầu mối cho hay, số tiền cần là bao nhiêu, dự kiến giúp đỡ mỗi nạn nhân bao nhiêu…để tránh không lặp lại sự không minh bạch như vụ ủng hộ nạn nhân cơn bão miền Trung năm nào. Nên chăng thay vì ủng hộ theo phong trào, chúng ta đề nghị những cơ quan, đơn vị có điều kiện đỡ đầu con em nạn nhân cho đến tuổi trưởng thành, chăm lo cha mẹ già của nạn nhân đến cuối đời…

Cần lắm một cơ chế vận hành, quản lý có tính chuyên nghiệp cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter