Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2007

Mồ mả ở Côn đảo

Đặc sản thu hút khách du lịch của Côn Đảo trước hết là hệ thống nhà tù và nghĩa trang, nơi những người “mắc oan tù rạc/ Gửi mình vào chiếu lác một manh”…

Người ta tính ra trên 130 năm tồn tại, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã làm chết khoảng 2 vạn người, nhưng ở Nghĩa trang Hàng Dương hiện nay chỉ có 1912 ngôi mộ thôi, còn lại không có nấm. Như vậy có thể nói, rải rác khắp Côn đảo là hài cốt của người tù. Không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy hai vạn oan hồn ấy vẫn đặc quánh xung quanh…Nghĩ và nói không dám tự nhiên như trong đất liền.

Ở ven biển còn nghĩa trang Hàng Keo, cả mộ dải đất ven biển um tùm, rậm rạp cây cỏ, chỉ có một cái bệ đặt nồi hương thôi, tất cả các ngôi mộ đều không có nấm. Người ta nói rằng những khi bão, lốc thì cát bay trơ cả xương… Họ không xây mộ như nghĩa trang Hàng Dương được vì quá nhiều hài cốt chồng chất lên nhau.

Photobucket - Video and Image Hosting

Tượng đài ở Nghĩa trang Hàng Dương

Ngược lại, nghĩa trang Hàng Dương được chăm chút như một công viên. Một hệ thống tượng đài vừa được hoàn thành, cổng đá hoa cương sừng sừng. Nghĩa trang cây cối xanh tươi, rợp mát. Trong nắng chiều vàng rực, nghĩa trang như một bức tranh phong cảnh, có sáng tối, đậm nhạt, xa gần, hòa sắc xanh vàng đẹp mắt.

Photobucket - Video and Image Hosting

Mộ Võ Thị Sáu

Phía bên tay trái, gần cổng là ngôi mộ Võ Thị Sáu, được xây bằng đá hoa cương, ngang với Tổng bí thư Lê Hồng Phong, khác hẳn với những ngôi mộ xung quanh. Đặc biệt là người dân trên đảo rất sùng bái Võ Thị Sáu, nên trên mộ lúc nào cũng có hương hoa, gương lược. Nhiều gương lược đến nỗi người trông mộ phải mang về kho, đến ngày giỗ thì phát cho du khách.

Ông lãnh đạo một cơ quan tư pháp nói với tôi rằng: Có một ông bạn tôi ra xin trúng xổ số thì về trúng ngay mấy chục triệu, hắn đang hứa tặng tôi cái điện thoại di động đấy. Nhưng ra mộ thiêng nhất là vào nửa đêm 14 rạng sáng đêm rằm, cầu gì được nấy. Mai là 14 rồi, tôi đưa ông đi.

Đêm hôm sau, gần 12 giờ đêm, trăng sáng và gió biển ầm ào, ổng đánh ô tô qua gọi bọn tôi đi. Tôi từ chối…Ban ngày đã rợn tóc gáy rồi còn ban đêm. Vả lại tôi nói, tôi không dám xin gì cho mình cả, tôi khấn rằng các vị có linh thiêng phù hộ cho đất nước phát triển, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu thôi…

Photobucket - Video and Image Hosting

Nghĩa trang Hàng Keo

Tôi không đi nhưng 4-5 người khác vẫn đi. Họ đi được một lát thì mưa như trút. Không biết trong cơn mưa u uất lúc nửa đêm giữa bạt ngàn những nấm mồ ấy, họ cầu xin được những gì. Người ta nói trước các kỳ bầu bán, các quan cũng ra xin nhiều lắm…

Thật là một thứ tín ngưỡng vụ lợi và dễ dãi đến lạ lùng.

Nhân nói chuyện tâm linh, tôi vẫn tin rằng, những oan hồn, cả thường phạm và chính trị phạm ở đây cần có một đại lễ cầu siêu để giải thoát cho họ, hay ít là cho người sống cảm thấy như vậy. Hiện nay, trên đảo ngoài miếu thờ bà Phi Yến- An Sơn Miếu thì không có một cơ sở tôn giáo nào.

Trong trại Phú Hải, trại xây đầu tiên ở Côn Đảo từ cuối thế kỷ XIX, có một nhà nguyện Thiên Chúa nhỏ, nhưng bây giờ thuộc về di tích, không hoạt động. Một nhà thờ khác vốn xây bằng đá xanh rất đẹp ở ngay bờ biển thì nay đã cải tạo thành trụ sở cơ quan Tòa án.

Tuy vậy, trên đảo có một ngôi chùa khá đẹp, xây trên núi có bậc đá đi lên tươm tất. Từ chùa có thế ngắm được bao quát một vùng biển đảo mênh mông. Chùa có tên là Vân Sơn Tự. Nghe đâu chùa được xây trước 1975. Chúng tôi đến thấy chùa có khói hương nghi ngút nhưng không có người trông coi, không có sư trụ trì. Vì vậy mà phân dê rải rác khắp chùa. Tôi nghĩ giá như chùa có sư, sáng chiều gióng lên hồi chuông công phu, có tiếng mõ tụng niệm, để các oan hồn theo đó mà giải thoát thì tốt biết bao…

Mang tâm tư này nói với ông lãnh đạo huyện thì ổng gạt phắt đi, vì tôn giáo phức tạp lắm, ai biết sư sãi làm gì…Tôi nói người dân cần chỗ dựa về tâm linh. Ngay ở trong thành phố, quy hoạch cũng phải tính đến chùa chiền, cơ sở tôn giáo. Ông ấy bảo, sao không thờ cô Sáu, thờ cụ Lê Hồng Phong mà cứ phải thờ Phật. Nghe nói vậy tôi…pó tay luôn.

Tiện đây cũng xin nói thêm, nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội cũng tồn tại cả trăm năm, khi di dời đế xây khách sạn Tháp Hà Nội, người ta đã phải làm một đại lễ cầu siêu cho các oan hồn ở đó được giải thoát.

Hai vạn oan hồn ở Côn Đảo thì chưa…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter